Mùa hè trời nóng, cơ thể mất nhiều nước, mệt mỏi, sức chống đỡ bệnh tật kém nên rất dễ nhiễm bệnh. Ở trẻ em, do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên vào mùa nắng nóng có nguy cơ cao mắc một số bệnh nguy hiểm. Dưới đây là 6 bệnh trẻ em mùa nóng, mẹ hãy tham khảo để chủ động phát hiện và phòng tránh kịp thời cho con nhé!
Các bệnh phổ biến mùa hè ở trẻ
1. Bệnh đường hô hấp
Viêm đường hô hấp trên được chia thành 2 loại: viêm đường hô hấp trên cấp tính và viêm đường hô hấp trên mạn tính.
Bệnh thường xảy ra khi có một số yếu tố thuận lợi tác động vào như thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh; uống nước quá lạnh hoặc nước đá, kem; điều hòa nhiệt độ… Triệu chứng gặp đầu tiên là sốt (có thể sốt nhẹ, đôi khi sốt cao kèm theo rét run), kèm theo sốt là ho, hắt hơi và chảy nước mũi. Cơn ho có khi chỉ húng hắng, có khi ho liên tục.
2. Bệnh tay – chân – miệng
Bệnh do virut đường ruột Enterovirus (E71) và Coxcakieruses gây nên. Lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, từ người sang người. Thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Ban đầu, trẻ thường sốt nhẹ, than đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn hơn. Trẻ nhỏ thường đau khóc, bỏ bú. Khi đó, trong miệng trẻ đã có thể có những vết loét đỏ như vết lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi…
Quan sát có thể thấy những vết phát ban dạng phỏng nước hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông trẻ. Đồng thời bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
3. Sốt virut
Trẻ thường sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, có thể có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như: hắt hơi, sổ mũi, ho… Bệnh thường diễn biến lành tính trong 3-5 ngày, điều trị chủ yếu là hạ sốt, bù nước điện giải bằng đường uống, bảo đảm dinh dưỡng và chăm sóc mũi họng tốt để hạn chế bội nhiễm. Cần theo dõi các dấu hiệu biến chứng: đau đầu, nôn nhiều, rối loạn ý thức, co giật… để phát hiện các triệu chứng của viêm não và cần được điều trị kịp thời.
4. Viêm não Nhật Bản
Mùa hè nóng nực là cơ hội cho bệnh viêm não Nhật Bản B xuất hiện và khả năng bùng phát cao. Bệnh viêm não Nhật Bản B do virut Arbo gây ra. Bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm trên 90% số ca mắc) trong đó đa số là trẻ từ 1-5 tuổi. Người lớn cũng có thể mắc bệnh (nếu chưa có miễn dịch).
Bệnh có tỉ lệ tử vong khá cao hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề. Biểu hiện thường gặp là: sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, co giật rồi đi vào hôn mê nhanh chóng. Khi trẻ có những biểu hiện bệnh, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.
5. Sốt xuất huyết
Bệnh thường gia tăng nhanh vào mùa hè. Khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột. Biểu hiện kèm theo: mặt đỏ, da sung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu. Một số trường hợp kèm đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Ở trẻ nhũ nhi có thể kèm triệu chứng ho sổ mũi hay tiêu chảy. Sau đó, người bệnh có thể biểu hiện chấm xuất huyết (những chấm đỏ không biến mất khi ấn vào), xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu răng, đi cầu ra máu. Tất cả những trường hợp trên phải được cấp cứu ngay, đề phòng diễn biến xấu nguy hiểm tính mạng.
6. Tiêu chảy cấp
80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả…) hoặc virut, nấm, ký sinh trùng đường ruột. Tiêu chảy cấp thường do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Hoặc tiếp xúc với phân của người mắc bệnh tiêu chảy cấp.
Triệu chứng bệnh:
- Trẻ đi ngoài 10 – 15 lần/ngày, phân lỏng, nhiều nước, có mùi chua nhiều khi có nhầy máu
- Nôn liên tục hoặc vài lần trong ngày, thường nôn sau khi ăn
- Trẻ biếng ăn hơn, uống nhiều nước, tiểu ít.
Tiêu chảy cấp ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Tình trạng kéo dài làm cơ thể không hấp thu được chất dinh dưỡng và cơ thể suy nhược, giảm miễn dịch.
Cách phòng bệnh mùa hè cho trẻ hiệu quả nhất
-
Vệ sinh phòng bệnh
Tắm gội thường xuyên cho trẻ. Thường xuyên thay quần áo khi có nhiều mồ hôi, tránh để bé cảm lạnh, nhiễm nấm. Ngoài ra, không để trẻ gãi rôm để tránh làm tổn thương da, nhiễm trùng da. Tránh cho trẻ nghịch đất, cát bẩn. Không đi nằm sau khi tắm xong; không đột ngột ra – vào phòng điều hòa để tránh bị cảm lạnh.
Giữ môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, phát quang môi trường. Phơi quang những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi. Duy trì thói quen nằm màn khi ngủ, kể cả buổi trưa.
-
Dinh dưỡng
- Cho trẻ ăn nhiều loại quả giàu vitamin C, Kali, Beta-caroten… và các khoáng chất giúp cơ thể trẻ tăng cường sức đề kháng. Tăng cường nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như: rau rền, rau muống, bí xanh…
- Mùa hè trẻ thường vận động nhiều trong thời tiết nóng bức, ra mồ hôi nhiều nên dễ bị mất nước. Chú ý cho trẻ uống đủ nước, khoảng 100ml/kg cân nặng/ngày.
- Các loại nước uống chế biến từ hoa quả nên cho trẻ uống ngay tránh để lâu trong môi trường nhiệt độ cao sẽ làm mất vitamin.
- Hạn chế cho trẻ uống nước lạnh, các loại nước, nước quả, sữa,…bảo quản trong tủ lạnh nên bỏ ra ngoài khoảng 10 – 15 phút trước khi cho trẻ uống.
-
Vận động
- Vào mùa hè bố mẹ có thể cho bé chơi ngoài trời vào buổi sáng sớm và chiều muộn để tránh ánh nắng gắt ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, làn da bé.
- Nếu vào mùa đông bố mẹ có thể cho bé chơi ngoài vào buổi sáng muộn khi nắng lên, không còn sương mù và chiều sớm để đảm bảo điều kiện thời tiết tốt nhất cho bé vui chơi. Thời gian để bé vui chơi ngoài trời ít nhất là 60 phút/ ngày để bé rèn luyện thể lực, sức đề kháng được tốt hơn khi thường xuyên được làm quen với điều kiện môi trường biến đổi.
-
Tiêm ngừa đầy đủ
Những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc xin sẵn có, giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất trong suốt mùa nắng nóng này.
Theo theAsianparent
Xem thêm
- Trẻ bị rách giác mạc, đục thủy tinh thể suýt mù mắt chỉ vì cành hoa
- Hiểu rõ về viêm tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh – Khi nào cần phải đưa bé đi thông?
- 9 cách hạ sốt cho bé tại nhà an toàn và hiệu quả mà không cần thuốc hạ sốt!
- Tan máu bẩm sinh là nguyên nhân khiến cho 800 trẻ không thể ra đời mỗi năm