Các bệnh nguy hiểm ở trẻ sơ sinh ngay khi chào đời thường được thể hiện qua các dấu hiệu mà đôi khi bố mẹ lại lơ là bỏ qua. Sau đây là 6 dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm ở trẻ sơ sinh, cha mẹ hãy theo dõi nhé!
Kết thúc công cuộc sinh nở, me và bé sẽ được chăm sóc cẩn thận tại bệnh viện trong 2-3 ngày. Ngay sau đó, khi trở về nhà cũng là lúc công cuộc chăm con của các bố mẹ mới bắt đầu. Tuy vậy, mọi thứ dường như không bao giờ dễ dàng với một em bé sơ sinh còn non nớt, đặc biệt là các căn bệnh có thể tấn công con trong giai đoạn đang hình thành sức đề kháng.
Các bác sĩ Nhi thường khuyên bố mẹ nên cẩn trọng với những dấu hiệu cảnh báo về triệu chứng bệnh nguy hiểm ở trẻ sơ sinh như sau.
1. Màu da của con có vấn đề
Thông thường, một bé sơ sinh mới chào đời sẽ có làn da hồng hoặc hơi đỏ. Đây là dấu hiệu cho thấy con khỏe mạnh và phát triển tốt.
Tuy vậy, nếu bố mẹ thấy sau khi sinh vài ngày, da bé có xu hướng thay đổi, trở nên vàng nhạt hoặc sẫm dần như bôi nghệ thì cần khẩn trương đưa bé đi khám.
Hiện tượng vàng da có thể xuất hiện từ 3-5 ngày kể từ khi trẻ được sinh ra. Hiện tượng sẽ dần dần biến mất trong vòng 7 ngày
Với các bé không được bú sữa mẹ, nguy cơ vàng da sẽ lớn hơn. Chính vì thế, bất kỳ sự thay đổi như thế nào về màu sắc da trẻ sơ sinh cũng đều là tín hiệu cho thấy sức khỏe của trẻ đang có vấn đề.
2. Con gặp khó khăn trong việc bú sữa
Bé sơ sinh có xu hướng bú sữa mẹ nhiều trong 3 tháng đầu đời. Mỗi lần con có thể bú tầm 30 phút. Khi được ăn no, bé có thể ngủ được sâu giấc rồi lại dậy ăn tiếp. Trường hợp con bú rất ít, có dấu hiệu lờ đờ, không hoạt bát, quấy khóc nhiều, thậm chí là xuất hiện thở khò khè hoặc thở gấp trong lúc bú thì mẹ cần dẫn bé đi kiểm tra tình hình sức khỏe càng sớm càng tốt.
3. Bé có vấn đề về bài tiết
Trong 2-3 ngày đầu tiên, phân của trẻ sơ sinh thường đen, dẻo và quánh. Sau đó màu phân chuyển sang vàng. Bé bú mẹ có thể đi phân ra bọt hoặc phân hoa cà.
Thông thường một em bé bú mẹ sẽ ị từ 6-10 lần/ngày còn bé bú bình có thể chỉ từ 2-3 lần/ngày (tùy thuộc vào loại sữa bột con ăn).
Trường hợp bé đại tiện nhiều hơn mức bình thường ngay sau khi ăn, phân có lẫn nhầy hoặc màu đỏ, mùi nặng bất bình thường, bé quấy khóc thì mẹ cần đưa bé đi khám sớm nhất có thể.
Các biểu hiện nói trên rất có thể là dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hóa của bé có vấn đề. Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng liệu pháp, bé sẽ dễ bị co giật hay thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
4. Rốn con có dấu hiệu bất thường
Một trong những dấu hiệu bệnh nguy hiểm ở trẻ sơ sinh mới chào đời mà bố mẹ cần hết sức thận trọng nữa là rốn của bé.
Một em bé khỏe mạnh sẽ rụng rốn sau 5-10 ngày kể từ khi con sinh ra. Rốn của bé cần được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày và cần được tránh xa khỏi phân, nước tiểu hoặc các loại sản phẩm như phấn rôm, kem dưỡng.
Ngay khi thấy vùng rốn của bé rỉ nước, có mùi hôi, xung quanh vùng rốn sưng tấy, ra máu thì bố mẹ nên cho bé đi khám chứ không nên tự tiện bôi bất kỳ loại thuốc nào mà chưa có ý kiến của bác sĩ.
5. Nước chảy ra từ tai trẻ sơ sinh
Bộ phận tai của bé trong những tháng đầu đời rất nhạy cảm. Nó đòi hỏi mẹ cần có kĩ năng lau rửa và chăm sóc cẩn thận.
Ngoài ra, mẹ nên lưu ý nếu phát hiện thấy có dịch trắng hay vàng chảy ra từ tai bé. Đây có thể lá dấu hiệu cảnh báo con đang bị viêm tai và cần được khám chữa ngay lập tức.
6. Bé bị co giật
Trong các tháng đầu đời, bé có thể dễ giật mình, nôn trớ, nấc, … Nhưng một khi mẹ thấy bé có biểu hiện như chân tay co quắp, mắt lờ đờ, bé chớp mắt liên tục, miệng con chóp chép như thể đang mút ti mẹ liên tục thì hãy cho bé đi khám ngay.
Theo các bác sĩ nhi, những biểu hiện này có thể cho thấy con đang có vấn đề bất thường về não bộ hoặc bị viêm nhiễm đâu đó trong cơ thể.
Theo The Asianparent
Xem thêm
- Trẻ sơ sinh bị sổ mũi nghẹt mũi có thể dẫn đến bệnh hô hấp nguy hiểm?
- Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị ốm mau khỏi, không kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ Nhi
- Cách bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh đúng chuẩn giúp bé không còi cọc, ốm đau