Thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, nhất là sáng sớm và chiều tối là nguyên nhân khiến nhiều trẻ nhập viện. Những bệnh dễ mắc là sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm đường hô hấp, cúm… Do đó, các bậc phụ huynh cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ nhỏ, ngăn ngừa các bệnh hô hấp do chuyển mùa
Nhiều bệnh đồng loạt “tấn công”…
Tại Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi trung ương), 155 giường bệnh của trung tâm đã kín chỗ trong suốt 1 tháng qua. Mỗi ngày có từ 25 đến 30 trẻ sau khi điều trị bệnh thuyên giảm được các bác sĩ chuyển về tuyến dưới để tiếp nhận thêm chừng đó bệnh nhi nặng nhập viện, tránh tình trạng các bé phải nằm ghép. Hiện tại có tới 60 bệnh nhi phải thở oxy (chiếm gần 40% số bệnh nhân nội trú).
Chị Nguyễn Thị Bích (ở quận Long Biên, Hà Nội) có con trai 2 tuổi nằm điều trị tại Trung tâm Hô hấp được 5 ngày và hiện tại sức khỏe của bé đã có nhiều tiến triển. Chị Bích cho biết: “Ban đầu, con trai tôi chỉ bị viêm họng, viêm mũi. Vì chủ quan nên khi đến viện, cháu đã bị nặng hơn và bị biến chứng viêm phổi…”.
Bên cạnh là một bé gái 11 tháng tuổi ở huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng có tình trạng sốt cao, ho nặng, khó thở phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phế quản phổi, phải thở oxy và được theo dõi điều trị nghiêm ngặt…
Bệnh chủ yếu tập trung vào lứa tuổi từ 1 tháng tuổi đến 15 tuổi, bệnh viêm phổi nặng có suy hô hấp hầu hết liên quan trẻ dưới 6 tháng tuổi
PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, phần lớn các trường hợp đang nằm điều trị nội trú là các bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản. Còn lại là những bệnh lý chuyên sâu hơn, như tràn dịch màng phổi, dị dạng đường thở… Bệnh tấn công các bé ở độ tuổi từ 1 tháng tuổi đến 15 tuổi. Trong đó, đáng chú ý là bệnh viêm phổi nặng có suy hô hấp nguy hiểm thì hầu hết liên quan trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Đặc biệt, đây là thời điểm bệnh tay chân miệng cũng có dấu hiệu gia tăng. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 5-10 đến 11-10, đã có 161 ca mắc bệnh này trên địa bàn thành phố (tăng 13 trường hợp so với tuần trước đó). Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.780 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng và không có ca tử vong.
Tại khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Nhi trung ương, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, trưởng khoa, cho biết, hiện có 71 trẻ đang điều trị nội trú và nhiều bé đang ở trong tình trạng nặng. Nhiều ca bị nặng và biến chứng viêm não, viêm màng não, thần kinh. So với các năm trước thì số ca bị biến chứng do mắc tay chân miệng năm nay nhiều hơn.
Sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội cũng đang tăng vọt so với những tuần trước đó. Từ ngày 5-10 đến 11-10, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng lên 458 ca, gấp 4 lần số ca mắc bệnh này trong tháng 8.
Theo ý kiến từ bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, bệnh sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ em về cơ bản có diễn tiến giống nhau. Trong 3 ngày đầu, người bệnh có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi có một số dấu hiệu như: Sốt cao li bì, nôn nhiều, đau tức vùng gan, khó thở hoặc xuất huyết tự nhiên như chảy máu chân răng, bệnh nhân cần phải nhập viện theo dõi ngay lập tức.
Học ngay những biện pháp phòng bệnh đơn giản, dễ thực hiện
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, giai đoạn giao mùa khiến cho thời tiết chuyển lạnh, độ ẩm cao hơn, ánh sáng mặt trời ít hơn là nguyên nhân làm cho vi rút sinh sôi nảy nở trong môi trường mạnh hơn.
Để phòng bệnh hô hấp do chuyển mùa ở trẻ khi thời tiết chuyển mùa, PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh có những khuyến cáo như:
- giữ ấm và đeo khẩu trang khi cho trẻ ra ngoài
- hằng ngày cho trẻ vệ sinh mũi, họng
- vệ sinh thân thể
- tắm ở phòng kín, tránh gió
- đảm bảo dinh dưỡng trong chế độ ăn của trẻ
- bổ sung rau quả, cung cấp vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng
- không nên cho trẻ ăn, uống các loại thức ăn đã nguội, lạnh, hạn chế các loại đồ uống lạnh
- tiêm phòng đầy đủ vắc xin cúm, phế cầu và những bệnh lý theo quy định của Bộ Y tế.
- nếu thấy con có dấu hiệu như khó thở, sốt cao khó giảm, ho nhiều hơn: cần đi khám để điều trị.
- không tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc thuốc theo đơn cũ vì dễ gây kháng thuốc, không hiệu quả trong điều trị
Các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng
Bác sĩ Đỗ Thiện Hải cho rằng trẻ có thể tự khỏi nếu ở thể nhẹ nhưng rất dễ dẫn đến biến chứng nếu chủ quan. Có 3 triệu chứng rất sớm báo hiệu nguy cơ bệnh tay chân miệng có thể diễn biến nặng là:
- quấy khóc khác thường
- sốt cao không hạ
- giật mình
Cha mẹ cần chú ý theo dõi, nếu thấy con của mình có 1 trong 3 triệu chứng trên thì đưa trẻ đi khám để được xử trí kịp thời và không gặp biến chứng.
Các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết
Bên cạnh các bệnh hô hấp do chuyển mùa, thời tiết này cũng là lúc sốt xuất huyết trở lại và gia đình cần thực hiện các biện pháp ngăn ngừa bệnh hiệu quả. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu, các đơn vị trong ngành tiếp tục chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đó là:
- vệ sinh môi trường
- diệt bọ gậy (lăng quăng)
- phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh
- tăng cường công tác tuyên truyền để người dân cùng phối hợp phòng bệnh, không chủ quan
- cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời nếu có dấu hiệu mắc bệnh
Theo hanoimoi
Xem thêm
- 50 người tử vong, sốt xuất huyết có nguy cơ bùng nổ thành dịch lớn
- Sốt xuất huyết thời điểm cuối năm – Mối nguy hiểm trong thời gian sắp tới
- Trẻ bị viêm đường hô hấp trên: nguyên nhân và cách phòng tránh