Quá trình phát triển não bộ của bé sơ sinh 1-2 tuần tuổi diễn ra với tốc độ nhanh chóng nhất nếu so sánh với tỉ lệ tốc độ tăng trưởng của cơ thể ở bất kì giai đoạn nào. Mẹ có thể dựa trên các đặc điểm của giai đoạn này để đặt nền tảng rèn luyện não bộ cho bé ngay từ khi mới chào đời. Mẹ hãy tham khảo cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời sau đây nhé!
Các phản xạ khi bé chào đời và cách kích hoạt khả năng của phản xạ bẩm sinh
Trong 1-2 tuần đầu tiên, hoạt động chủ yếu của con là ngủ. Bé có thể ngủ từ 16-18 tiếng mỗi ngày. Khoảng thời gian thức của con rất ngắn, ngoài những lúc ăn sữa, con chỉ thức được từ tầm 3-5 phút là nhiều nhất.
Các hoạt động chủ yếu mà bé sơ sinh 1-2 tuần tuổi có thể làm được không nhiều như khóc hay há miệng ngậm vú mẹ hoặc núm bình. Đây chính là thời điểm mà các chuyên gia gọi là “Khoảng thời gian phản xạ” với 3 phản xạ cơ bản mà trẻ sơ sinh có được ngay từ khi chào đời.
- Phản xạ mút là khả năng ngậm mút bất cứ thứ gì tiếp xúc với môi bé và mút liên tục.
- Phản xạ nắm là việc bé có thể nắm chặt. Dù mẹ có cố gỡ các ngón tay của trẻ ra thì bé sẽ lại nắm chặt vào như cũ.
- Phản xạ chớp mắt. Nếu thổi không khí vào mắt bé, con sẽ tự động nhắm mắt lại.
Có thể nói trong 2 tuần đầu sau sinh, bé hầu như chưa ý thức nhiều về thế giới bên ngoài. Lúc này các mẹ cũng chưa cảm nhận được rõ ràng về tâm lý cũng như khả năng trí tuệ của trẻ.
Mục tiêu quan trọng nhất của việc chăm sóc và nuôi dưỡng bé trong 2 tuần đầu tiên sau khi chào đời này là giúp cho cổ bé cứng cáp càng sớm càng tốt. Tập cho con nằm sấp và dựng đầu lên để con có thể nhìn và cảm nhận thế giới bên ngoài.
Sự phát triển não bộ của bé sơ sinh 1-2 tuần tuổi thông qua giấc ngủ
Trong những tuần đầu tiên này, số giờ ngủ của bé hầu như chiếm trọn cả ngày. Giấc ngủ của trẻ lúc này gồm 2 loại chính là “Giấc ngủ với sóng tần suất thấp (Non-Rem)” và “Ngủ mơ” (Rem).
Giấc ngủ với sóng tần suất thấp
Với giấc ngủ này, một nửa số tế bào thần kinh sẽ nghỉ ngơi kết hợp với làm việc theo một chu kì nhất định để phù hợp với tần số thấp của não. Nói một cách khác, trong khi con đang ngủ, não sẽ ôn lại những gì con đã học được khi còn thức.
Ngủ mơ
Ở giai đoạn ngủ này, con ngươi mắt vẫn chuyển động qua lại, miệng bé sẽ có phản xạ mút, ngón chân, ngón tay vẫn còn cử động giật. Lúc này não con vẫn đang hoạt động như khi thức.
Dù là giấc ngủ của con thuộc loại nào đi chăng nữa thì chúng đều cần thiết cho phát triển thể chất và trí não của trẻ. Với giấc ngủ sóng tần suất thấp, não bộ và cơ thể con được nghỉ ngơi. Trong khi đó, ngủ mơ lại cần thiết cho sự phát triển của não và hệ thần kinh.
Các nghiên cứu ngày nay đều chỉ ra rằng, thời gian ngủ, dù trẻ không có phản ứng với thế giới bên ngoài nhưng đó lại là lúc não bộ con đang hình thành quá trình học hỏi các kĩ năng.
Một điều mẹ cần ghi nhớ là, mỗi một bé sơ sinh sẽ có khoảng thời gian thức, ngủ khác nhau, mẹ cần để bé ngủ đủ giấc và chất lượng, tuyệt đối tránh mọi kích thích mạnh khiến bé giật mình thức giấc. Một giấc ngủ chất lượng sẽ là nguồn “thức ăn” tốt nhất cho não bộ phát triển.
Tiếp xúc da với bé sơ sinh – Kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh
Các nhà khoa học gọi việc thể hiện cảm xúc yêu thương thông qua tiếp xúc da giữa mẹ và bé là skin to skin. Đây là một tiếp xúc quan trọng để hình thành nên mối liên hệ sâu sắc, hòa vào làm một của mẹ và con thông qua các hoạt động ôm ấp, vỗ về.
Da của con người chúng ta bao gồm phần có lông và không có lông (như lòng bàn tay, bàn chân). Khi ấn hoặc vuốt ve nhẹ nhàng vào phần da có lông bao giờ em bé cũng cảm thấy dễ chịu.
Và khi dây thần kinh tự do phía dưới da được kích thích do mẹ ôm hôn bé, hệ xúc giác thông qua dây thần kinh C sẽ được hoạt động. Khi đó không những bé mà mẹ cũng thấy nảy nở tình yêu thương, cảm giác thoải mái, an toàn.
Do đó, nếu muốn bé sơ sinh không bị giật mình, lo lắng, sợ hãi thì mẹ cần phải hiểu về cơ chế hoạt động này của hệ thần kinh và giúp bé trấn tĩnh lại bằng việc tiếp xúc, ôm ấp lên vùng da có lông của trẻ.
Sự nhạy cảm với các kích thích của bé sơ sinh 1-2 tuần tuổi
Bé sơ sinh mới chào đời chỉ có thể phản ứng lại với các phản xạ bẩm sinh. Tuy nhiên, với môi trường sống bên ngoài, bé cũng có thể phản ứng được với một số yếu tố, dù chưa rõ ràng.
Khi con tròn 1 tuần tuổi, trẻ bắt đầu phân biệt được thứ mà mình nhìn thấy là con người hay đồ vật. Các phản xạ nhìn và đáp lại với phản xạ sẽ khác nhau tùy vào thứ mà bé nhìn hoặc nghe thấy.
Nhưng có một điều rõ ràng là trẻ sẽ khóc nếu đó là thứ con không thích. Ví dụ như khi con bị tiêm vắc xin, đo vòng đầu, … con sẽ khóc trong vòng một vài giây rồi lại thiếp đi.
Từ 1 tuần tuổi trở đi, bé sơ sinh đã có thể phân biệt được nhiệt độ và mùi vị. Khi nghe thấy tiếng động, con sẽ mở mắt. Khi đó nhịp thở của con cũng thay đổi.
Bé sơ sinh 1-2 tuần tuổi có khả năng nhìn chăm chú vào các vật thể mầu đỏ hoặc màu vàng ở trước mặt. Ngoài ra bé cũng thích nhìn lơ đãng ra các vật ở xa và phản ứng lại với ánh sáng mạnh.
Do đó, nhiệm vụ quan trọng của mẹ là cần biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời như quan sát con kĩ càng và tìm ra các phương pháp để kích thích các phản xạ bẩm sinh, từ đó giúp con hình thành phản ứng với các phản xạ đó một cách rõ ràng.
Xem thêm
- Trẻ sơ sinh khi mới chào đời: 24 giờ đầu tiên của bé sẽ như thế nào?
- Bé 2 tuần tuổi – Mẹ cần giúp con lấy lại cân nặng đã mất ở tuần đầu tiên
- CẨM NANG PHÁT TRIỂN – Bé 03 tuần tuổi