Bé hay gồng cứng người, đôi khi vặn mình đến đỏ mắt tía tai? Ắt hẳn nhiều mẹ chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh sẽ cảm thấy lo lắng với hiện tượng này. Những giải đáp từ các bác sĩ nhi dưới đây sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn về hiện tượng có thể xem là khá phổ biến với các bé mới chào đời.
Bé hay gồng cứng người là phản ứng sinh lý của trẻ sơ sinh
Các bác sĩ Nhi đã giải thích về hiện tượng này rằng: Vặn hay rướn người trẻ sơ sinh đơn giản chỉ là một phản xạ của cơ thể đầu đời. Bé đang tìm cách thích nghi, học hỏi với môi trường sống bên ngoài. Vặn vẹo chân tay giúp con cảm nhận và học để điều khiển chúng.
Hơn nữa, lúc này con chưa thể di chuyển theo ý mình nên vặn, rướn người là cách tốt nhất để con kéo giãn mình, khám phá không gian xung quanh theo nhiều chiều.
Một số trẻ thường gồng mình nhiều trong lúc đi vệ sinh. Điều này là hoàn toàn bình thường. Trẻ sơ sinh chưa biết đến phạ xạ tè, ị. Do đó, khi có nhu cầu con sẽ vặn mình để dần thích nghi với hoạt động này.
Nếu bé đi ngoài phân mềm, tăng cân tốt thì vặn mình không phải là dấu hiệu con bị táo bón. Bé bú mẹ và bé bú bình sẽ có số lần đi ị khác nhau. Đôi khi có thể con không đi trong vài ngày hoặc đi nhiều lần trong ngày. Chỉ cần mẹ chú ý đến màu sắc phân, độ mềm của phân để đảm bảo con vẫn khỏe mạnh, bình thường.
Nói tóm lại, nếu con vẫn khỏe, lên cân tốt, thì triệu chứng vặn mình và đỏ mặt là sinh lý bình thường, sẽ tự hết khi bé được 2 – 3 tháng tuổi.
Bé hay rướn người – liệu có phải là hiện tượng bệnh lý bất thường?
Theo Ths.BS Trần Hà Phương Tâm, khoa Sơ sinh – BV Từ Dũ, trẻ sinh thiếu tháng có xu hướng hay gồng mình, vặn người kèm rên, ọc sữa sau ăn, ngủ không ngon giấc, nấc cục nhiều. Lý do chính là những bé sinh non có thể bị thiếu vitamin D và canxi.
Vitamin D có vai trò quan trọng trong việc hấp thụ và phân phối canxi, phospho, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành các cấu trúc xương. Cung cấp đầy đủ vitamin D cho cơ thể sẽ giúp canxi và phospho được gắn chắc trong các mô xương và điều hòa cân bằng nội môi của canxi và phospho trong cơ thể con người.
Đối với trẻ em nói riêng, thiếu vitamin D gây ra tình trạng còi xương. Việc thiếu canxi sẽ gây ra tình trạng tăng dị hóa vitamin D.
Tuy nhiên ba mẹ cần lưu ý là việc bổ sung canxi và vitamin D cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh cần được xác định bởi bác sĩ chuyên khoa nhi và chuyên khoa dinh dưỡng, tùy theo từng độ tuổi bé, nhu cầu của từng bé để bổ sung hợp lý.
Làm thế nào để giúp trẻ cải thiện tình trạng này?
Với các bé hay gồng người do đặc điểm sinh lý bình thường ở những tháng đầu đời, mẹ hoàn toàn có thể giúp bé cải thiện tình trạng này bằng những cách đơn giản như:
– Quấn bé khi đi ngủ: Đây là cách để mô phỏng môi trường bên trong bụng mẹ, giúp con ngon giấc hơn.
– Trợ giúp bé bú đúng tư thế: Một số trẻ hay vặn mình khi bú sữa mẹ. Lúc này mẹ cần kiên nhẫn và tạo ra tâm lý thoải mái, hướng dẫn bé cách ngậm khớp vú đúng. Dần dần, con sẽ trấn an và bình tĩnh hơn.
– Nếu khi thức con vặn mình nhiều, mẹ có thể bế vác bé lên, dùng tay khum lại và vỗ lên lưng con nhẹ nhàng.
Còn trường hợp bé gồng mình do thiếu vitamin D và canxi (do bác sĩ chẩn đoán), ba mẹ có thể bổ sung hai chất này theo đơn kê và hướng dẫn của bác sĩ. Bác sĩ Phương Tâm cũng giải thích rõ, trẻ cần thời gian để cơ thể hấp thu các chất được bổ sung từ từ mỗi ngày một ít. Bởi vì không phải cứ bổ sung bao nhiêu là cơ thểtrẻ sẽ hấp thu bấy nhiêu. Để giảm tất cả các triệu chứng như gồng mình nói trên có khi cần đến vài tháng.
Tuy nhiên, ba mẹ cần theo dõi biểu hiện hàng ngày của trẻ. Nếu thấy tần suất ói ọc giảm từ từ, giảm vặn mình hơn vào ban ngày, bớt lạnh tay ch, … Điều đó cho thấy việc bổ sung canxi và vitamin D cho trẻ đã mang lại hiệu quả tốt.
Xem thêm:
- Bé hay vặn mình khi ngủ – Mẹ cần làm gì?
- Trẻ sinh non hay vặn mình mẹ không được chủ quan
- Bé hay vặn mình đỏ mặt, lồi rốn đến bật máu – Có phải hiện tượng bất thường?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!