Hải sản là món ăn ngon, giàu dinh dưỡng rất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên nó lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc nguy hiểm. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có nhiều loại hải sản khác nhau với nhiều loại nguyên nhân gây độc khác nhau có thể gây tử vong. Mới đây một bé gái 8 tuổi đã tử vong do ăn nhầm hải sản chứa độc tố gây bàng hoàng cho nhiều người.
Bé gái 8 tuổi tử vong vì ngộ độc hải sản
Công an huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương cho biết vừa tiếp nhận sự việc bé gái tử vong do ăn nhầm hải sản có độc xảy ra tại xã Thanh An, hiện đang làm rõ nguyên nhân vụ. Theo thông tin ban đầu, vào ngày hôm 8/3, gia đình anh D.M.T. (37 tuổi, ngụ xã Thanh An) tổ chức một chuyến du lịch tại Vũng Tàu, trên đường trở về nhà sau chuyến anh đã mua 5 con sam biển với giá 250 nghìn đồng.
Tối hôm sau, gia đình anh T. cùng hàng xóm, tổng cộng là 7 người đã cùng nhau nướng sam biển ăn. Tuy nhiên, tất cả những người ăn sam đều có triệu chứng nôn mửa chỉ hơn 1 tiếng sau khi ăn. Thấy triệu chứng ngày càng nặng người dân lập tức đưa tất cả đến bệnh viện Đa khoa Cao su Dầu Tiếng để cấp cứu nhưng cháu D.N.T., 8 tuổi, con gái của anh T. đã tử vong. 6 người còn lại tiếp tục được chuyển lên bệnh viện tỉnh để điều trị, hiện tất cả đã qua cơn nguy kịch.
Sau khi lấy mẫu thức ăn để giám định và xác định nguyên nhân vụ việc, lực lượng chức năng nghi ngờ những người này đã ăn nhầm con so biển. Sam biển và so biển có hình dáng rất giống nhau, tuy nhiên so biển chứa độc tố, khi ăn phải sẽ gây tử vong, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ vì sức đề kháng yếu có thể tử vong dù chỉ ăn một lượng ít.
Sự việc đau lòng về cô bé 8 tuổi, một lần nữa làm dấy lên hồi chuông cảnh báo cho tất cả mọi người cần cẩn trọng và tìm hiểu rõ ràng trước khi ăn những món ăn có nguy cơ gây ngộ độc.
Đây không phải là vụ ngộ độc hải sản đầu tiên do ăn nhầm sam và so biển, một người đàn ông tên Lâm (48 tuổi, ở quận Bình Tân, TP HCM) cũng phải nhập viện do nhà hàng cho ăn nhầm so biển, nạn nhân nhập viện trong tình trạng chóng mặt, lơ mơ, khó thở, tê cứng môi, miệng, chân tay, mất kiểm soát.
Cần tìm hiểu đặc điểm phân biệt con sam và con so để tránh tai nạn đáng tiếc
– Sam biển: Vỏ cứng như mai cua, mình tròn vẹt, đường kính khoảng một gang tay (20 cm), dưới bụng có 8 chân càng nhỏ, bơi rất chậm và bò như cua. Đuôi sam có gờ mặt lưng rất rõ, hình tam giác. Sam biển sống từng cặp, mỗi cặp làm tổ để sinh sống cùng nhau.
– So biển: Kích thước nhỏ hơn sam biển, không đi theo thành từng cặp, đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn. Kích thước tối đa của so là 25 cm, trọng lượng dưới một kg. So biển luôn đi một mình và nhỏ hơn sam là dấu hiệu dễ nhận biết nhất.
Những lưu ý khi cho trẻ ăn hải sản
– Đạm trong hải sản thường gây dị ứng cho trẻ, cha mẹ nên cho con ăn ít một, ăn từ từ để trẻ tập thích nghi, tốt nhất là cho trẻ ăn từ tháng thứ 7 trở đi, bắt đầu làm quen từ các loại cá đồng:
- Trẻ 7-12 tháng: mỗi bữa có thể ăn 20-30g thịt của cá, tôm, mỗi ngày có thể ăn 1 bữa, tối thiểu ăn 3-4 bữa/tuần.
- Trẻ 1-3 tuổi: mỗi ngày ăn 1 bữa hải sản, mỗi bữa ăn 30- 40 g thịt hải sản.
- Trẻ từ 4 tuổi trở lên: có thể ăn 1-2 bữa hải sản/ngày, mỗi bữa có thể ăn 50 – 60g thịt của hải sản.
– Cá biển nên ăn cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá basa, các loại cá này chứa nhiều omega-3 (các axit béo chưa no rất tốt cho sự phát triển thần kinh và thị giác của trẻ, phát triển trí não giúp bé thông minh hơn). Nên cho trẻ ăn các loại cá này sau khi đã làm quen với cá đồng.
– Cá đồng, tôm, cua đồng giàu đạm và canxi, nên cho trẻ ăn thường xuyên. Các loại hải sản có vỏ như: Hàu, ngao, hến, trai… nên cho bé ăn khi được 1 tuổi trở lên.
– Các loại hải sản có vỏ như: Hàu, ngao, hến, trai… nên cho bé ăn khi đã 1 tuổi, các loại hải sản này chứa nhiều kẽm, một vi chất quan trọng đối với trẻ em.
– Cần tránh cho trẻ một số loại cá chứa hàm lượng thủy ngân và các chất ô nhiễm cao như: Cá kình, cá cờ, cá thu lớn, cá ngừ lớn…
– Điều quan trọng nhất là khi cho bé ăn hải sản, các bà mẹ phải chọn loại còn tươi, không ăn hải sản đã chết vì dễ gây ngộ độc thức ăn cho bé.
Theo afamily
Xem thêm:
- Khi bé được ăn hải sản và những điều phụ huynh cần lưu ý đối với loại thực phẩm này
- Hải sản nhiều dinh dưỡng nhưng cũng nhiều nguy cơ, mẹ nên cho bé 7 tháng ăn như thế nào?
- Có thai ăn cua được không? Thắc mắc hàng đầu của mẹ bầu mê hải sản
Vào ngay Fanpage của TheAsianParent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!