Bé bị sặc sữa trong lúc ăn là tình huống có thể xảy ra với bất kỳ trẻ sơ sinh nào khi mà hệ tiêu hóa của con còn chưa hoàn thiện. Mẹ chăm con năm đầu đời cần nắm vững cách xử lý để phòng tránh mối nguy hiểm có thể đe dọa tới tính mạng của bé.
Trẻ sơ sinh hay bị sặc sữa thì mẹ nên làm thế nào?
Một trong những hiện tượng phổ biến với các bé, đặc biệt trong 3 tháng đầu đời là sặc sữa. Con có thể sặc chính sữa mẹ hoặc sữa bình do nhiều nguyên nhân (có thể là từ bé mà cũng có thể do cách mẹ cho con ăn sữa chưa đúng).
Nhưng những nguyên nhân phổ biến nhất thường khiến bé bị sặc sữa là:
– Con có vấn đề về đường tiêu hóa như một bộ phận nhai nuốt thức ăn nào đó của con trục trặc khiến thực quản bị tắc nghẽn. Từ đó trẻ dễ sặc, ho hoặc thở khò khè trong khi ăn sữa.
– Trẻ chậm phát triển về thể chất hoặc có vấn đề về tim và phổi.
– Dòng sữa chảy quá mạnh hoặc quá nhanh khiến bé nuốt sữa không kịp.
– Mẹ kéo núm vú ra khỏi miệng con đột ngột trong khi bé vẫn đang mút sữa.
– Bé bị đầy hơi.
– Mẹ cho bé ăn sữa sai tư thế, không đúng cách.
– Lượng sữa mẹ cho bé ăn quá mức con có thể tiếp nhận.
– Trường hợp con ăn sữa bình thì rất có thể bé bị sặc sữa vì kích cỡ núm vú không phù hợp với bé khiến sữa chảy ra quá mạnh, bé bú không kịp.
Bé bị sặc sữa thường xuyên thì mẹ nên có cách để giúp con phòng tránh như thế nào?
Khi thấy con có hiện tượng bị sặc sữa, bất kể là bé bú mẹ hay bú bình, mẹ cũng cần lưu ý những điều sau để giúp bé phòng tránh sặc sữa trở lại.
1. Điều chỉnh dòng chảy của sữa sao cho phù hợp. Nếu bé bú mẹ, mẹ có thể ấn vào vùng quanh núm vú để giảm bớt tốc độ của dòng sữa chảy. Còn nếu bé bú bình, mẹ nên kiểm tra lại xem lỗ núm vú có quá to so với mức độ mút sữa của bé hay không.
2. Điều chỉnh tư thế cho bé bú. Tốt nhất là bế bé ăn sữa ở tư thế ngồi. Đặt con nghiêng 45 độ. Mẹ có thể lót một chiếc gối ôm ở dưới cánh tay mẹ và đặt bé nằm trên một lớp gối mỏng.
3. Với bé bú bình, mẹ cần đảm bảo sữa luôn ngập núm vú. Khi ăn bé cần ngậm trọn núm vú và dốc bình lên khoảng 45 độ.
4. Mẹ cần cho bé ợ hơi sau mỗi lần ăn sữa xong. Có thể bế vác bé hoặc giữ bé ở tư thế ngồi rồi dùng tay vuốt dọc sống lưng bé.
5. Mẹ luôn phải quan sát xem bé có đờm hay không, khi ngủ con có thở bình thường hay có tiếng gì lạ không.
6. Nếu mẹ đã thực hiện các bước nói trên mà bé vẫn bị sặc sữa thì mẹ cần cho bé đi khám để tìm ra nguyên nhân.
Mẹ cần xử lý như thế nào khi trẻ sơ sinh bị sặc?
Trước tiên mẹ cần đặt bé nằm nghiêng (tuyệt đối không bế bé lên ở tư thế thẳng). Sau đó để đầu bé thấp xuống so với thân nhằm tránh sữa bị đọng lại trong miệng hoặc cổ họng. Lau sạch sữa xung quanh miệng, mũi nếu trẻ sơ sinh bị ọc sữa lên mũi.
Trường hợp bé bị tím tái vì sặc sữa, mẹ cần thực hiện theo các bước sau:
Đặt con nằm sấp (đầu thấp hơn thân), một tay giữ cằm và cổ trẻ, tay kia khum lại và vỗ 5 cái ở chính giữa 2 xương bả vai của trẻ.
Nếu con vẫn còn tím tái thì đặt em bé nằm ngửa ra. Đầu thấp hơn thân, để mặt con nghiêng sang một bên. Dùng ngón tay trỏ và giữa ấn vào vị trí chính giữa ngực 5 lần.
Thấy sữa chảy ra, mẹ cần lấy khăn lau sạch cho trẻ. Nếu con khóc to và thở mạnh ra thì nghĩa là trẻ đã thở được. Lúc này nên đưa bé đi khám để bác sĩ kiểm tra lại tình trạng của trẻ.
Trường hợp mặt con vẫn tím tái, mẹ tiếp tục thực hiện vỗ lưng 5 cái và ấn ngực 5 cái xen kẽ như trên rồi nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu.
Theo The Asianparent Thái Lan
Xem thêm:
Ăn vào là lại ọc sữa – Xử lý thế nào đây khi bé bị trớ sữa bệnh lý?
Trẻ sơ sinh bị trớ sữa – Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả
Bình tĩnh xử lý khi bé sơ sinh bị sặc sữa mẹ nào cũng cần biết