Bé bị loét miệng và sốt có thể do nhiều nguyên nhân như bé tự cắn môi hay do vệ sinh răng miệng không sạch sẽ. Ba mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp điều trị phù hợp.
- Vì sao bé bị loét miệng và sốt?
- Làm gì khi trẻ bị loét miệng và sốt cao?
- Các biện pháp ngăn ngừa tình trạng sốt và loét miệng
Vì sao bé bị loét miệng và sốt?
Viêm loét miệng là tình trạng có nhiều vết loét nhỏ vài milimet xuất hiện trong niêm mạc má, vòm họng, lưỡi mối. Nhiều trường hợp trẻ còn kèm theo sốt cao. Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, loét miệng và sốt là tình trạng không hiếm gặp ở trẻ trong những năm tuổi đầu tiên, nguyên nhân có thể đến từ nhiều nguồn:
- Tác động cơ học: Một số trẻ tự làm tổn thương mình khi vô tình tự cắn vào lưỡi hay mặt trong gò má. Một số trường hợp khác do ăn phải những thức ăn cứng, nhiều mảnh xơ làm trầy xước niêm mạc miệng như ăn bánh mì nướng, mía…
- Trẻ không được vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Sự tấn công của các loại vi khuẩn, virus vào vùng miệng họng khi trẻ không được vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ làm cho trẻ bị viêm loét. Phụ huynh nên tập cho bé thói quen đánh răng sạch, súc miệng bằng nước muối thường xuyên…
- Trẻ bị suy dinh dưỡng: Chế độ ăn không đảm bảo như thiếu các vitamin và chất khoáng cần thiết như vitamin B12, vitamin C, chất sắt và acid folic cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng này.
- Trẻ uống nhiều kháng sinh: Nếu lạm dụng kháng sinh với những năm đầu khi cơ thể trẻ còn yếu, trẻ sẽ dễ có phản ứng phụ như sốt và nhiệt miệng, loét họng. Thậm chí bé có thể bị dị ứng thuốc kháng sinh rất nguy hiểm.
- Một số bệnh lý: Loét miệng và sốt có thể là biểu hiện của tình trạng rối loạn của hệ thống miễn dịch hay những bệnh lý truyền nhiễm như thủy đậu, herpes,… Dấu hiệu đặc trưng là có các nốt bọng nước trong vùng miệng và niêm mạc họng vỡ ra gây loét.
- Tay chân miệng: Đặc biệt đối với trẻ em, nếu bé bị loét miệng và sốt thì cần lưu ý đến bệnh tay chân miệng. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, dễ lây lan trong trẻ nhỏ và có thể dẫn đến tử vong nếu nghiêm trọng.
Xem thêm:
Làm gì khi trẻ bị loét miệng và sốt cao?
Khi phát hiện các vết loét ở miệng kèm sốt cao, phụ huynh có thể áp dụng các biện pháp ngay tại nhà để gíup trẻ khắc phục tình trạng này:
- Thường xuyên giữ vệ sinh cho trẻ. Các vết loét làm đau rát nên trẻ càng có xu hướng lười súc miệng, uống nước dẫn tới vi khuẩn cư trú ngày càng nhiều trong họng gây bội nhiễm. Ba mẹ nên sử dụng nước muối sinh lý súc miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn, trước khi đi ngủ, ngủ dậy.
- Xem lại chế độ dinh dưỡng của trẻ. Trong đó nên cho trẻ dùng các thực phẩm để nguội, nấu loãng như cháo, súp sữa… Tăng cường rau củ quả giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C để tăng đề kháng. Đồng thời cho trẻ uống nhiều nước để hạn chế cơ thể bị mất nhiều nước.
- Nếu thuộc dạng nhẹ, tình trạng bé viêm loét miệng và sốt thường sẽ tự khỏi sau 3 – 7 ngày. Phụ huynh lưu ý chỉ dùng kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm. Không được tự ý dùng thuốc mà không có tư vấn từ chuyên gia.
- Lau miệng bé thật sạch sau mỗi lần uống thuốc. Đặc biệt là kháng sinh.
- Cho trẻ uống hạ sốt khi bé sốt trên 38,5 độ C. Uống thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn, 4 – 6 tiếng/lần theo cân nặng của trẻ. Không nhất thiết phải uống oresol, trừ trường hợp nếu như trẻ đi ngoài và nôn trớ nhiều. Ngoài ra, việc truyền dịch cũng phải tuyệt đối tuân thủ theo sự chỉ định của bác sĩ.
- Cho trẻ nghỉ ngơi để cơ thể tập trung sức thải virus ra ngoài, không cho trẻ đi học sớm hay chạy chảy nhiều làm mất sức.
Xem thêm:
Bé uống kháng sinh bị tiêu chảy: Nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này
Các biện pháp ngăn ngừa tình trạng này
Bé bị loét miệng và sốt có thể ngăn ngừa bằng các biện pháp sau:
- Rửa tay thường xuyên cho trẻ để tránh tiếp xúc với vi khuẩn và loại trừ khả năng trẻ đưa tay bẩn lên miệng.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung khoáng chất và các vitamin A, C, E.
- Với trẻ đã lớn, hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách bằng các bàn chải lông mềm hoặc nước muối sinh lý. Sau khi trẻ khỏi bệnh, phụ huynh phải thay mới bàn chải đánh răng của bé.
- Vệ sinh sạch sẽ các đồ chơi của bé, đặc biệt những món đồ mà bé thích ngậm.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ bằng dung dịch khử khuẩn và người lớn cũng cần rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn trước khi chăm sóc trẻ.
- Cho trẻ chích ngừa thủy đậu và các loại vaccine cần thiết khác.
- Nếu trẻ bị các bệnh lý truyền nhiễm như thủy đậu, tay chân miệng thì phải cho trẻ cách ly không tiếp xúc với các trẻ khác.
Các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa bệnh lý viêm loét miệng và sốt ở trẻ có thể giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sau 3 – 7 ngày. Tuy nhiên nếu tình trạng diễn biến nặng, phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị kịp thời.
Nguồn thông tin: Làm thế nào khi trẻ bị sốt cao, viêm loét họng? – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Xem thêm:
- Nghịch chim ở trẻ nhỏ – Làm sao để ngăn chặn?
- Phương pháp dạy con tập nói theo tháng tuổi có thể mẹ chưa biết
- 18 thực đơn cho trẻ ăn cơm nát ngon lành, đủ dinh dưỡng ăn hoài không ngán