Bé ăn dặm không chịu uống sữa là tình trạng phổ biến của trẻ nhỏ khi chuyển sang một giai đoạn mới. Mặc cho bố mẹ làm mọi cách, con yêu vẫn tỏ ra không mặn mà với sữa. Tình trạng ăn dặm bỏ sữa này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé không? Phụ huynh cần phải làm sao để giải quyết trường hợp này? Hãy cùng tham khảo các thông tin dưới đây.
Nguyên nhân khiến bé ăn dặm không chịu uống sữa
Tình trạng bỏ sữa thường xuất hiện khi trẻ bắt đầu chuyển sang quá trình ăn dặm. Có nhiều nguyên nhân gây ra điều này.
Đồ ăn dặm thu hút trẻ nhiều hơn sữa
Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là bé bị thu hút bởi những món ăn dặm lạ mắt. So với sữa, các món ăn dặm thường có màu sắc bắt mắt và hương vị hấp dẫn.
Ngoài ra, giai đoạn ăn dặm diễn ra vào tháng thứ 6. Đây là lúc trẻ bắt đầu mọc răng sữa. Bởi vì những mầm răng cứ đâm xuyên qua nướu nên trẻ hay bị khó chịu. Việc được nhai và gặm đồ ăn dặm giúp chúng cảm thấy thoải mái hơn.
Bố mẹ cho trẻ ăn quá nhiều đồ ăn dặm
Khi thấy trẻ thích thú và ăn uống tích cực, bố mẹ sẽ tăng khẩu phần ăn dặm của trẻ. Chính vì điều này, bé sẽ cảm thấy no và không còn muốn uống sữa. Bên cạnh đó, giờ giấc ăn dặm không khoa học cũng ảnh hưởng đến dạ dày của bé. Chúng sẽ không cảm thấy hứng thú với sữa như lúc trước.
Vấn đề ở nguồn sữa
Từ thời điểm bé bắt đầu ăn dặm, sữa không còn giữ vị trí độc tôn trong khẩu phần ăn mỗi ngày của trẻ. Việc bú sữa mẹ sẽ bị hạn chế. Điều này khiến các tuyến sữa ở vú mẹ không được thường xuyên kích thích. Từ đó, việc tiết sữa ngày càng ít hơn. Nguồn sữa ít ỏi, không còn dồi dào cũng là nguyên nhân khiến bé chán sữa.
Đối với các bé uống sữa công thức, do khẩu vị thay đổi nên chúng không còn thích hương vị của sữa nữa. Vì lẽ đó, chúng sẽ thích ăn dặm hơn là uống sữa.
Ảnh hưởng của việc bé ăn dặm không chịu tiếp tục uống sữa
Nhiều bố mẹ nghĩ rằng, nếu trẻ bỏ sữa thì có thể bổ sung thêm thức ăn dặm để bù đắp lại. Thế nhưng, điều gì sẽ xảy ra khi trẻ không uống sữa trong thời gian dài?
Mối quan hệ giữa sữa và chế độ ăn dặm
Trước tiên, các phụ huynh cần hiểu rõ mối quan hệ giữa sữa và chế độ ăn dặm. Khi trẻ lớn hơn, chúng bắt đầu hình thành nhiều kỹ năng, đồng thời cũng vận động nhiều hơn. Lúc ấy, sữa không đủ cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho bé. Vì vậy, trẻ cần được bổ sung dưỡng chất thông qua chế độ ăn dặm.
Nếu bé chỉ muốn ăn dặm mà bỏ sữa thì có được không? Câu trả lời là điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Ở giai đoạn này, sữa vẫn đóng vai trò quan trọng, bổ trợ cho sự phát triển của bé.
Trong chế độ ăn dặm, bố mẹ sẽ không thể tìm được loại thực phẩm chứa nguồn kháng thể tương đương với sữa. Vì vậy, các phụ huynh nên duy trì song song việc cho bé ăn dặm và bú sữa với chế độ và thời gian phù hợp.
Hậu quả của việc trẻ chỉ ăn dặm mà bỏ sữa trong thời gian dài
Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến nhiều nguy hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ như:
- Sức đề kháng giảm, bé dễ bị ốm vặt
- Bé có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao
- Trẻ chậm phát triển cả về thể chất lẫn trí não
- Nếu ăn quá nhiều đồ ăn dặm, bé có khả năng bị béo phì. Thức ăn dặm vốn chứa nhiều chất dinh dưỡng không cần thiết, nhưng lại tạo nên mỡ trong cơ thể.
Bí quyết xử lý tình trạng bé ăn dặm không chịu uống sữa
Sau khi hiểu rõ các nguyên nhân gây ra tình trạng ăn dặm bỏ sữa, các phụ huynh có thể tìm cách xử lý tình trạng này. Mặc dù khá khó khăn nhưng nếu kiên trì thực hiện, bạn sẽ giúp con khắc phục hiệu quả.
Điều chỉnh chế độ ăn dặm của bé
Bố mẹ cần thiết kế lại chế độ ăn dặm sao cho hợp lý về lượng, chất và thời gian. Đặc biệt, mỗi giai đoạn phát triển của trẻ cần có một chế độ khác nhau.
- 6 tháng tuổi: Mỗi ngày, cho trẻ ăn 2 bữa bột hoặc cháo pha loãng và nước trái cây
- 7 – 9 tháng tuổi: Bé có thể ăn 2 – 3 bữa bột đặc kèm theo nước trái cây
- 10 – 12 tháng tuổi: Chế độ ăn hằng ngày từ 4 – 5 bữa cháo đặc với nước trái cây
- Trên 1 tuổi: Bố mẹ có thể tăng khẩu phần ăn dặm. Đến khi 3 tuổi, trẻ đã bắt đầu có thể ăn cơm.
Xem xét lại nguồn sữa cho bé uống
Nếu sữa mẹ tiết ra ít làm cho bé không chịu uống, bạn có thể thực hiện chế độ ăn uống cân bằng. Mẹ cũng nên bổ sung thêm thực phẩm giúp tiết sữa. Điều này giúp bé hào hứng uống sữa trở lại.
Đối với những bé bú sữa công thức, bạn cần kiểm tra lại chất lượng của sữa. Phụ huynh cần đảm bảo rằng sữa còn hạn sử dụng, mua từ các cơ sở uy tín… Nếu mọi thứ đều ổn mà bé vẫn không chịu uống, bạn có thể thử đổi sang một hương vị mới.
Việc bé ăn dặm bỏ sữa không phải điều quá nguy hiểm. Song nếu kéo dài, điều đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Thế nên, các ông bố bà mẹ cần lưu ý để đảm bảo rằng con được cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ.
Xem thêm:
- Mẹ băn khoăn chưa biết cách chọn bánh ăn dặm cho bé? Hãy lưu ngay những bí quyết này
- Bột ăn dặm cho bé, nên mua loại ăn liền hay mẹ tự nấu cho con?
- 5 món ăn dặm kiểu Nhật dễ làm cho bé từ 5 – 6 tháng tuổi!
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!