Bé 3 tháng chưa lẫy khiến bố mẹ lo lắng, sợ rằng con bị chậm phát triển. Bạn đừng quá vội lo lắng mà hãy kiên nhẫn chờ thêm 1, 2 tháng nữa, song song đó hãy áp dụng những lưu ý trong bài viết sau đây để con sớm cứng cáp.
Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Bé mấy tháng thì biết lẫy?
- Bé 3 tháng chưa lẫy có sao không?
- Vì sao bé 3 tháng chưa lẫy?
- Bé chậm lẫy, bố mẹ nên làm gì?
Bé mấy tháng thì biết lẫy?
Biết lẫy là cột mốc quan trọng trọng sự phát triển của trẻ sơ sinh bởi đây là kỹ năng đầu tiên giúp bé có thể tự mình dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác. Thông thường như dân gian có câu “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò tập đi”, một số bé sơ sinh đã biết lẫy khi mới 3 tháng tuổi. Tuy nhiên có nhiều trẻ có dấu hiệu lẫy chậm hơn ở 4-5 tháng tuổi. Nhưng cũng có một số trẻ bỏ qua luôn giai đoạn này để chuyển sang biết bò.
Trẻ em đang trong quá trình tập lẫy thường có các dấu hiệu như:
- Khi mẹ đặt bé nằm sấp, bé đã có thể tự nhấc đầu, hay chống tay để năng phần đầu và ngực lên trên, cho thấy cổ và lưng của bé đã cứng cáp.
- Khi nằm ngửa, bé có thể nhấc cao hai chân hướng lên trên, thường xuyên đung đưa 2 chân qua lại.
- Bé thường nghiêng người, lúc này trong nhận thức bé đã muốn được lật úp lại
- Lúc nằm sấp, bé không khóc mà quẫy đạp chân mạnh, có xu hướng dịch người sang để cố di chuyển.
Có thể bạn chưa biết ===>
Bé 3 tháng chưa lẫy có sao không?
Biết lẫy sớm sẽ giúp tăng khả năng vận động tự lập, hỗ trợ việc học ngồi, tập đứng đi về sau của bé. Bên cạnh đó, khi lẫy được, bé sẽ có thể dễ dàng quan sát mọi thứ xung quanh với tầm nhìn được mở rộng hơn, nhiều góc độ khác nhau. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển giai đoạn đầu của trẻ. Không những vậy, quá trình lẫy còn giúp tránh được chứng bẹp đầu vì bé nằm quá nhiều.
Thông thường bé sơ sinh bắt đầu có dấu hiệu lẫy ở 3 tháng tuổi. Nhưng số bé đến 4, 5 tháng mới biết lẫy là điều vô cùng phổ biến. Cực hiếm trẻ sơ sinh biết lẫy trước 3 tháng.
Như vậy nếu con bạn 3 tháng vẫn chưa có dấu hiệu tự lật úp người được hay còn khóc khó chịu khi bị đặt nằm úp, cũng đừng vội quá lo lắng. Hãy kiên nhẫn chờ đợi thêm 1,2 tháng nữa, có nhiều nguyên nhân biết hoạt động này của bé chậm trễ hơn 1 số bạn đồng trang lứa.
Vì sao bé 3 tháng chưa lẫy?
Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu chưa biết lẫy là do cơ thể bé sơ sinh chưa kịp hoàn thiện phần cơ cổ, lưng và xương chưa cứng cáp. Các chuyên gia về trẻ sơ sinh cho biết, trẻ em sinh non, thiếu tháng đều biết lẫy chậm hơn trẻ sinh bình thường đủ ngày rất nhiều.
Bên cạnh lý do vùng cổ và lưng chưa đủ cứng cáp, tính cách cũng ảnh hưởng đến thời gian biết lẫy của trẻ nhỏ. Những bé hiếu động, hướng ngoại thường biết lẫy nhanh hơn các bé trầm tính, hiền lành.
Bé lẫy chậm cũng có thể liên quan đến trọng lượng và hình thể bé. Những bé hơi nặng cân hoặc phần đầu hơi to thường khó lật úp sớm.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những bé thường xuyên được đặt nằm ngửa sẽ biết lẫy chậm hơn. Tuy nhiên, không có nghĩa là bố mẹ nên cho con nằm sấp thường xuyên để bé nhanh biết lẫy. Vì nếu xương chua đủ cứng cáp, cơ thể bé chưa đủ phát triển, đặt nằm sấp nhiều có thể khién con khó chịu và tổn thương vùng cổ, ngực.
Có thể bạn chưa biết ===>
Bé chậm lẫy, bố mẹ nên làm gì?
Nếu đến tuổi tập lẫy mà bố mẹ chưa thấy con có biểu hiện gì thì có thể khuyến khích phát triển kỹ năng cho bé.
- Đầu tiên, khi bé được 3 tháng, bố mẹ có thể lần lượt tăng thời gian nằm sấp của bé lên, tăng nhẹ nhàng từng phút để bé làm quen với cảm giác úp sấp. Chú ý chỉ tăng nhẹ nhàng, không đột ngột để bé úp xuống mà không quan sát.
- Bên cạnh đó bố mẹ có thể nằm nghiêng người và cầm các món đồ chơi nhiều màu sắc để kích thích bé tò mò, nghiêng người hướng đến lấy.
- Nếu phát hiện bé có thể tự lẫy hoặc nghiêng được nửa người, hãy động viên con bằng cách vỗ tay, mỉm cười để bé cố gắng hơn. Hoặc mẹ nằm nghiêng và cổ vũ, lắc tay để con có thể hoàn toàn lẫy. Chú ý không gây áp lực như lớn tiếng, dùng tay đẩy con sẽ tạo cảm giác sợ hãi.
- Tuy đến 3 tháng tuổi bé chưa có dấu hiệu lẫy, nhưng có thể sẽ bất ngờ lẫy được bất cứ lúc nào. Vì thế bố mẹ nên chú ý không cho con nằm sát mép giường hay nằm trên giường cao không rào chắn mà không có ai trông chừng.
Mỗi bé có sự phát triển khác nhau, bố mẹ nên đừng quá lo lắng khi bé 3 tháng chưa lẫy mà hãy thư thả, động viên con. Nếu sau 6 tháng bé vẫn không có dấu hiệu lẫy thì hãy đưa bé đến bác sĩ có uy tín để được chẩn đoán tìm ra nguyên nhân và điều trị.
Xem thêm:
- Trẻ mấy tháng biết nói thì là bình thường? Một số mẹo dạy bé tập nói cho cha mẹ
- Dạy trẻ tập đi – Cha mẹ đã áp dụng đúng phương pháp?
- Khi nào bé biết bò và những lưu ý để mẹ giúp bé không “trốn bò”