Ở Lào Cai, bé 17 tháng tử vong do ăn nhầm gạo trộn thuốc chuột sau nửa ngày nhập viện. Lời khuyến cáo của bác sĩ đối với các bậc phụ huynh.
Bé 17 tháng tử vong do ăn nhầm gạo trộn thuốc chuột
Chiều 8/10, thạc sĩ – bác sĩ Vũ Thị Hải Yến, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Lào Cai cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhi L.V.A., 17 tháng tuổi bị ngộ độc thuốc diệt chuột. Dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bé không qua khỏi, tử vong sau 13 giờ nhập viện.
Gia đình cho biết, trước đó, ba của bé dùng gạo rang trộn lẫn với thuốc diệt chuột để bẫy chuột. Do người nhà sơ ý chưa kịp dọn nên bé A. nhặt lên ăn.
Loại thuốc diệt chuột được gia đình sử dụng là natri fluoroacetate. Đây là hóa chất có nguồn gốc từ Trung Quốc rất phổ biển ở miền Bắc cách đây 10 năm, thường ở dạng ống dung dịch màu hồng, đỏ, nâu, trong suốt hoặc gói giấy hạt gạo hồng. Hóa chất này gây nguy hại với tim mạch và thần kinh, độc tính rất cao, chỉ với một lượng rất nhỏ cũng gây ngộ độc.
Bác sĩ Vũ Thị Hải Yến cho biết, khi trẻ ngộ độc hóa chất nói chung và thuốc diệt chuột nói riêng sẽ có dấu hiệu đau rát miệng, họng, thực quản, dạ dày, nôn và nôn ra máu, đi ngoài phân lỏng có thể có máu. Chất nôn, phân và hơi thở có mùi cá thối.
Ngoài ra, nạn nhân sẽ khát nước với triệu chứng mất nước, mất điện giải, cảm giác bó chặt ngực, ho, khó thở; tím tái, mạch nhanh, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt. Chưa kể, bệnh nhân sẽ kích thích khó chịu, giãy giụa, ảo giác, lo lắng, kích động, hôn mê; co cứng cơ, co giật toàn thân, từ một vài cơn đến co giật liên tục (kiểu trạng thái động kinh).
Các bác sĩ khuyến cáo, ngay khi phát hiện trẻ ăn nhầm thuốc diệt chuột, phải đưa bệnh nhi tới ngay cơ sở y tế gần nhất.
Phụ huynh tuyệt đối không gây nôn cho trẻ vì khi nôn, hóa chất có thể tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản.
Gần đây, hai bé song sinh tử vong sau khi tiêm vắcxin viêm gan B
Gần 12h trưa 16-10, ông Dương Đình Chỉnh – giám đốc Sở Y tế Nghệ An, chủ trì buổi họp thông tin đến các cơ quan báo chí liên quan sự cố hai trẻ sơ sinh tử vong khi tiêm vắcxin viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc Nghệ An.
Theo thông tin ban đầu, ngày 9-10, cặp chị em song sinh lần lượt chào đời ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An. Sáng 11-10, sau khi làm các thủ tục cần thiết, hai bé được các bác sĩ chỉ định tiêm vắcxin viêm gan B. Tuy nhiên ít giờ sau, 2 bé gái sơ sinh này lần lượt có dấu hiệu bất thường. Mặc dù đã được các bác sĩ cấp cứu nhưng hai bé đã tử vong sau đó.
Ông Chỉnh cho biết trong sáng 16-10, Sở Y tế Nghệ An đã mời các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Nhi trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương họp hội đồng chuyên môn.
Theo đó vắcxin tiêm cho hai bé là vắcxin nằm trong dự án tiêm chủng mở rộng; vắcxin được tiếp nhận, bảo quản đúng quy trình, quy định. Quá trình sàng lọc, đối chiếu thuốc men hoàn toàn đảm bảo đúng quy định.
Tinh thần, thái độ của bác sĩ, điều dưỡng tiếp cận bệnh nhân cấp cứu hoàn toàn hợp lý, đúng quy định của ngành; có sự hỗ trợ kịp thời của tuyến trên (Bệnh viện Sản nhi Nghệ An và Bệnh viện Nhi trung ương). Bước đầu không nghĩ đến nguyên nhân do vắcxin.
Qua đánh giá ban đầu, chẩn đoán nguyên nhân tử vong của hai bé là suy hô hấp, suy tuần hoàn do rối loạn chuyển hóa bẩm sinh.
Bà Dương Thị Hồng – viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết vắcxin viêm gan B nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, qua các khâu kiểm định chặt chẽ, cung cấp cho 28 tỉnh miền Bắc, đưa vào sử dụng 190.000 liều, chưa xảy ra phản ứng nghiêm trọng nào như hai bé ở Nghệ An.
“Qua kiểm tra của chúng tôi thì bệnh viện đã thực hiện đúng về an toàn tiêm chủng. Bác sĩ thực hiện khám sàng lọc đúng quy định theo Bộ Y tế, chúng tôi không nghĩ đến nguyên nhân do vắcxin viêm gan B và quy trình tiêm chủng”, bà Hồng nói.
Các bác sĩ từ Bệnh viện Nhi trung ương đánh giá: “Qua xét nghiệm các dấu hiệu lâm sàng, chẩn đoán hóa sinh cho thấy cả hai bé đều mắc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh – một bệnh lý có tính chất di truyền. Nếu xuất hiện ngay ở sơ sinh thì khả năng tử vong rất cao.
Triệu chứng của hai bé suy hô hấp, suy tuần hoàn, hạ đường huyết nghiêm trọng. Các bác sĩ đã cấp cứu kịp thời, đúng phác đồ nhưng các bé không qua khỏi do tình trạng nặng”.
Tiến sĩ Vũ Chí Dũng – trưởng khoa nội tiết chuyển hóa và di truyền Bệnh viện Nhi trung ương – cũng cho hay: “Trong 15 qua, chúng tôi ghi nhận với các trẻ sơ sinh mắc bệnh này thì không cứu được bé nào. Đây là bệnh lý hiếm gặp, khoảng 3 triệu cháu mới xuất hiện một cháu. Do vậy, chúng ta cần thực hiện khám sàng lọc sơ sinh, tư vấn di truyền, chẩn đoán trước sinh để phát hiện những bệnh hiếm gặp”, tiến sĩ Dũng khuyến cáo.
Theo phunuonline.com.vn, tuoitre.vn
Xem thêm
- Cô gái 15 tuổi bị bạn trai tẩm xăng đốt đã tử vong vì vết thương quá nặng
- Bé gái 7 ngày tuổi tử vong vì bị bố cho uống nước tẩy bồn cầu
- Ôm con 1 tuổi nhảy sông, mẹ nguy kịch còn bé trai tử vong thương tâm