Răng sữa ở trẻ em phát triển ra sao? Bé mấy tháng thì bắt đầu mọc răng? Bé 12 tháng tuổi chưa mọc răng thì bố mẹ có nên lo lắng? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Khi sinh một đứa trẻ, cả thế giới của bố mẹ đã thay đổi hoàn toàn. Những vấn đề nhỏ như cái răng cái tóc của con đều khiến bố mẹ lo lắng. Hãy cùng The Asian Parent tìm hiểu về những chiếc răng sữa của bé và kiểm tra xem bé 12 tháng tuổi chưa mọc răng thì có gọi là chậm không nhé?
Răng sữa ở trẻ em phát triển ra sao?
Thông thường tất cả 20 thân răng sữa của trẻ vốn đã hình thành và nằm trong xương hàm. Từ 5 đến 6 tháng tuổi, răng sữa của trẻ sẽ bắt đầu mọc ra khỏi xương hàm và nướu. Mỗi bé thường cần từ 2,5 – 3 năm để mọc đầy đủ 20 chiếc răng sữa này. Trẻ sẽ bắt đầu nhú chiếc răng đầu tiên vào khoảng tháng tuổi thứ 6 và cơ bản mọc đầy đủ vào khoảng 2 tuổi hoặc 2 tuổi rưỡi.
Tuy nhiên, mỗi bé đều có lịch mọc răng riêng. Một số trẻ răng mọc rất sớm nhưng cũng có những trẻ đã hơn 1 tuổi mà vẫn chưa có dấu hiệu mọc răng. Do đó, bố mẹ nên kiên nhẫn quan sát.
Thứ tự mọc răng của trẻ như thế nào?
- Tháng thứ 6 bắt đầu mọc răng cửa
- Tháng thứ 11 mọc đủ 4 răng cửa giữa (gồm: 2 răng hàm trên và 2 răng hàm dưới)
- Vào tháng thứ 15 bé sẽ mọc thêm 4 răng cửa bên (tức là mọc đủ 8 răng cửa)
- Tháng thứ 19 mọc thêm 4 răng hàm nhỏ
- Tháng thứ 23 mọc thêm 4 răng nanh
- Vào tháng thứ 27 bé sẽ mọc thêm 4 răng số 5
- Răng vĩnh viễn bắt đầu mọc từ 6 đến 12 tuổi.
- Răng khôn thì mọc muộn hơn hẳn, khoảng sau 17 tuổi.
Bé 12 tháng tuổi chưa mọc răng thì có gọi là chậm mọc răng?
Chậm mọc răng là tình trạng mọc răng sữa chậm ở trẻ nhỏ. Nếu ngoài 12 tháng mà răng sữa chưa bắt đầu mọc thì có thể xem là chậm mọc răng. Tuy nhiên, bố mẹ nên lưu ý:
- Mỗi bé thường cần từ 2,5 – 3 năm để mọc đầy đủ 20 chiếc răng sữa
- Đối với những trẻ chỉ bị chậm mọc răng nhưng cơ thể vẫn phát triển thể chất bình thường thì đó là do sinh lý của trẻ.
- Nếu trẻ em chậm mọc răng kèm theo hiện tượng còi cọc, thiếu chiều cao cân nặng, khó ngủ, đổ mồ hôi trộm ban đêm… thì cần cẩn thận. Có khả năng bé đang có chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý.
- Nếu sau 12 tháng mà trẻ vẫn chưa mọc răng, bố mẹ nên đưa trẻ tới nha khoa để các bác sĩ khám và can thiệp xử lý kịp thời.
Nguyên nhân khiến trẻ chậm mọc răng?
Nếu bé đã 12 tháng tuổi hơn mà vẫn chưa mọc răng, có khả năng bé đã bị chậm mọc răng. Bố mẹ nên xem xét các nguyên nhân sau:
1. Do di truyền
Dù được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ nhưng yếu tố di truyền vẫn có thể ảnh hưởng, khiến bé chậm mọc răng. Theo đó, nếu người thân như ông bà, bố mẹ cũng chậm mọc răng thì thường trẻ cũng có khả năng di truyền.
2. Trẻ thiếu dinh dưỡng
Vì một lý do gì đó mà khẩu phần ăn và uống hằng ngày của bé thiếu canxi và lượng vitamin D cần thiết cũng khiến bé chậm mọc răng. Nguyên nhân có thể vì trẻ không bú đủ sữa mẹ hay sữa công thức hoặc. Thủ phạm đến từ việc sữa công thức chưa cung cấp đủ các chất dinh dưỡng trẻ cần.
Từ đó, trẻ sẽ có thể bị thiếu chất và dẫn tới chậm mọc răng. Khả năng hấp thụ dinh dưỡng giai đoạn đầu đời của trẻ cũng rất quan trọng. Một số trẻ có khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém nên cũng dễ bị thiếu chất.
3. Suy giáp
Khi mắc suy giáp, bé thường có dấu hiệu chậm mọc răng, chậm biết đi và chậm nói. Đây là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết để cơ thể có thể hoạt động bình thường. Khi nghi ngờ trẻ bị suy giáp, bố mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để kiểm tra.
Bé 12 tháng tuổi chưa mọc răng thì nên làm gì?
Trong trường hợp trẻ 12 tháng chưa mọc răng, bố mẹ nên đưa con đi khám. Từ đó, các bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị bằng thuốc cũng như các biện pháp can thiệp kịp thời. Nếu bác sĩ xác định bé 12 tháng tuổi chưa mọc răng là vì bị còi xương, suy dinh dưỡng, bố mẹ nên:
- Cho bé tắm nắng từ 15 đến 30 phút, để tăng khả năng tổng hợp vitamin D. Thời gian lý tưởng là vào trước 9h sáng hoặc sau 4h chiều mỗi ngày, nhờ đó giúp bé hấp thụ canxi được tốt hơn.
- Cải thiện chế độ ăn uống, dinh dưỡng của bé đa dạng, đủ chất.
- Gia tăng khẩu phần ăn hàng ngày cho bé, ưu tiên các thực phẩm có chất béo, thức ăn động vật, chế phẩm từ sữa…
- Mỗi bát thức ăn của bé cần thêm 1 – 2 thìa dầu ăn để tăng khả năng hấp thụ canxi, vitamin D.
- Nếu bé đang bú sữa mẹ thì các mẹ cần có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, không kiêng khem để bé tăng hấp thu dưỡng chất qua sữa mẹ.
- Không nên pha sữa cho con bằng nước bột, nước rau củ, nước cháo hay nước khoáng. Thật sự, điều này sẽ làm giảm khả năng hấp thụ dưỡng chất của bé.
Bé 12 tháng tuổi chưa mọc răng có thể khiến nhiều ba mẹ cảm thấy lo lắng. Nếu không thể tìm ra nguyên nhân, bạn nên sớm đưa bé đi thăm khám ở các bệnh viện nhi uy tín nhé.
Xem thêm:
- Trị tận gốc đau răng, nhức răng, buốt răng
- Lịch mọc răng và cách chăm sóc răng miệng cho trẻ
- Phòng ngừa sâu răng cho trẻ