Bạo lực học đường không phải là một vấn đề mới nhưng nhiều bố mẹ vẫn chủ quan cho rằng con đang theo học tại một ngôi trường tốt nên vấn nạn bạo lực học đường không thể xảy đến với con. Đến khi sức khỏe và tinh thần của con sa sút thì đã quá muộn. Dưới đây là những lời khuyên của chúng tôi dành cho cha mẹ khi con mình đối mặt với tình trạng này.
Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu Bạo lực học đường là gì?
Bạo lực học đường không chỉ đơn thuần là những hành vi vi phạm đạo đức, gây gổ, đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn giữa những học sinh với nhau. Ngày nay, vấn nạn bạo lực học đường còn là hiện tượng học trò xúc phạm, đánh thầy cô giáo, phụ huynh đánh thầy cô, giáo viên xúc phạm học sinh bằng nhiều hình thức…
Nếu bé luôn vui vẻ mỗi khi kể về thầy cô, bạn bè, bạn không cần phải quá lo lắng. Trong trường hợp trẻ bị tổn thương về thể chất hoặc bị ảnh hưởng tâm lý bởi những hành động bạo lực học đường từ bạn bè, bạn nên can thiệp ngay.
Một số hình thức phản ánh bạo lực học đường:
Đánh đập, xô đẩy, hăm dọa
Đây là cách cách bắt nạt dễ nhận biết nhất vì nó để lại dấu vết trên cơ thể con bạn. Nếu nhận thấy con có các vết bầm tím, trầy xước và bé không trả lời được tại sao lại có các vết thương đó một cách rõ ràng. Lúc này nguy cơ cao là con bạn đang là nạn nhân của kiểu bắt nạt này. Thông thường trẻ bị bạn bè bắt nạt thường không dám thừa nhận việc mình bị bắt nạt vì sợ bạn trả thù.
Nếu con thường xuyên than rằng con đau đầu, đau bụng, buồn nôn hoặc không muốn đi học thì rất có thể bé đang bị bắt nạt và đang tìm cách tránh né. Hãy trò chuyện với con, khơi gợi để con nói về các mối quan hệ bạn bè ở trường.
Khi đã nắm rõ được mọi sự việc và những đứa trẻ có liên quan, bạn nên trao đổi thẳng với giáo viên chủ nhiệm và các phụ huynh của những bé đó để đưa ra cách xử lý sự việc hiệu quả.
Kỳ thị, tẩy chay, cô lập
Nạn nhân của kiểu bắt nạt này thường phải chơi một mình. Vì kẻ cô lập bé thường có ảnh hưởng đủ mạnh và thuyết phục các bé khác hành động như mình.
Nếu con bạn thường lủi thủi một mình, không có bạn bè hoặc không bao giờ kể về chuyện chơi với bạn bè ở trường, có thể con là nạn nhân của loại bắt nạt này. Bé có xu hướng thu mình lại, rất ngại tiếp xúc với những ai không phải là các thành viên trong gia đình.
Hãy dành thời gian trò chuyện cùng con, khơi gợi những khúc mắc trong con. Từ đó sẽ giúp bạn có cách giải quyết hiệu quả.
Hoặc cha mẹ nên cân nhắc đến việc muốn chuyển trường của con. Ngoài ra, bạn nên đăng ký cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa như: học bơi, học chơi một loại nhạc cụ, học diễn kịch, các lớp hướng đạo sinh… để con có các mối quan hệ khác ngoài trường học.
Chửi thề, chế giễu
Đây là hình thức bắt nạt gây ra rất nhiều tổn thương tinh thần song lại khó nhận biết. Nguyên do là bởi kiểu bắt nạt này không để lại hậu quả mà bạn có thể dễ dàng nhận biết. Kẻ bắt nạt sẽ không ngần ngại tấn công con bạn bằng những lười lẽ khiếm nhã ngay khi có dịp như: bé không có bạn bè bên cạnh, không có thầy cô giáo ở cùng…
Kiểu bắt nạt này thường nhắm vào những đứa trẻ có thể chất yếu, ngoại hình khác biệt, khả năng học tập kém hơn so với các trẻ khác. Nạn nhân của kiểu bắt nạt này thường có các đặc điểm chung như: chán ăn, không trò chuyện, không tự tin và dễ bị tổn thương.
Nếu con là nạn nhân của kiểu bắt nạt này, bạn nên dạy con đáp trả lại bằng cách của người lớn. Bạn giúp con tự tin hơn bằng việc dạy trẻ rằng không ai có quyền xúc phạm người khác và không có bất cứ ai phải chịu bị xúc phạm. Hãy dạy con nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt nạt và nói: “Bạn không được xúc phạm mình”, “Đừng chế giễu người khác, tốt hơn là các bạn nên đi chỗ khác chơi”…
Tống tiền, trấn lột
Tống tiền, trấn lột trong học đường không phải vấn đề mới và có thể xảy ra ở bất cứ ngôi trường nào. Nạn bạo lực học đường kiểu này diễn ra âm ỉ và gây hậu quả xấu về mặt tinh thần cho cả nạn nhân và kẻ ra tay. Và đôi khi những đứa trẻ bị tống tiền, trấn lột lại trở thành kẻ bắt nạt chính bạn bè của mình.
Nạn nhân thường là những bé ốm yếu, nhút nhát, hay sợ sệt, thiếu tự tin, có học lực kém. Khi bị bắt nạt các bé dễ rơi vào rạng thái lo âu, sợ sệt. Để có tiền đưa cho bạn, nhiều bé không ngần ngại trở thành kẻ trộm trong chính ngôi nhà của mình.
Do các con chưa biết cách bảo vệ mình bằng cách chia sẻ với cha mẹ, thầy cô và những người lớn khác vấn đề mà mình đang phải đối mặt. Nếu nhận thấy con có dấu hiệu khả nghi, bạn nên dành thời gian trò chuyện với con, hãy khơi gợi để trẻ nói ra sự việc. Bạn không nên la mắng hay kết tội con mà hãy nhấn mạnh với con rằng điều bạn muốn làm chỉ là chấm dứt tình trạng con đang gặp phải mà thôi. Sau đó, bạn hãy trao đổi thẳng thắn với giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu và các phụ huynh liên quan để có cách giải quyết sự việc cụ thể và hiệu quả.
Bắt nạt trên mạng
Bắt nạt trên mạng là một kiểu bắt nạt mới nhưng không còn xa lạ với thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. Kiểu bắt nạt này chỉ xảy ra trong thế giới ảo thông qua các ứng dụng: mạng xã hội, thư điện tử… nhưng khiến nạn nhân chịu ảnh hưởng tâm lý khá nặng nề. Phương thức của kiểu bắt nạt này thường là tung tin đồn xấu, sỉ nhục hay châm biếm, bêu rếu… đối tượng bị bắt nạt.
Đặc điểm tâm lý chung của các bé bị bắt nạt trên mạng là:
- Ngủ muộn hoặc rất khó ngủ, thậm chí là mất ngủ
- Dành nhiều thời gian vào các mạng xã hội nhưng sau đó lại có vẻ buồn, chán nản
- Khóa hết các tài khoản trên mạng xã hội
- Tìm mọi cách để không một ai có thể đụng vào máy tính hay điện thoại của mình.
Nếu con là nạn nhân của trò bắt nạt trên mạng, bạn nên tìm cách lưu lại tất cả nội dung, bằng chứng bắt nạt. Sau đó, bạn có thể yêu cầu nhà trường hỗ trợ giải quyết sự việc, nếu nghiêm trọng có thể yêu cầu công an vào cuộc.
Tấn công tình dục
Nếu con bạn đang ở độ tuổi dậy thì, bạo lực học đường kiểu tấn công tình dục có thể xảy ra với con. Kẻ tấn công con sẽ dùng cách hình thức như: bình luận về cơ thể con, trêu ghẹo con bằng những lời lẽ khiếm nhã, nhìn trộm thậm chí là chụp ảnh hay tìm cách đụng chạm vào con.
Trong một số trường hợp, bắt nạt học đường dạng tấn công tình dục còn bao gồm hành vi quấy rối tình dục, trong đó người phạm tội có thể bị truy tố. Hầu hết các nạn nhân của loại hình bạo lực này là con gái, song các bé trai cũng không ngoại lệ.
Một số dấu hiệu bạn có thể nhận ra bé đang là nạn nhân của bạo lực học đường kiểu này là: Bé tỏ ra khó chịu, thậm chí là sợ hãi người khác giới, thay đổi thói quen ăn mặc, có dấu hiệu trầm cảm.
Nếu con là nạn nhân của nạn tấn công tình dục chốn học đường, bạn đừng chỉ trích hay đổ lỗi cho con như: thói quen ăn mặc của con hay thái độ của con đối với người khác giới… Hãy nhấn mạnh rằng những gì đã xảy ra với con không phải lỗi tại con, lỗi thuộc về kẻ đã gây ra việc đó với con. Tiếp theo, bạn nên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, đại diện ban giám hiệu, kẻ tấn công con và phụ huynh của chúng để giải quyết sự việc.
Làm thế nào khi con bị bắt nạt?
Dưới đây là một số biện pháp bố mẹ nên biết để bảo vệ con trước những nguy cơ khó lường trên.
Tâm sự với bé mỗi ngày
Mỗi ngày, bố mẹ nên dành thời gian để quan tâm và hỏi bé về những chuyện xảy ra ở trường hay trong mối quan hệ với các bạn khác để nắm bắt tình hình. Bố mẹ nên chọn thời gian yên tĩnh và hỏi những câu hỏi mở như “Giờ ra chơi hôm nay con làm những gì? Con chơi với những bạn nào?”, “Hôm nay đi học có điều gì vui không?”… Qua đó, bạn có thể đoán được tình huống con có bị bắt nạt hay không.
Quan sát con để nhận ra dấu hiệu trẻ bị bắt nạt
Bố mẹ có thể nhận biết con bị bắt nạt khi thấy một số dấu hiệu như quần áo bị rách, đồ đạc của trẻ bị mất, bé xin thêm tiền ăn vặt, bỏ học hoặc không đến trường vì sợ một người nào đó. Đây là những dấu hiệu chỉ ra rằng con bạn có thể đang bị bắt nạt mà bố mẹ nên hết sức lưu ý. Ngoài ra, khi bị bắt nạt, bé có thể lấy một số lí do như đau đầu, đau bụng hoặc stress để được ở nhà. Một vài dấu hiệu như bé hay nổi giận, buồn bã, mất ngủ hay đái dầm cũng cần được chú ý đến.
Liên lạc với nhà trường
Một cách hiệu quả và an toàn khi con bị bắt nạt là bố mẹ nên liên lạc và báo cho nhà trường biết về tình trạng của bé để nhận sự hỗ trợ và giúp đỡ. Nếu tình trạng này kéo dài liên tục, bạn cần tìm cách thu thập thông tin của các đối tượng bắt nạt trẻ và gửi đến nhà trường để nhà trường có thể xử lý kỷ luật và thông báo cho tất cả các bé khách cảnh giác.
Động viên tinh thần cho trẻ
Khi bị bắt nạt, lòng tự trọng của bé có thể đã bị tổn thương. Hơn bao giờ hết, bạn cần động viên tinh thần và trấn an con. Bạn hãy cho con biết rằng bố mẹ luôn ở bên cạnh và yêu thương bé. Nếu từng bị bắt nạt hay biết những người gặp hoàn cảnh giống vậy, bạn hãy kể chuyện cho trẻ nghe để bé cảm thấy được đồng cảm, sẻ chia.
Trẻ em đi học, vui chơi với bạn, có những cuộc va chạm nhỏ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu con bạn thường bị bạn bè bắt nạt ảnh hưởng đến tâm lý và thành tích học tập, bạn cần hết sức quan tâm đến con. Bởi đôi khi, chỉ là những va vấp nhỏ thời thơ ấu cũng có thể để lại những vết thương không thể lành dù đã trưởng thành.
-Ele Luong-
Các bài viết liên quan:
ĐI HỌC – Chọn trường quốc tế hay tư thục song ngữ?
4 điều bạn không bao giờ nên làm với đứa trẻ ở tuổi đi học
5 lý do tại sao con bạn không thích đi học