Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi được Nhà nước tổ chức quy định và triển khai cụ thể nhằm hỗ trợ các chi phí khám chữa bệnh và thuốc thang cho các bé nhỏ trong phạm vi cho phép.
Đặc biệt Nhà nước có chế độ ưu tiên để trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí với thủ tục đăng ký cực kỳ dễ dàng. Để có thể làm đúng và hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm cho bé dưới 6 tuổi, bố mẹ trẻ có thể tham khảo các quy định sau đây:
Đăng ký bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi như thế nào?
Theo pháp luật hiện hành, các thông tin về bảo hiểm y tế được quy định trong Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 và các thông tư liên quan.
Căn cứ vào Khoản 7, Điều 3, Nghị định 146/2018/NĐ-CP và Khoản 6, Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung 2014:
Trẻ em dưới 6 tuổi thuộc đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí (Nhóm do ngân sách nhà nước đóng), cha mẹ không phải đóng phí BHYT cho cho con đến khi bé được 6 tuổi.
Hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi bố mẹ cần chuẩn bị bao gồm:
- Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh có đóng dấu công chứng.
- Danh sách hoặc giấy đề nghị cấp thẻ BHYT của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi trẻ cư trú
Sau khi hoàn tất hồ sơ đăng ký BHYT cho trẻ, bố mẹ sẽ nộp đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương.
Trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế để được cấp thẻ BHYT. Sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định, trẻ sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Mức hưởng bảo hiểm y tế của trẻ dưới 6 tuổi
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014, nếu đi khám chữa bệnh đúng tuyến, trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh.
Trong trường hợp tham gia khám chữa bệnh trái tuyến thì mức hưởng đối với đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi được quy định như sau:
- Đối với bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
- Đối với bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật BHYT có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trong phạm vi cả nước;
- Đối với bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật BHYT có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần lưu ý các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh cho trẻ như khám sức khỏe, điều dưỡng, an dưỡng, sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm răng giả, kính mắt, máy trợ thính, chân tay giả, mắt giả,…
Thời hạn sử dụng của thẻ BHYT dành cho trẻ em dưới 6 tuổi
Khoản 2 Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP có quy định như sau:
“Điều 13. Thời hạn thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng
- a) Trường hợp trẻ em sinh trước ngày 30 tháng 9: Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 9 của năm trẻ đủ 72 tháng tuổi;
- b) Trường hợp trẻ sinh sau ngày 30 tháng 9: Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến hết ngày cuối của tháng trẻ đủ 72 tháng tuổi”.
Như vậy, thời hạn bảo hiểm của con bạn sẽ được lấy 2 cột mốc quan trọng là ngày sinh đối chiếu với 30 tháng 9 và 72 tháng tuổi (6 năm). Quy định này sẽ giúp bố mẹ yên tâm hơn khi con đã đủ 6 tuổi mà chưa đến ngày nhập học, chưa được vào đối tượng đăng ký bảo hiểm y tế tại trường học.
Với trường hợp này, thẻ BHYT cũ sẽ được thu hồi và cấp thẻ mới có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 09 theo quy định của pháp luật.
Trẻ dưới 6 tuổi không có thẻ BHYT thì sao?
Điều 15 Luật Bảo hiểm y tế quy định:
“Trẻ em dưới 6 tuổi đến khám bệnh, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định này và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này”.
Theo đó, trẻ dưới 6 tuổi khi đến khám bệnh, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp trẻ chưa có thẻ bảo hiểm y tế thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh.
Như vậy mặc dù bạn chưa thực hiện thủ tục xin cấp thẻ bảo hiểm y tế cho con nhưng xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh của bé để chứng minh bé dưới 6 tuổi vẫn sẽ được hưởng quyền lợi như những trẻ có thẻ và xuất trình được thẻ BHYT.
Thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh cho trẻ được không?
Đây cũng là vẫn đề nhiều phụ huynh lo lắng khi gia đình có thay đổi về công việc, chỗ ở. Việc khám chữa bệnh ở nơi không phải nơi đăng ký có thể dẫn đến việc hưởng bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi không đủ như đúng tuyến.
Để khắc phục tình trạng này, bố mẹ nên thay đổi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Trình tự như sau:
- Liên hệ với cơ quan BHXH quận/huyện địa phương nơi trẻ đã được cấp thẻ BHYT để được trả thẻ (có giấy xác nhận đã trả thẻ BHYT) và đem giấy xác nhận đến Ủy ban phường xã nơi chuyển đến để được cấp thẻ BHYT mới.
- Hồ sơ gồm giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao có chứng thực), Đơn đề nghị đổi lại thẻ BHYT theo mẫu D01-TS có ghi rõ địa chỉ nơi đi, Bản chính hoặc bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu của cha mẹ, người giám hộ trẻ (nếu có), sổ tạm trú tại nơi chuyển đến.
- Nơi tiếp nhận hồ sơ: UBND cấp xã/ phường nơi chuyển đến
- Thời hạn nộp hồ sơ: 10 ngày đầu của tháng đầu mỗi quý
Chú ý do thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu có yêu cầu sổ tạm trú, bố mẹ phải đi đăng kí tạm trú tại cơ quan công an cấp xã/ phường nơi chuyển đến trước.
Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi là quy định ưu tiên của Nhà nước dành cho trẻ em với cực kỳ nhiều lợi ích. Để có thể làm đúng và được hưởng mức ưu đãi phù hợp, bố mẹ nên trang bị kiến thức đầy đủ.
Xem thêm:
- Trẻ 6 tuổi chưa thay răng – có gì đáng lo ngại hay không?
- Mẹo hay giúp cải thiện tình trạng trẻ 6 tuổi khó ngủ về đêm
- Trẻ 6 tuổi cần bổ sung vitamin gì và liều lượng như thế nào?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!