Băng huyết sau sinh là điều không 1 bà mẹ nào mong muốn vì đây là tai biến sản khoa gây nguy hại đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của sản phụ. Tuy nhiên không phải chị em nào cũng nắm rõ các dấu hiệu băng huyết sau sinh để kịp thời phát hiện và xử lý. Hãy cùng tìm hiểu thêm thông tin về tình trạng này trong bài viết dưới đây.
Thế nào là băng huyết sau sinh?
Đối với mẹ mang thai đủ tháng, tử cung và nhau nhận trung bình 500 – 800ml máu/phút, trong suốt thai kỳ, thể tích máu của mẹ bầu tăng khoảng 50%, giúp tăng khả năng chịu đựng của cơ thể khi mất máu trong chuyển dạ.
Sau khi sinh, tử cung người mẹ sẽ dần co lại. Do nhau không có tính đàn hồi nên sự thu nhỏ của tử cung làm nhau tróc ra 1 phần khỏi vị trí bám. Máu từ nơi nhau bám chảy ra thành khối máu tụ sau nhau, làm nhau tiếp tục bong ra. Các cơn co của tử cung sẽ từ từ tống nhau ra ngoài.
Sau sổ nhau, tử cung bắt đầu tiến trình co thắt, các sợi cơ đan chéo của tử cung co rút ngắn lại sẽ siết các mạch máu của tử cung ở vị trí nhau bám. Tiến trình này cùng với cơ chế đông máu bình thường của cơ thể sẽ tạo thành các cục máu đông ở mạch máu giúp ngưng chảy máu. Trong trường hợp tử cung không co hồi được hoặc nhau không tróc và sổ ra ngoài, tình trạng băng huyết sẽ xảy ra.
Băng huyết sau sinh (postpartum hemorrhage) được đặt tên cho tình trạng âm đạo chảy máu quá nhiều sau khi chuyển dạ, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong ở mẹ. Có 2 dạng băng huyết sau sinh:
- Băng huyết nguyên phát: sản phụ mất nhiều hơn 500ml máu trong 24 giờ đầu tiên sau sinh
- Băng huyết thứ phát (băng huyết sau sinh 1 tháng): Sản phụ ra máu nhiều và bất thường ở âm đạo trong khoảng 24 giờ đầu – 12 tuần sau sinh. Về mặt thời gian, loại băng huyết này kéo dài hơn băng huyết nguyên phát.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sinh?
Ở các mẹ sinh thường, sau khi sinh xong, cơ tử cung co lại để cầm máu. Trường hợp chất lượng cơ tử cung kém đi, hoạt động co siết không còn trơn tru như trước, dẫn đến hiện tượng đờ tử cung là nguyên nhân phổ biến dẫn đến băng huyết sau sinh.
Ngoài ra còn 1 số nguyên nhân khác gây ra băng huyết như:
- Cơ tử cung yếu do sinh con nhiều lần, u xơ tử cung, tử cung bị dị dạng
- Mẹ mang đa thai, bị đa ối, thai quá to làm tử cung co giãn quá mức
- Cơn chuyển dạ kéo dài
- Nhiễm khuẩn ối
- Sót nhau trong buồng tử cung, lấy nhau không đúng quy cách
- Sản phụ bị suy nhược, suy dinh dưỡng, thiếu máu, tăng huyết áp, nhiễm độc thai nghén
Bên cạnh đó còn 1 số yếu tố làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh ở chị em:
- Tiền sử sảy thai, nạo hút thai nhiều lần, thiếu khoa học và không được chăm sóc kỹ hậu phá thai. Lúc này niêm mạc tử cung đã bị tổn thương, rất dễ dẫn đến tình trạng nhau cài răng lược và băng huyết
- Chị em mang thai từ 3 lần trở lên, sinh con khi đã ngoài 35 tuổi
- Sản phụ có bất thường về nhau thai như nhau tiền đạo, bong nhau
- Tiền sử tiền sản giật, cao huyết áp, thiếu máu
- Từng bị băng huyết trong lần mang thai trước
- Sinh mổ
- Thai phụ bị béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI > 35).
Dấu hiệu băng huyết sau sinh điển hình là gì?
Các dấu hiệu băng huyết sau sinh thường dễ nhận biết. Mẹ cần chú ý theo dõi để can thiệp kịp thời, tránh để tình trạng mất máu quá nhiều nguy hiểm đến tính mạng:
- Chảy máu không kiểm soát: Thường khi bị băng huyết, sản phụ sẽ thấy máu chảy liên tục từ đường sinh dục sau khi sinh. Lượng máu có thể nhiều hoặc ít, có màu đỏ tươi hoặc đỏ thâm, có thể có cục máu đông. Máu chảy ứ trong buồng tử cung làm tử cung tăng thể tích, đáy tử cung lên cao dần, tử cung to ra theo bề ngang, mềm nhão
- Huyết áp giảm, nhịp tim tăng, da xanh nhợt nhạt, khát nước
- Tay chân lạnh, vã mồ hôi
- Bụng dưới đau dữ dội, có thể bị sốt
- Xét nghiệm kết quả giảm hồng cầu, hemoglobin, huyết sắc tố, rối loạn đông máu…
Ngoài những dấu hiệu phổ biến này, người mẹ cũng sẽ gặp phải một vài biểu hiện khác nhau tùy theo cơ địa.
Tình trạng băng huyết nguy hiểm thế nào đối với sản phụ?
Tùy thuộc vào mức độ mất máu và kết quả hồi sức, cầm máu mà băng huyết có thể gây ra biến chứng tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau lên cơ thể chị em sau khi sinh như:
- Giảm thể tích tuần hoàn
- Nhiễm trùng hậu sản
- Suy thận
- Suy đa cơ quan
- Tử vong
Biến chứng lâu dài băng huyết gây ra bao gồm:
- Thiếu máu
- Viêm tắc tĩnh mạch
- Hội chứng Sheehan (do hoại tử tuyến yên dẫn đến suy nhược, gầy ốm, rụng lông tóc, mất sữa, vô kinh)
- Trong trường hợp phải cắt bỏ tử cung thì chị em không thể có thêm con
Băng huyết sau sinh điều trị thế nào?
Sau sinh chị em cần theo dõi tử cung tại cơ sở y tế chuyên khoa. Khi phát hiện bị băng huyết, trước tiên bác sĩ sẽ ổn định huyết động, cầm máu và hồi sức tích cực đồng thời xác định và điều trị nguyên nhân gây mất máu.
Khi đã áp dụng các biện pháp điều trị và cấp cứu mà tử cung vẫn xuất huyết thì bác sĩ có thể sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung để cứu tính mạng người mẹ. Phẫu thuật cắt bỏ tử cung chỉ được sử dụng trong 1 số ít trường hợp. Có thể nghĩ đến biện pháp này khi bệnh nhân đã đủ số con và lớn tuổi.
Với bệnh nhân còn trẻ tuổi, chưa đủ con, có thể dùng thuyên tắc mạch hoặc thắt động mạch tử cung hoặc động mạch hạ vị hai bên. Ngoài ra, còn một biện pháp khác là thủ thuật loại bỏ nhau thai sót lại qua đường âm đạo.
Phòng ngừa tình trạng này như thế nào?
- Để phòng tránh băng huyết sau sinh, cách đơn giản hiệu quả nhất là chị em thường xuyên khám thai đúng lịch hẹn suốt thai kỳ; đăng ký sinh con tại cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Điều này đặc biệt quan trọng với những mẹ bầu thường gặp vấn đề sức khỏe, thai nghén và đã được cảnh báo có thể bị băng huyết. Sau sinh chị em cũng cần tự theo dõi và tái khám để phát hiện sớm nguy cơ.
- Mẹ bầu cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng khi mang thai, không được để tình trạng béo phì/thiếu máu/cân nặng thai nhi vượt chuẩn quá nhiều xảy ra. Cơ thể chị em cần được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và nước, đặc biệt là sắt và acid folic trong suốt thai kỳ.
- Sau khi sinh chị em phải được nghỉ ngơi hoàn toàn, tuyệt đối không làm việc nặng nhọc; giữ tâm lý vui vẻ, thoải mái, không nên tức giận, lo buồn quá mức vì tất cả những điều này có thể gây nên hậu quả là tái phát băng huyết.
- Việc giữ gìn và vệ sinh vùng kín sạch sẽ là cực kỳ cần thiết. Chị em không nên đặt bất kỳ vật gì vào âm đạo để tránh nhiễm trùn Trong khi vẫn còn sản dịch thì không nên quan hệ.
Xem thêm
- Chị em cần hết sức cẩn thận nếu sau sinh 2 tháng bị ra dịch nâu
- Đâu là nguyên nhân khiến mẹ ra máu đỏ tươi sau sinh 2 tháng?
- Vết mổ sau sinh bị mưng mủ, mẹ cẩn thận với biến chứng nguy hiểm!
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!