Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm và có khả năng lây lan trong cộng động rất cao. Nâng cao nhận thức về bệnh để ngăn ngừa cho trẻ em và người lớn tuổi – 2 đối tượng dễ mắc bệnh.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Câu hỏi: Triệu chứng của bệnh bạch hầu là gì? Đối tượng nào dễ mắc bệnh này? Mẹ bầu, trẻ nhỏ và người lớn tuổi cần làm gì để phòng bệnh hiệu quả
Trả lời:
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh:
Bệnh bạch hầu có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục nhưng vi khuẩn bạch hầu thường ảnh hưởng nhiều nhất đến mũi và họng.
Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Ngoài ra bệnh nhân còn có một số biểu hiện khác như sốt, ớn lạnh, viêm họng, da xanh tái, sưng các ống tuyến ở cổ.
Đối tượng thường mắc bệnh bao gồm:
– trẻ em dưới 5 tuổi
– người trên 60 tuổi
– người sống trong môi trường không vệ sinh, quá đông đúc, chật hẹp
– người suy giảm miễn dịch
Cách phòng bệnh bạch hầu:
Bệnh bạch hầu không có tính miễn dịch trọn đời, vì thế nếu đã mắc bệnh nguy cơ bị tái nhiễm các lần sau vẫn rất cao. Vì thế, chủ động tạo miễn dịch với vắc xin là biện pháp an toàn, hiệu quả và kinh tế nhất. Bên cạnh đó, việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh cũng là cách giúp phòng ngừa bệnh bạch hầu.
Bệnh bạch hầu là gì?
Đây là 1 bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Vi khuẩn gây bệnh không ưa ánh sáng và nhiệt độ, vì vậy mùa đông là thời kỳ thích hợp nhất để vi khuẩn tấn công gây nhiễm với sự giảm sút kháng độc tố trong máu người.
Bệnh có nhiều thể lâm sàng khác nhau, bao gồm:
- Phổ biến nhất là ở họng với tỉ lệ 70%
- Ở thanh quản với tỉ lệ 20 – 30%
- Tỉ lệ 4% với bệnh này ở mũi
- Bạch hầu mắt với tỉ lệ 3 – 8%
- Ít gặp hơn là bạch hầu da
Phương thức lây nhiễm bệnh:
- Trực tiếp: khá phổ biến khi bệnh nhân nói hoặc hắt hơi truyền các giọt bắn li ti mang vi khuẩn đến người đối diện không mang bệnh qua đường hô hấp.
- Gián tiếp: thông qua việc dùng chung, tiếp xúc đồ dùng, thức ăn và thức uống có bài tiết mang vi khuẩn của người bệnh.
Đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh
- Trẻ em dưới 5 tuổi chưa có khả năng miễn dịch
- Người cao tuổi trên 60 với hệ miễn dịch yếu
- Người không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch
- Người đi du lịch đến một đất nước không tiêm chủng vaccine
- Những ai bị các rối loạn miễn dịch, ví dụ như bị AIDS
- Người sống trong điều kiện môi trường không vệ sinh hoặc quá đông đúc, chật hẹp.
Tuy nhiên tại nhiều nơi trên thế giới, trực khuẩn gây bệnh có thể ảnh hưởng cho tất cả mọi đối tượng không phân biệt nhóm tuổi và giới tính.
Dấu hiệu nhận biết cơ thể bị bệnh bạch cầu
Bạch hầu ở họng
- Thời gian ủ bệnh từ 2 – 5 ngày và không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
- Sau đó bệnh khởi phát với triệu chứng sốt nhẹ 37,5 – 38oC.
- Mệt nhọc, khó chịu, quấy khóc, da xanh, sổ mũi một bên hoặc cả hai bên. Có một lớp màng giả dễ bong nhưng mọc lại ngay, dính chặt vào lớp mô ở dưới.
- Nếu không phát hiện kịp và để bệnh nặng hơn thì màng giả lan tỏa trùm lưỡi gà và màn hầu.
- Biến chứng có thể dẫn đến hậu quả nặng như viêm cơ tim, và có thể tử vong đột ngột do trụy mạch không hồi phục.
Bạch hầu ở thanh quản
- Xảy ra sau bạch hầu họng, màng giả lan xuống thanh quản gây ra bạch hầu thanh quản. Diễn biến thường kéo dài từ 5-7 ngày. Ở trẻ từ 2-5 tuổi thường qua 3 giai đoạn:
- Khàn giọng, mất tiếng, sốt nhẹ 38oC, mệt mỏi, và ho nhiều
- Khó thở khi màng giả lan xuống làm hẹp thanh quản
- Ngạt thở có biểu hiện xỉu dần, nằm yên, thở nhanh và cạn; môi và da tím tái, mạch nhanh nhỏ.
Bạch hầu mũi
- Thường đi kèm với bạch hầu họng
- Diễn biến âm ỉ, sốt nhẹ, da xanh tái, gầy còm, ăn hay bị nôn
- Ngạt mũi, sổ mũi, nước mũi trắng đôi khi lẫn máu
- Có khả năng tử vong do suy mòn cơ thể và biến chứng phổi
Bạch hầu mắt
- Thường là bệnh thứ phát sau bạch hầu họng hoặc bạch hầu mũi
- Phù ở mi mắt trên, ấn vào mi không đau
- Nếu lật mi mắt lên sẽ thấy màng giả dính chặt vào niêm mạc
- Biến chứng để lại có thể là viêm giác mạc, loét giác mạc và để lại di chứng sẹo giác mạc.
Bạch hầu da
- Màng giả hơi xám dính chặt vào niêm mạc, gây chảy máu khi bóc tách.
- Bạch hầu ống tai ngoài, hậu môn, sinh dục là các hình thái của bệnh này ở da và niêm mạc.
Phòng ngừa bệnh như thế nào?
Tiêm chủng vaccine phòng ngừa bệnh là một biện pháp có hiệu quả để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Có nhiều sự lựa chọn như dùng loại vaccine đơn thuần hoặc phối hợp với một số bệnh khác như vaccine:
- 3 trong 1: đề phòng 3 bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà;
- 5 trong 1: ngăn ngừa 5 bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà – viêm gan B – viêm não do vi khuẩn Hib hoặc 5 bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà – bại liệt – viêm não do vi khuẩn Hib;
- 6 trong 1” để phòng 6 bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà – viêm gan B – bại liệt – viêm não do vi khuẩn Hib.
Đây là một trong những bệnh nguy hiểm và cần được nhìn nhận và phòng ngừa một cách tích cực và hiệu quả. Khi có triệu chứng, hay lỡ tiếp xúc với người bị bệnh, hãy đến ngay cơ quan y tế để khai báo và được xét nghiệm điều trị nhé.
Xem thêm:
- Bệnh Viêm Gan B – Theo dõi trẻ khi có các dấu hiệu này!
- Số lượng trẻ bị ho gà dẫn đến biến chứng viêm phổi nhập viện tăng đột biến!!!
- Sởi – Quai bị – Rubella – Những điều mẹ nên biết!
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!