Bà đẻ có ăn được sữa chua không, câu trả lời từ các chuyên gia dinh dưỡng là mẹ hoàn toàn có thể ăn được. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho bé sơ sinh, mẹ hãy cùng đọc kĩ những lưu ý dưới đây.
Bà đẻ có ăn được sữa chua không?
Sữa chua được biết đến là loại thực phẩm phổ biến và giàu chất dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe của con người bởi đây là nguồn thực phẩm chứa đầy đủ các chất như protein, glucid, lipid, các muối khoáng nhất là canxi, vitamin đặc biệt là vitamin nhóm A và B. Ngoài ra sữa chua còn có giá trị chữa bệnh tốt, nhất là các bệnh đường ruột.
Ngoài ra trong sữa chua còn có Probiotic. Đây là vi khuẩn sống có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe, giúp cải thiện hệ tiêu hóa và được tìm thấy trong các sản phẩm sữa lên men như sữa chua. Các probiotic ở trong sản phẩm lên men chủ yếu là vi khuẩn axit lactic và bifidobacteria.
Một số lợi ích của probiotic đem lại gồm có:
- Tăng cường hệ miễn dịch
- Giảm cholesterol
- Tổng hợp vitamin: lợi khuẩn bifidobacterium có thể tổng hợp hoặc tạo ra nhiều loại vitamin như thiamin, niacin, vitamin B6, vitamin B12, folate và vitamin K
- Bifidobacterium còn có lợi cho hệ tiêu hóa giúp giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích
- Giúp điều trị tiêu chảy gây ra do kháng sinh
- Chống lại bệnh táo bón
- Tăng khả năng tiêu hóa lactose
Với những lợi ích về mặt sức khỏe nói trên, sữa chua được xem là một trong các thực phẩm lành mạnh đối với mọi đối tượng, bao gồm cả phụ nữ có thai và bà đẻ.
Bà đẻ ăn sữa chua cần lưu ý những gì?
Đối với các mẹ đang trong thời kỳ ở cữ và cho con bú, chế độ dinh dưỡng cần phải vô cùng thận trọng, sữa chua khiến nhiều mẹ lo lắng bởi vi sinh vật lên men trong loại thực phẩm này có thể gây nguy hiểm cho em bé bú sữa mẹ. Nhưng may mắn là sữa chua được lên men từ sữa đã được tiệt trùng nên các mẹ có thể yên tâm khi ăn sữa chua trong suốt quá trình cho con bú.
Tuy nhiên, dù là thực phẩm tốt đến đâu, các bà đẻ cũng nên có một chế độ ăn đa dạng và chú ý thêm về cách ăn sữa chua trong thời kỳ ở cữ và nuôi con bằng sữa mẹ:
- Phụ nữ cho con bú chỉ nên ăn khoảng 1-2 hộp sữa chua 1 ngày là vừa đủ. Nếu ăn quá nhiều bà bầu dễ bị rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến các chức năng của đường ruột.
- Với những mẹ có tiền sử mắc bệnh tiểu đường hoặc tim mạch nên chọn các loại sữa chua ít béo, ít đường.
- Thời điểm ăn sữa chua hợp lý là khoảng 2 giờ sau khi ăn bữa chính. Bởi đây là khoảng thời gian giúp các lợi khuẩn trong sữa chua hoạt động tốt nhất.
- Nếu có thời gian mẹ có thể tự làm sữa chua, vừa đảm bảo vệ sinh thực phẩm cũng như chất lượng.
Liệu bé có bị dị ứng không?
Việc trẻ bú mẹ bị dị ứng với thành phần thức ăn của mẹ cần được xem xét thông qua nhiều yếu tố. Ở một số trẻ sữa chua có thể có một số thành phần mà dạ dày trẻ không thể dung nạp.
Vì vậy, trong giai đoạn cho bé bú, nếu mẹ sử dụng sữa chua thì xem như gián tiếp dung nạp thực phẩm này cho bé. Có trường hợp, một số trẻ không thể thích ứng với các loại thực phẩm từ bơ sữa, sẽ gây ra dị ứng bởi các chất đọng lại trong sữa mẹ.
Sau khi ăn xong và cho bé bú, mẹ cần chú ý theo dõi phản ứng của bé để xem sữa chua có ảnh hưởng gì tới bé không. Ở một số bé có cơ địa nhạy cảm, không hấp thu được các sản phẩm làm từ sữa bò như sữa chua, phô mai, kem…
Lúc này bé sẽ có biểu hiện như:
- đau bụng
- nôn
- trên da xuất hiện các nốt đỏ lở loét
- bé không ngủ mà quấy khóc
Khi có biểu hiện trên, mẹ cần đưa bé đi khám, điều trị dị ứng và dừng ngay việc sử dụng sữa chua cho tới khi bé cai sữa.
Xem thêm:
- Chế độ ăn sau sinh đủ dinh dưỡng giúp dáng thon gọn
- Người đang ở cữ có được ăn sữa chua không?
- Mẹ cho con bú ăn sữa chua được không?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!