Bầu ăn cơm rượu được không? Bà bầu hoàn toàn được ăn cơm rượu nếu sức khoẻ bình thường. Tiêu thụ với lượng phù hợp và khoa học sẽ giúp ích cho sức khoẻ của mẹ và bé.
Nội dung bài viết:
- Cơm rượu là gì?
- Bà bầu ăn cơm rượu được không?
- Những điều cần lưu ý khi bà bầu ăn cơm rượu
- Gợi ý công thức chế biến cơm rượu cho bà bầu
Cơm rượu là gì?
Là một trong những món ăn truyền thống của dân tộc Việt Nam, cơm rượu không những được ăn trong dịp Tết Đoan Ngọ mà còn thường xuyên được dùng ở bất cứ thời điểm nào trong năm.
Tuỳ vào từng vùng miền và loại gạo sử dụng, cơm rượu sẽ có cách chế biến và ra thành phẩm khác nhau. Nhưng nhìn chung, cơm rượu chế biến bằng cách nấu gạo nếp cho chín, sau đó để nguội và ủ với men rượu trong 3 -4 ngày cho lên men.
Cơm rượu không những được ưu chuộng vì là món ăn văn hoá và truyền thống, mà nó còn có những tác dụng khác tốt cho sức khoẻ như:
- Kích thích tiêu hoá và giúp ngon miệng
- Phòng bệnh thiếu sắt vì lượng sắt trong gạo nếp cao
- Men gạo nếp có chứa hoạt chất lovastatine và egosterol giúp hạn chế tình trạng tai biến tim mạch và giúp tái tạo mạch máu
- Làm đẹp da
Ngoài ra, cơm rượu nếp được làm từ nếp cẩm, nếp cái hoa mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng nhờ chỉ bỏ lớp vỏ trấu, giữ lại lớp vỏ lụa và lớp cám bên ngoài.
Lớp cám này rất giàu chất dinh dưỡng, bao gồm cả gluxit, protit, lipit, các muối khoáng. Trong đó, vitamin nhóm B và chất xơ là có nhiều hơn hết.
Công dụng tuyệt vời là thế, nhưng có an toàn không nếu bà bầu ăn cơm rượu trong 9 tháng 10 ngày thai kỳ?
Đừng bỏ lỡ
Bà bầu ăn cơm rượu được không?
Theo BS CK II Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế BV Thống Nhất (TP.HCM), cơm rượu nếp có hàm lượng etanol thấp hơn nhiều so với rượu. Chính vì vậy mà ăn cơm rượu hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe nếu mẹ bầu có thể trạng bình thường. Chưa kể bà bầu ăn cơm rượu một cách hợp lý sẽ mang lại nhiều ích lợi cho sức khỏe. Lớp cám của gạo nếp đem làm cơm rượu giữ được nguyên các chất dinh dưỡng. Mẹ ăn cơm rượu sẽ được cung cấp gluxit, protit, lipid, muối khoáng, vitamin nhóm B, chất xơ, sắt và một số nguyên tố vi lượng khác.
Tuy nhiên, với mẹ bầu 3 tháng đầu thì nên cẩn trọng vì đây là thời kỳ nhạy cảm của thai kỳ. Lợi ích thai phụ sẽ nhận được khi ăn cơm rượu như:
- Hạn chế tình trạng thiếu chất sắt
- Ổn định huyết áp trong thai kỳ
- Giảm lượng cholesterol trong máu
- Hạn chế nguy cơ tai biến tim mạch, tái tạo các mạch máu
- Tăng cường sức khỏe, sức đề kháng, giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu hụt chất sắt
- Thúc đẩy tiêu hóa, giải quyết các vấn đề khó tiêu, đầy bụng, cải thiện chức năng đường ruột
Những điều cần lưu ý khi bà bầu ăn cơm rượu
Tuy rằng lượng cồn trong cơm rượu cực kỳ thấp, nhưng không có nghĩa là an toàn tuyệt đối vì còn tuỳ vào cơ địa của từng người. Do đó, hãy lưu ý những điều sau khi bà bầu ăn cơm rượu:
- Ăn cơm rượu ở mức độ vừa phải và khoa học, tầm 2 lần/tuần
- Có thể lựa chọn cơm rượu nếp cẩm để giảm bớt tính chua và hơi men
- Không cần thiết phải thêm cơm rượu vào chế độ ăn nếu mẹ có tiền sử dễ say hay không ăn được cơm rượu từ trước khi mang thai.
- Nếu mua bên ngoài, hãy chọn cơ sở bán uy tín để đảm bảo nguyên liệu tốt và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tự làm ở nhà thì hãy chọn kỹ càng nguyên liệu, đặc biệt là chọn men rượu.
- Không nên ăn lúc bụng đang đói và tốt nhất là ăn vào buổi sáng.
Gợi ý công thức chế biến cơm rượu cho bà bầu
Bà bầu ăn cơm rượu miền Nam
Nguyên liệu
- Gạo nếp: 1/2 kg
- Men ngọt : 6 viên
- Nước muối pha loãng: 1 bát
- Lá chuối dùng để gói cơm rượu
Cách chế biến
- Lá chuối rửa sạch, để ráo nước và dùng khăn sạch lau cho khô cả 2 mặt
- Nếp ngâm vài tiếng rồi vo sạch, đem hấp chín hoặc nấu bằng nồi cơm điện.
- Dàn mỏng cơm nếp ra một cái mâm
- Chờ cho cơm nếp nguội hoàn toàn, giã nhuyễn men rồi rải đều lên trên mặt cơm nếp
- Nhúng tay vào chén nước muối cho khỏi dính rồi nắm cơm thành những vắt tròn nhỏ. Xé một miếng lá chuối cuốn lại sao cho thật chặt tay.
- Lần lượt xếp những viên cơm nếp vào nồi, thố hay hũ sành. Lưu ý rải một lớp lá chuối bên trên và dưới đáy hũ.
- Đậy nắp thố lại, cuốn thêm một lớp nilong ở bên ngoài
- Sau 3 – 5 ngày ủ, cơm rượu sẽ lên men. Bạn thấy rượu cái mềm, tiết ra một ít nước dưới đáy thô, mùi thơm nồng, vị chua ngọt là có thể dùng được. Nếu thấy cơm rượu còn cứng, chưa chín thì tiếp tục ủ thêm 1 – 2 ngày nữa.
- Cuối cùng, tách riêng phần cơm rượu và nước. Bảo quản cơm rượu trong tủ lạnh để ức chế quá trình lên men, giúp cơm rượu có vị ngọt vừa và không bị cay quá mức.
Mẹ đã biết chưa?
Cơm rượu nếp cẩm miền Bắc
Nguyên liệu
- 1 kg gạo nếp cẩm, nên chọn loại hạt mẩy, to đều, hạt còn nguyên vẹn và có vỏ trấu bên ngoài
- 2 viên men rượu ngọt
- Một ít đường
- Lá sen nếu có
Cách chế biến
- Vo sạch nếp rồi ngâm qua đêm. Khi nấu nếp sẽ nhanh chín hơn
- Sau khi nấu nếp chín, dàn mỏng cơm ra một cái mâm sạch, để cho nguội hẳn
- Giã men cho nhuyễn mịn
- Lót một lớp lá sen dưới đáy nồi ủ, sau đó rải một lớp cơm lên trên rồi rắc men vào. Tiếp tục cho một lớp lá, một lớp cơm và men xen kẽ nhau cho đến khi hết.
- Sau cùng cho một lớp lá sen lên trên mặt thố, đập nắp kín lại, ủ nơi kín gió.
- Mùa hè thời tiết nóng nực cơm rượu nếp cẩm sẽ nhanh lên men hơn, chỉ khoảng 2 – 3 ngày có thể dùng được. Mùa đông hoặc những ngày mưa lạnh, thời gian ủ có thể kéo dài nhưng cũng không quá 5 ngày.
- Gạn phần nước để riêng, cái cho vào tủ lạnh dùng dần. Dùng chung với sữa chua sẽ rất ngon.
Dinh dưỡng cho bà bầu trong thai kỳ cực kỳ quan trọng. Do đó, nên cẩn trọng trong việc bà bầu ăn cơm rượu cũng như chọn lựa những món ăn sẽ đưa vào chế độ dinh dưỡng.
Nguồn thông tin: Tết Đoan Ngọ, bà bầu ăn cơm rượu liệu có nguy hiểm cho thai nhi? – Eva
Xem thêm:
- Cân nặng thai nhi theo tuần – Bảng tổng hợp mới nhất 2020 từ WHO
- 8 tuần chưa nghe thấy tim thai thì có đáng lo không các mẹ?
- Cách tính giới tính thai nhi từ tuần thứ 11 bằng phương pháp Nub
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!