Trẻ không chịu ngủ và có vô vàn lý do để trì hoãn thời gian lên giường. Vậy làm cách nào để bé dễ đi vào giấc ngủ hơn khi càng lớn bé càng dễ bị ảnh hưởng.
Cha mẹ nào chắc cũng đã từng trải qua giai đoạn này. Mỗi lần đến giờ đi ngủ, bé sẽ có vô số cái cớ để trì hoãn thời gian lên giường. “Mẹ ơi, con vẫn chưa buồn ngủ”. “Con muốn chơi thêm một lúc nữa!”. “Con buồn đi vệ sinh”. “Mẹ có thể đọc thêm cho con một quyển sách nữa được không”. Đây có lẽ là những câu nói quen thuộc của bé mỗi khi bị cha mẹ “giục” vào phòng ngủ.
Thậm chí, nếu bé đã yên vị trên giường, bé cũng sẽ vẫn cố tìm cách để “không phải ngủ” vào thời điểm đó.
Vậy phải làm cách nào để bé dễ đi vào giấc ngủ hơn khi mà càng lớn bé càng dễ bị hấp dẫn bởi môi trường xung quanh.
1. Tạo cho bé một nếp sinh hoạt trước giờ đi ngủ
Các hoạt động được lặp đi lặp lại như một thói quen vào mỗi tối là điều cha mẹ cần phải làm. Bé sẽ hiểu được rằng mình phải thực hiện những hoạt động gì trước khi đi ngủ. Cha mẹ nên xây dựng cho bé một chuỗi thói quen. Điều này sẽ mang lại 2 lợi ích. Thứ nhất, cơ thể bé sẽ hình thành phản xạ có điều kiện với thời gian đi ngủ. Thứ hai, bé có thể dự đoán trước việc mình cần làm. Do đó, trẻ cảm thấy an toàn cũng như sẵn sàng hơn cho hoạt động tiếp theo.
Một trình tự ngủ được nhiều cha mẹ áp dụng thường gồm các bước sau.
– Tắm rửa sạch sẽ và ăn bữa tối.
– Cùng nhau đánh răng và đi vệ sinh.
– Đọc một cuốn sách mà bé yêu thích.
– Hôn chúc bé ngủ ngon. Một số cha mẹ còn có những câu nói đặc biệt dành cho khoảng thời gian này. Chẳng hạn như, “Con biết bố mẹ yêu con nhiều như thế nào phải không? Ngủ ngon con nhé”.
2. Nếu bé chống đối, cha mẹ chỉ cần bình tĩnh, vững vàng và kiên định
Một số bé dù đã có thói quen đi ngủ nhưng vẫn có ngày bé “khó tính” chống đối lại việc lên giường. Bé bật dậy ngay lập tức cả kể khi cha mẹ đã tắt đèn. Lúc nãy bình tĩnh là điều cần thiết. Cha mẹ có thể hỏi lý do bé không đi ngủ và nhẹ nhàng đưa bé trở lại giường. Điều quan trọng là bé cần cha mẹ lắng nghe. Bé có thói quen đòi uống nước mỗi khi lên giường? Vậy thì chỉ cần chuẩn bị sẵn nước ở ngay trong phòng cho bé. Bé kiếm cớ thoái thác việc ngủ. Không sao, chỉ cần cha mẹ bình tĩnh chuẩn bị các “chiêu” xử lý để bé vui vẻ trở lại giường.
3. Yêu cầu bé hoàn thành mọi việc trước khi đi ngủ
Mỗi khi đến giờ ngủ, cha mẹ đừng quên hỏi xem bé cần gì hay muốn làm gì nữa không. Việc này sẽ tránh cho một cuộc chiến có thể xảy ra chỉ vì bé nghĩ, nhất thiết phải hoàn thành điều mình muốn.
Cha mẹ hãy hỏi xem bé có cần thứ gì trong bếp nữa không trước khi đóng cửa bếp. Bé có muốn đi vệ sinh không? Bé có muốn cầm thứ đồ chơi yêu thích gì khi đi ngủ không? Nếu bé trả lời là không thì hãy nói cho bé hiểu là nếu lát nữa, bé ra khỏi giường thì bé vẫn phải quay trở lại mà không được đáp ứng bất cứ yêu cầu nào. Một số phụ huynh có thể dùng phương pháp đếm 1-2-3. Với cách này, một khi bé không dừng lại hành động tiêu cực (không chịu ngủ) thì bé sẽ phải chấp nhận hình phạt. Điều này sẽ phụ thuộc vào sự thống nhất giữa cha mẹ và bé.
4. Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ đi ngủ đúng giờ bằng việc khen thưởng cho bé
Đôi khi, để tránh xảy ra xung đột không cần thiết với trẻ, một phần thưởng hợp lý có thể giúp bé ngủ ngoan hơn. “Mẹ thấy con tối qua ngủ rất đúng giờ và không đòi ra khỏi giường. Chiều nay mẹ sẽ tặng cho con một chuyến đi chơi ở công viên nhé”. “Con đã rất ngoan vào giờ đi ngủ. Mẹ rất vui về điều đó”. Những lời khen về hành vi tích cực sẽ khuyến khích trẻ lặp lại hành động của mình.
Đối với trẻ ở lứa tuổi chập chững, điều quan trọng nhất cho một giấc ngủ sớm và chất lượng vào buổi tối là cha mẹ cần xây dựng chuỗi thói quen trước giờ đi ngủ. Ngoài ra điều chỉnh giờ ngủ ban ngày sao cho hợp lý cũng là điều rất cần thiết để bé dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Các bài viết liên quan:
- ĐỂ TRẺ CAO LỚN – Ăn hay ngủ giúp tăng chiều cao hơn?
- Tâm lý hành vi của trẻ tập đi
- TẠI SAO PHẢI HỌC VẼ? – Vì mỗi đứa trẻ đều là nghệ sỹ ….