Bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh là bệnh đường hô hấp dưới hay thường được gọi là sưng cuống phổi. Tuy thế nhưng bệnh chưa xuống phối chỉ là tình trạng viêm cấp tính ở niêm mạc phế quản. Khi mắc bệnh, con yêu sẽ ho tương đối nhiều kèm theo các triệu chứng đau họng và sổ mũi.
Loại bệnh này thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh, sinh non, còi xương, suy dinh dưỡng hoặc đang nhiễm các bệnh như sởi, ho gà, cúm…
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản ở trẻ
Bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh là do virus gây ra như virus hợp bào hô hấp, virus parainfluenza, sởi, virus adeno và cúm. Con yêu có thể bị nhiễm các loại virus này thông qua các đồ chơi, bề mặt tiếp xúc của các vật dụng thân quen hay thậm chí là trong không khí.
Đối tượng dễ mắc phải là trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Theo một số thống kê tại nước ta, các ca mắc bệnh này xuất hiện nhiều nhất ở trẻ 1 tuổi. Ngoài virus, các yêu tố như khí thuốc lá, khói bụi, nhiễm khuẩn, bị dị ứng phấn hoa, lông chó, mèo… cũng là thủ phạm gây bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ.
Dấu hiệu trẻ bị mắc bệnh viêm phế quản
Dấu hiệu dễ nhận biết của trẻ mắc bệnh viêm phế quản là cảm lạnh, ho hay viêm mũi, chảy nước mũi kèm theo dấu hiệu sốt hoặc không. Lúc này, virus gây bệnh sẽ làm khí quản của trẻ bị sưng phồng và có dịch nhầy ứ đọng trong phổi. Đây cũng là nguyên nhân gây sốt cao ở trẻ sơ sinh.
Sau đó, trẻ sẽ xuất hiện các cơn ho kéo dài, đặc biệt là vào nửa đêm hay gần sáng. Khi ngủ, con yêu thường khò khe, bú kém hay nôn trớ. Nếu không chữa trị kịp thời, tình trạng bệnh của trẻ có thể diễn biến xấu hơn như:
- Trẻ có thể sốt trên 40°C, có dấu hiệu kháng thuốc hạ sốt, co giật hay thậm chí là hôn mê sâu
- Xuất hiện các cơn ho dữ dội và liên tục kèm theo tình trạng tiết đờm, chảy mũi nhiều
- Thở khò khè, khó thở kèm theo 2 cánh mũi phập phồng (khi kéo áo con lên mẹ sẽ thấy lồng ngực bị co thắt , đồng thời trên và dưới xương ức bị lõm)
- Cơ thể dần chuyển sang tím tái, đặc việt là ở môi, đầu tứ chi, lưỡi
- Rối loạn tiêu hóa, chướng bụng, tiêu chảy, nôn trớ…
Cách xử lý bệnh cho trẻ
Dưới đây là một số bí quyết giúp ba mẹ xử lý bệnh viêm phế quản của con yêu, để từ đó làm thuyên giảm tình trạng bệnh:
- Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, cách ly trẻ nhiễm viêm phế quản với khói thuốc, hóa chất
- Tránh cho con ăn các thức ăn mát trữ trong tủ lạnh như nước đá, hoa quả, sữa và các loại thực phẩm chế biến sẵn, vì có khả năng gây viêm họng
- Nhiệt độ phòng khi sử dụng máy lạnh chỉ nên chênh từ 2 đến 3°C so với ngoài trời, đồng thời không nên để gió của máy lạnh chiếu trực tiếp vào bé
- Khi thời tiết giao mùa, ba mẹ nên giữ ấm cho trẻ. Tuy nhiên, bạn tránh chọn quần áo quá dày cho bé vì sẽ làm mồ hôi thấm ngược lại cơ thể, khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh
- Thường xuyên cho con uống nhiều nước vì sẽ giúp làm loãng đờm, từ đó thuận tiện cho trẻ tống đờm ra khỏi đường hô hấp
Phòng bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh
Để phòng tránh căn bệnh này cho con cưng, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi, bạn có thể tham khảo các thông tin hữu ích này:
- Thường xuyên vệ sinh cơ thể cho con, nhất là khu vực tai – mũi – họng mỗi ngày
- Cách ly trẻ với môi trường khói thuốc, hóa chất độc hại, hay lông mèo, chó, thú nhồi bông
- Khi cho bú hoặc tiếp xúc với bé, người lớn nên vệ sinh tay cẩn thận
- Không khí trong phòng của con yêu nên thông thoáng và trong lành, đồng thời chăn, gối, nệm của bé nên được vệ sinh thường xuyên và phơi dưới trời nắng
Bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện sớm sẽ xuất hiện những biến chứng xấu như suy hô hấp, viêm phổi, nguy cơ mắc các bệnh mãn tính… Do đó, các bậc phụ huynh nên chủ động phòng tránh bệnh cho con đế tránh những tình huống đáng tiếc nhé.
Xem thêm:
- Cách phòng bệnh hô hấp cho con đơn giản nhưng hiệu quả khi giao mùa
- Trẻ bị ho sổ mũi kéo dài do đâu và làm sao để điều trị?
- Chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm phổi như thế nào để tránh biến chứng nguy hiểm cho con?