Viêm mũi họng cấp ở trẻ em là loại bệnh thường gặp vào mùa lạnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, con yêu sẽ phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm cầu thận cấp…
Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi họng cấp
Viêm mũi họng cấp ở trẻ em là tình trạng viêm niêm mạc họng xảy ra một cách đột ngột bởi vi-rút (sởi, cúm, adenovirus…), vi khuẩn (phế cầu, tụ cầu, liên cầu, hemophillus influenzae…).
Trong đó, trường hợp bệnh nặng nhất là do liên cầu khuẩn nhóm A (S.pyogenes) gây nên. Ngoài các nguyên nhân đã nêu, loại bệnh này cũng xuất hiện bởi những yếu tố ngoại cảnh như:
- Sự thay đổi đột ngột của thời tiết
- Sinh sống ở nơi có nhiệt độ thấp và độ ẩm cao
- Bụi bẩn sinh hoạt hay bụi công nghiệp
- Các loại khói độc hại như thuốc lá, khói bếp, than, củi…
Bên cạnh đó, trẻ em thường tắm ở các nơi không kín gió, tắm nước lạnh, không lau khô mình mà mặc quần áo ngay cũng có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Song song, bệnh cũng có thể xuất hiện nếu trẻ ở trong môi trường nhiệt độ cao rồi chuyển đột ngột qua phòng máy lạnh, gặp thời tiết thay đổi thất thường hoặc lúc giao mùa.
Biểu hiện của bệnh
Nếu phát hiện con yêu có những dấu hiệu dưới đây, mẹ nên nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để được kiểm tra và có biện pháp can thiệp kịp thời. Bởi nếu không được điều trị đúng cách, trẻ rất dễ gặp những biến chứng nguy hiểm.
- Thường xuyên chảy nước mũi, ngạt mũi, ho, viêm họng, ho khan và có đờm.
- Sốt: Nhẹ hoặc cao lên đến 40°C.
- Trẻ biếng ăn, quấy khóc, khó vào giấc ngủ, thở bằng miệng do ngạt mũi. Đôi khi, con thở nhanh hơn bình thường và có dấu hiệu co rút ở lồng ngực.
- Nôn ói và đi ngoài phân lỏng.
Khi nào là nguy hiểm?
Bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em do thời tiết sẽ diễn ra trong khoảng từ 3 đến 4 ngày. Nếu sức đề kháng của con yêu tốt, loại bệnh này sẽ dần thuyên giảm, các triệu chứng sẽ biến mất rất nhanh.
Tuy nhiên, với trẻ có hệ miễn dịch kém thì bệnh diễn biến phức tạp hơn. Bệnh có khả năng gây biến chứng như viêm mũi, viêm tai, viêm phế quản, viêm mũi họng mãn tính, viêm cầu thận… Ba mẹ nên lưu ý những dấu hiệu bệnh ở trên để sớm phát hiện kịp thời cũng như đưa con đến bệnh viện để được kiểm tra và theo dõi.
Phòng ngừa viêm mũi họng cấp ở trẻ em như thế nào?
Để đề phòng bệnh viêm mũi họng cấp, trẻ nên thường xuyên giữ vệ sinh răng miệng, mũi và họng mỗi ngày. Ba mẹ nên tập cho bé thói quen đánh răng sau khi ăn, trước khi ngủ vào buổi tối và sáng sau khi thức dậy.
Nếu nhiễm bệnh, ba mẹ hãy cho trẻ tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió. Khi tắm xong, mẹ nhớ lau người cho bé thật khô rồi mới mặc quần áo mới. Ngoài ra, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc nhỏ hay kháng sinh điều trị cho con nếu chưa có chỉ định của bác sĩ. Bởi điều này có khả năng gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Để tìm ra phương pháp điều trị dứt điểm viêm mũi họng cấp ở trẻ em, các bậc phụ huynh nên cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng. Điều này sẽ giúp tìm ra nguyên nhân gây bệnh để từ đó bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp cho từng trường hợp.
Xem thêm:
- Những câu hỏi thường gặp về bệnh tai – mũi – họng ở trẻ
- Vắc-xin phế cầu tiêm mấy mũi và lưu ý quan trọng cho ba mẹ
- Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa như thế nào để tránh biến chứng về sau?