Vệ sinh mũi cho bé sơ sinh nên dùng cách nào? Mẹ có thể dùng nước muối sinh lý, dung dịch vệ sinh mũi chuyên dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Mẹ cũng sẽ học được cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh để trị nghẹt mũi, giúp con hết khó chịu vì thở không được.
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh với sức đề kháng còn non yếu thường hay bị cảm lạnh vì đây là giai đoạn cơ thể bé bắt đầu xây dựng khả năng miễn dịch với virus thông thường. Do đó, bé rất dễ mắc các bệnh về mũi họng, nhất là khi thời tiết thay đổi đột ngột. Để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp, mẹ cần chú ý vệ sinh mũi cho bé khi thấy con có dấu hiệu chảy nước mũi, nghẹt mũi.
Vệ sinh mũi cho bé sơ sinh như thế nào?
Một trong những cách vệ sinh mũi cho bé sơ sinh đơn giản mà hiệu quả nhất là dùng nước muối sinh lý. Nước muối sinh lý sẽ giúp làm ẩm niêm mạc mũi, làm loãng đờm, long đờm nếu bé bị viêm mũi nặng. Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng dung dịch vệ sinh đường mũi khác hoặc dùng dụng cụ hút mũi như ống cao su hoặc máy hút mũi.
Phương pháp vệ sinh mũi cho bé sơ sinh bằng nước muối sinh lý
Để vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý, mẹ chỉ cần đặt bé nằm nghiêng xuống sao cho đầu bé hơi nghiêng một chút. Lưu ý để bé nằm với tư thế đầu thấp, mông cao, đặt 1 tay lên đầu trẻ và giữ nhẹ để tránh việc trẻ giãy giụa, có thể gây tổn thương trong quá trình rửa mũi.
Từ từ nhỏ 2 – 3 giọt dung dịch nước muối sinh lý vào một bên lỗ mũi bé để nước mũi chảy ra từ mũi bên kia đồng thời kéo theo dịch nhầy cũng như vi khuẩn. Sau đó hãy nhẹ nhàng lặp lại với bên lỗ mũi còn lại. Dùng khăn xô mềm và sạch lau mũi cho bé sau khi vệ sinh xong. Nước muối sinh lý rất an toàn và không gây tác dụng phụ nên mẹ có thể yên tâm sử dụng cho bé.
Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng dung dịch chuyên dụng
Nếu mẹ lựa chọn các dung dịch vệ sinh đường mũi khác thì cần lưu ý chọn đúng loại phù hợp với độ tuổi của bé. Cụ thể, nếu bé dưới 3 đến 6 tháng tuổi, mẹ có thể lựa chọn các dung dịch isotonic (cùng nồng độ muối như chất lỏng trong cơ thể) vì nó rất nhẹ dịu.
Nếu bé lớn hơn một chút mẹ có thể sử dụng dung dịch vệ sinh có chứa hypertonic (có nồng độ muối cao hơn so với các chất lỏng trong cơ thể). Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng các dung dịch vệ sinh đường mũi này. An toàn hơn cả vẫn là nước muối sinh lý.
Trị nghẹt mũi cho bé bằng cách rửa mũi như thế nào?
Khi bé bị cảm cúm, cảm lạnh, viêm mũi dị ứng… khoang mũi của bé thường bị tắc nghẽn do dịch nhầy ngăn bít, làm hẹp đường di chuyển của không khí khiến việc hít thở trở nên khó khăn. Tình trạng này thường khiến trẻ cảm thấy khó chịu do trẻ chưa học được cách thở bằng miệng ở giai đoạn này.
Nghẹt mũi ít khi làm bé bị chảy nước mũi nhưng bé sẽ gặp rắc rối khi ngủ và ăn uống. Một số triệu chúng có thể đi kèm với nghẹt mũi như: ho, hắt hơi, chảy nước mũi, hơi thở nặng nề hoặc sốt (nếu trẻ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp). Do đó, rửa mũi cho bé sơ sinh có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng nghẹt mũi giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.
Nếu dịch mũi bé đặc sệt, mẹ có thể thực hiện thao tác hút mũi. Cách vệ sinh mũi trẻ sơ sinh trong trường hợp này là: Sau khi nhỏ nước muối sinh lý hoặc dung dịch vệ sinh vào mũi bé, hãy đợi khoảng 2-3 phút, sau đó dùng dụng cụ hút mũi nhẹ nhàng hút dịch nhầy ở 2 lỗ mũi. Mẹ có thể lặp lại thao tác này để trị nghẹt mũi cho con nhưng không nên quá 3 lần/ngày.
Lưu ý cách vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh: Mẹ không dùng miệng để hút mũi cho bé vì có thể khiến bé nhiễm khuẩn nhé.
Cách rửa mũi cho bé sơ sinh bằng nước muối sinh lý
Vì niêm mạc mũi của bé còn non nớt nên mẹ cần chọn loại nước muối sinh lý đạt tiêu chuẩn an toàn, tốt nhất là nên sử dụng loại nước muối sinh lý chuyên dụng cho bé, vô khuẩn và không chứa chất bảo quản.
Loại nước muối sinh lý thích hợp nhất cho bé là loại nước muối natri clorid được pha chế với tỷ lệ 0,9%, tức là 1 lít nước với 9 gam muối tinh khiết, là dung dịch có áp suất thẩm thấu xấp xỉ với dung dịch trong cơ thể người.
Nhiều mẹ hiểu sai rằng cách vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý là vô hại, dùng càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên mẹ chỉ nên rửa mũi cho bé khi bé có dấu hiệu viêm mũi. Không nên lạm dụng rửa mũi sẽ làm mất đi chất nhầy tự nhiên trong khoang mũi, khiến niêm mạc mũi của bé bị khô, dễ nhiễm khuẩn hơn thậm chí có thể làm teo niêm mạc mũi, ảnh hưởng đến chức năng thở, khứu giác.
Mẹ nên chọn mua những lọ nước muối sinh lý chỉ cần xoáy nắp, đầu nhỏ được làm sẵn, tù và mịn để khi nhỏ không làm xây xước mũi bé hoặc làm đau bé.
Nên ngâm ấm ấm lọ nước muối sinh lý nhỏ mũi trước khi rửa mũi cho bé. Tuy nhiên, không được ngâm nóng quá vì da bé rất mỏng và nhạy cảm.
Thao tác này cần làm trước khi ăn để tránh nôn trớ
Hãy rửa mũi lúc trẻ còn thức, vì khi trẻ mở miệng, nước mũi sẽ không chảy vào họng.
Nếu mẹ có thói quen dùng xilanh để bơm nước muối sinh lý rửa mũi cho bé, hãy dừng ngay việc này lại vì điều này có thể làm trầy, xước niêm mạc mũi của con.
Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng xilanh
Có nhiều bác sĩ khuyến cáo ba mẹ đừng sử dụng xi lanh để rửa mũi cho trẻ sơ sinh. Rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng xilanh có nguyên tắc đẩy mạnh một dòng nước vào bên trong mũi để cuốn trôi hết mọi bụi bẩn, dịch nhầy cùng các tác nhân gây bệnh ra ngoài. Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng xilanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại tới cho sức khỏe của trẻ như:
- Bé dễ bị sặc khi dùng xilanh rửa mũi
- Niêm mạc mũi bị tổn thương khi dùng xilanh
- Rửa mũi bằng xilanh cho trẻ sơ sinh sẽ gây viêm họng
- Nguy cơ viêm tai giữa từ việc rửa mũi bằng xilanh cho bé
Chính vì vậy mà cách rửa mũi cho bé bằng xilanh chỉ nên áp dụng với các bé 6 tuổi. Sản phẩm xi lanh được sử dụng phải là loại chuyên dụng, được thiết kế dành riêng cho việc vệ sinh mũi ở trẻ nhỏ. Ba mẹ không sử dụng các loại xilanh tự chế sẽ gây nguy hiểm.
Chăm sóc bé sơ sinh đòi hỏi mẹ phải cẩn trọng trong mọi việc. Dù đơn giản như việc vệ sinh mũi cũng cần có phương pháp. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp mẹ chăm con một cách khoa học nhất. Chúc bé yêu luôn vui khỏe!
Xem thêm:
- Cách chăm sóc trẻ sơ sinh khi giao mùa hiệu quả nhất dành cho mẹ
- Lợi ích vàng của Trì hoãn cắt dây rốncho bé sơ sinh mà các mẹ thường bỏ lỡ!
- Mẹ có chắc mình hiểu rõ cách vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh, giúp mũi con thông thoáng dễ thở hơn?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!