Vắc xin Vaxigrip phòng bệnh gì? Đây là loại vắc xin giúp phòng ngừa các chủng cúm mùa thường gặp đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về loại vắc xin này qua bài viết sau đây nhé!
- Vắc xin Vaxigrip phòng bệnh gì?
- Liều dùng và cách dùng
- Những tác dụng phụ có thể gặp phải
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Câu hỏi: Ai nên tiêm phòng cúm? Thời điểm nào tốt nhất để tiêm phòng bệnh cúm? Sau tiêm phòng nếu bị sốt, đau sưng cứng chỗ tiêm thì nên xử lý như thế nào? Mẹ bầu có cần tiêm phòng cúm không? Vắc xin cúm có ảnh hưởng tới mẹ và thai nhi không?
Trả lời:
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh:
Bất kỳ lứa tuổi nào từ 6 tháng tuổi trở lên đều có thể tiêm vắc xin cúm, đặc biệt là các nhóm có nguy cơ nhiễm cúm cao như:
- phụ nữ mang thai và dự định mang thai
- trẻ từ 6 tháng – 5 tuổi
- người trên 65 tuổi
- người có bệnh mãn tính
- nhân viên y tế
- …
Vi rút cúm phát triển biến thể mới hằng năm, nên vắc xin năm ngoái không thể bảo vệ bạn khỏi chủng vi-rút mới của năm nay, chính vì vậy cần tiêm vắc xin cúm hàng năm để vắc xin được điều chỉnh phù hợp các các chủng virus xuất hiện theo từng thời điểm.
Tại Việt Nam đỉnh của dịch cúm mùa vào khoảng tháng 3-4 và tháng 9-10 hằng năm nên bạn cần tiêm phòng trước thời điểm trên từ 2 tuần đến 1 tháng.
Sau tiêm nếu bạn bị sưng đỏ tại vết tiêm thì có thể giảm đau bằng cách chườm mát tại chỗ, không nên thoa các loại thuốc bôi ngoài da để tránh nhiễm trùng. Ngoài ra triệu chứng như đau nhức toàn thân, nhức đầu, sốt nhẹ… thường sẽ tự hết hoàn toàn trong từ 1 – 2 ngày.
Trong giai đoạn mang thai, hệ thống miễn dịch thường xuất hiện nhiều thay đổi khác nhau nên có thể làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng do cúm cho mẹ bầu. Chính vì vậy mẹ bầu cần tiêm phòng cúm khi mang thai để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.
Vắc xin Vaxigrip phòng bệnh gì?
Vắc xin Vaxigrip được sử dụng để phòng bệnh cúm mùa do các loại virus chủng H1N1, H3N2 và B gây ra. Đây là những chủng cúm mùa thường xuyên gây bệnh đã được WHO khuyến cáo. Vắc xin cúm Vaxigrip có thể dùng cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 36 tháng tuổi.
Bạn có thể chưa biết:
Các phản ứng phụ sau khi tiêm chủng vắc-xin bố mẹ cần nắm rõ
Cúm là căn bệnh lây lan rất nhanh, do các loại virus gây nên và có thể thay đổi hằng năm. Thời điểm dễ nhiễm bệnh nhất là vào mùa lạnh. Do đó bạn cần phải tiêm ngừa mỗi năm.
Bệnh cúm có thời gian ủ bệnh vài ngày, do đó nếu bạn đã nhiễm bệnh trước hoặc ngay sau khi tiêm vắc xin thì vẫn có thể phát bệnh. Loại vắc xin này không có tác dụng bảo vệ cho những người đã tiêm chủng phòng ngừa bệnh cảm lạnh, dù cho các triệu chứng của bệnh này cũng tương tự như bệnh cúm.
Hiện nay các loại virus cúm gây bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó những đối tượng có nguy cơ xảy ra biến chứng như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi… nên tiêm phòng vắc xin cúm đầy đủ.
Muốn biết vắc xin Vaxigrip giá bao nhiêu, phụ huynh có thể liên hệ các trung tâm y tế quận, các trung tâm tiêm chủng để tham khảo. Giá vắc xin cúm này còn phụ thuộc vào đối tượng cũng như loại vắc xin mà bạn dự định tiêm.
Thành phần của vắc xin Vaxigrip
Thực chất vắc xin Vaxigrip chính là các loại virus cúm hay gây bệnh đã được khuyến cáo bởi Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên những virus cúm này được nuôi cấy trên trứng gà có phôi sau đó được tách, bất hoạt và tinh chế.
Vắc xin Vaxigrip được chỉ định phòng bệnh cúm cho cả người lớn và trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên.
Liều dùng và cách tiêm vắc xin Vaxigrip
Liều dùng
- Đối với trẻ em từ 6 đến 35 tháng tuổi tiêm 1 liều 0,25ml
- Đối với trẻ em 36 tháng tuổi trở lên và người lớn tiêm liều 0.5ml
- Những trẻ em dưới 9 tuổi nếu trước đây chưa bị cúm hoặc chưa từng tiêm vắc xin cúm nên tiêm 2 mũi. Trong đó thời gian cách nhau tối thiểu khoảng 4 tuần.
Lưu ý vắc xin Vaxigrip chỉ có thời gian duy trì miễn dịch 6-12 tháng. Do đó hằng năm bạn phải tiêm phòng cúm.
Cách tiêm phòng vắc xin Vaxigrip
Vắc xin được tiêm bắp tay hoặc tiêm dưới da sâu. Trước khi tiêm nên để vắc xin trở về nhiệt độ phòng và lắc đến khi có được một hỗn hợp dịch đồng nhất. Nhân viên y tế cần sát trùng vị trí tiêm và tiêm đúng liều phù hợp với hướng dẫn.
Bạn có thể chưa biết:
Trẻ tiêm vacxin 6 trong 1 có bị sốt không và những điều cần lưu ý
Những trường hợp chống chỉ định
Những trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin cúm Vaxigrip bao gồm:
– Người dị ứng hoặc quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của vắc xin. Bao gồm cả các loại tá dược và thành phần như: protein của gà, ovalbumin, neomycin…
– Những người đang sốt cao, sốt vừa hoặc người đang bị bệnh cấp tính.
Những tác dụng phụ có thể gặp phải khi tiêm vắc xin Vaxigrip
Khi tiêm vắc xin Vaxigrip bạn có thể gặp phải những tác dụng phụ như:
- Các phản ứng tại chỗ như đau, sưng, đỏ, cứng hoặc ngứa ở vị trí tiêm
- Những phản ứng toàn thân trong 1-2 ngày sau khi tiêm bao gồm: sốt, đau đầu, tăng tiết mồ hôi, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa… Tuy nhiên những triệu chứng này sẽ tự khỏi mà không cần phải điều trị.
- Một số phản ứng ít gặp như: sưng hạch ở cổ, nách bẹn hoặc nôn, nổi mề đay, xuất huyết…
Ngoài ra có một số phản ứng rất hiếm gặp như đau dây thần kinh, rối loạn cảm giác, co giật hay giảm tiểu cầu, rối loạn thần kinh,… hoặc dị ứng. Khi gặp phải tình trạng này bạn nên báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn xử lý.
Cách chăm sóc bé bị sốt nhẹ sau tiêm chủng (dưới 38 độ):
- Mẹ chưa cần cho con uống thuốc hạ sốt, hãy theo dõi nhiệt độ và tình trạng của bé. Mẹ hãy lấy khăn ấm chườm hoặc lau người cho bé, tập trung ở khu vực bàn tay, bàn chân, nách bẹn, nơi có hệ thống mạch máu lớn đi qua để nhanh hạ nhiệt cho con
- Mặc quần áo thấm hút mồ hôi và thông thoáng, đừng cho bé mặc quá nhiều lớp áo quần
- Giữ nhà cửa thoáng mát
- Khi trẻ sốt trên 38.5 độ thì phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt (Thông thường thuốc hạ sốt cho bé là Paracetamol với liều dùng 10-15 mg/kg cân nặng, uống cách nhau 4-5 giờ, tổng liều uống hạ sốt không quá 100mg/kg cân nặng/24 giờ)
- Quan sát chỗ tiêm xem có bị sưng, đỏ, bầm tím bất thường hay không.
- Nếu trẻ sốt 38.5 độ liên tục kéo dài, không hạ nhiệt độ sau khi uống thuốc hạ sốt hoặc vết tiêm bị sưng đau bất thường thì đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Qua bài viết hẳn bạn đã có đáp án chi tiết cho câu hỏi vắc xin Vaxigrip phòng bệnh gì. Đây là vắc xin giúp bảo vệ cơ thể khỏi các loại cúm mùa phổ biến thường gặp. Bạn nên tiêm phòng đầy đủ hẳn năm cho bé để đảm bảo an toàn cho sức khỏe nhé!
Xem thêm:
- Vắc xin 5 trong 1 gồm những bệnh gì, bé mấy tháng thì tiêm được?
- Tiêm vắc xin 6 trong 1 có sốt không? Cách chăm sóc trẻ sau tiêm phòng
- Cập nhật mới nhất về vắc xin 6 trong 1- Infanrix Hexa
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!