Tai nạn thương tâm xảy ra khiến bé 6 tháng tuổi tử vong vì kẹt giữa khe nệm và tường. Dù đã được các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tận tình cứu chữa nhưng bé đã không thể qua khỏi.
Bé sơ sinh tím tái, ngưng thở vì kẹt cả người trong khoảng hở giữa nệm và tường
Ngày 6-11, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thông tin về trường hợp một bé 6 tháng tuổi (quận 8) được ba mẹ bế vào viện cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Mặc dù đã được các y bác sĩ kíp trực tích cực hồi sức cấp cứu suốt 1 giờ đồng hồ nhưng bé vẫn không qua khỏi.
Theo thông tin từ ba mẹ bé, khoảng 4h ngày 3-11, bé đang nằm ngủ cạnh ba và mẹ trên nệm đặt sát vách tường, bề dày nệm là 26cm, thì bé khóc đòi sữa khiến cả ba và mẹ đều tỉnh dậy. Ba cho bé bú sữa bình, sau đó đi ngủ tiếp, còn mẹ ăn sáng rồi ra khỏi nhà đi chợ.
Đến 7h sáng, khi người ba tỉnh dậy không thấy con đâu, quay sang thấy bé nằm sấp, úp mặt, kẹt cả toàn thân trong khoảng hở giữa thành nệm và tường. Ba của bé vội vàng lật bé dậy, lúc này toàn thân bé đã tím tái, không cử động nên tức tốc ẵm con vào Bệnh viện Nhi đồng 1.
Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương – trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, khi được đưa đến bệnh viện lúc 9h sáng, có thể bé đã tử vong từ lâu – khoảng 1 giờ trước, vì đồng tử giãn và mất phản xạ ánh sáng, trương lực cơ tương đối cứng (cứng người) và không còn phản xạ hầu họng. Dù các bác sĩ đã vô cùng cố gắng cứu chữa nhưng phép màu đã không xảy ra, bé hoàn toàn không có nhịp tim trở lại.
Bác sĩ Phương khuyến cáo nhà có cháu bé nhỏ thì phụ huynh cần hết sức chú ý khoảng hở giữa giường và tường, dù là nhỏ hay lớn. Vì trẻ có thể tự lật và kẹt vào khoảng hở này, bị ngạt do thiếu oxy não, nguy hiểm, có thể dẫn đến tai nạn thương tâm như trường hợp tử vong vì kẹt giữa khe nệm và tường này.
Nguyên tắc ABC giúp giữ an toàn cho bé khi ngủ
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), để giữ an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi ngủ, ba mẹ nên tuân thủ nguyên tắc ABC.
A (Alone) – trẻ không nên được ngủ chung với người lớn vì luôn tiềm tàng mối nguy cơ khi nằm chung với người lớn, trẻ có thể bị chính ba hoặc mẹ nằm chung đè ngạt, và thực tế đã xảy ra không ít trường hợp đau lòng như thế này.
B (Back) – trẻ nên được đặt nằm ngửa khi ngủ vì thói quen nằm sấp ở một số trẻ sơ sinh và nhũ nhi có thể khiến trẻ không tự xoay ngửa lại được và bị ngạt nguy hiểm.
C (Crib) – nên cho trẻ ngủ trong nôi có thành nôi chắc chắn, lưu ý khoảng hở giữa các song chắn không được quá rộng khiến cho các bộ phận trên cơ thể trẻ lọt vào và nếu có thể nên đặt nôi cạnh giường bố mẹ để bố mẹ kịp thời phát hiện những bất thường của con trong nôi.
Những lưu ý khác
Chọn drap giường, nệm và chăn phù hợp
Nếu gia đình để cho bé sử dụng nệm mềm, drap hoặc chăn có thể gây ra tình trạng những thứ này vô tình cuộn lại quanh người và đầu khi bé ngủ. Đây là lý do khiến hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ dễ xảy ra.
Bố mẹ nên chọn nệm có độ cứng vừa phải cho trẻ, thêm vào đó cũng nên chọn loại drap có thể bọc kín nệm, có nút cài cố định vào nệm để không có phần drap nào bị dư vì chính những phần dư này sẽ nguy cơ gây cản trở đường thở của bé khi đang ngủ.
Càng đơn giản càng tốt
Nhiều cặp bố mẹ thích để trên giường ngủ của con nhiều vật trang trí hoặc đặt nhiều đồ lên cũi của trẻ như đồ chơi, thú nhồi bông hay gối ôm cho con. Những vật này trông đáng yêu, nhưng chính chúng lại có thể trở thành mối đe dọa tiềm ẩn đối với tính mạng của trẻ. Khi bé ngủ, những vật trên giường có thể chèn vào đường thở và khiến bé bị ngạt thở.
Theo tuoitre, hellobacsi
Xem thêm
- Bé tử vong vì mẹ ngủ quên khi cho con bú! Lời cảnh tỉnh cho các bà mẹ bỉm sữa ngày nay
- Bé trai 3 tuổi tử vong vì bị mắc kẹt khi chơi cầu trượt ở trường mầm non
- Nỗi đau mất con với hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh – Câu chuyện đau lòng từ người mẹ của bé 2 tháng tuổi