Gây tê tủy sống là phương pháp gây tê thường được dùng để hỗ trợ sản phụ giảm bớt cơn đau khi đẻ mổ. Phương pháp này vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi vì những tác dụng phụ có thể rất nghiêm trọng của nó, ví dụ như trường hợp 1 sản phụ đã tử vong vì ngộ độc thuốc gây tê tủy sống ở Quảng Ngãi mới đây.
Sản phụ tử vong vì gây tê tủy sống
Nạn nhân là sản phụ P.T.K.D, sinh năm 1995 ngụ ở xã Sơn Màu (Sơn Tây), được người nhà nhập viện vào Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phúc Hưng vào 7 giờ sáng 13/10. Bác sĩ tại đây chẩn đoán sản phụ mang thai lần 2, 39 tuần, có dấu hiệu tiền chuyển dạ. Vì có vết mổ cũ ở lần mang thai đầu, nên lần này sản phụ được chỉ định mổ đẻ.
Lúc 10 giờ cùng ngày, sản phụ được đưa vào phòng mổ và được gây tê tủy sống bằng thuốc Bupivacain WPW Spinal 0.5% Heavy. Chỉ sau đó 5 phút, sản phụ xuất hiện các triệu chứng ngộ độc thuốc như đau tê vùng mông và co giật hai chân.
Lúc này, kíp mổ đã xử trí bằng cách gây mê toàn thân cho sản phụ và khẩn trương tiến hành mổ lấy thai, đồng thời tiến hành hỗ trợ cấp cứu theo đúng quy định. Bé gái sơ sinh con của sản phụ D được đưa ra ngoài an toàn, sức khỏe tốt với cân nặng là 3kg. Sản phụ vẫn xuất hiện triệu chứng co giật toàn thân và tiếp tục được hồi sức tích cực. 4 tiếng sau đó, triệu chứng không thuyên giảm và sản phụ được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.
Đến 17 giờ ngày 13/10, sản phụ tiếp tục được chuyển lên bệnh viện tuyến trên, tiên lượng xấu. Tuy nhiên, trên đường chuyển viện cấp cứu, sản phụ đã tử vong. Nguyên nhân tử vong được Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phúc Hưng xác định là do bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê trong lúc mổ lấy thai.
Bác sĩ Hồ Văn Quang- Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phúc Hưng cho biết: Quy trình tiến hành gây tê tủy sống đối với sản phụ D đều được thực hiện theo quy định. Nhưng ngay sau đó, bệnh nhân đã có các dấu hiệu của ngộ độc thuốc tê tác động lên hệ thần kinh và tim, mạch. Ngay khi phát hiện, kíp mổ cũng thực hiện đúng các bước xử trí các triệu chứng của ngộ độc thuốc tê. Nhưng rất tiếc bệnh nhân vẫn không qua khỏi.
Sau khi sản phụ tử vong, bệnh viện đã giải thích, chia sẻ để người nhà sản phụ hiểu và đưa về nhà lo hậu sự. Hiện vụ việc và nguyên nhân tử vong của sản phụ D đã được báo cáo lên Sở Y tế và được tiếp tục điều tra làm rõ.
Phương pháp gây tê tủy sống trong phẫu thuật
Gây tê tủy sống hay còn được gọi là gây tê màng nhện, được thực hiện bằng cách tiêm thuốc tê vào khoang dưới nhện ở vùng thắt lưng. Dịch não tủy hòa chung cùng thuốc tê khiến dẫn truyền của các rễ thần kinh gây liệt vận động và mất cảm giác bị ức chế có hồi phục. Để thực hiện được gây tê tủy sống, cần những người giàu kinh nghiệm và nắm vững nguyên tắc và kỹ thuật, bên cạnh đó, phương pháp này cần có sự hợp tác giữa người bệnh và bác sĩ gây mê. Trong quá trình tiến hành thủ thuật này, người bệnh sẽ vẫn tỉnh táo.
Trong y khoa, ngộ độc thuốc tê chiếm tỷ lệ 1/10.000 trường hợp. Tỷ lệ xảy ra ngộ độc thuốc tê vô cùng thấp, nhưng tỷ lệ tử vong vì gây tê tủy sống do ngộ độc thuốc tê lại rất cao. Mặc dù đã được xử trí cấp cứu theo phác đồ nhưng khả năng hồi phục lại phụ thuộc vào khả năng hấp thụ, sức đề kháng khác nhau của từng bệnh nhân.
Phương pháp gây tê tủy sống thường được chỉ định sử dụng trong các trường hợp phẫu thuật cho tất cả các cơ quan từ vùng rốn trở xuống.
Tác dụng phụ của gây tê tủy sống
Một số người cảm thấy buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, khó thở, vị trí tiêm đau buốt sau 30 phút tiêm gây tê tủy sống. Một số trường hợp phản ứng mạnh với thuốc, gây rối loạn nhịp tim, co giật và hôn mê, đã có ghi nhận các trường hợp tử vong vì gây tê tủy sống. Biến chứng gây tê tủy sống còn kéo dài từ vài tuần cho tới tận vài năm, gây khó khăn cho các mẹ:
- Nhức đầu: Nguyên nhân do mạch máu thức phát và áp lực nội sọ giảm mạnh. Nếu không chữa trị dứt điểm, phụ nữ có khả năng mắc bệnh lý thần kinh sọ, tụ máu ngoài màng cứng.
- Đau lưng
- Liệt thần kinh: Tiêm gây tê tủy sống có thể gây thất thoát dịch não tủy, ảnh hưởng thần kinh. Mẹ bầu có thể gặp chứng liệt thần kinh sọ, nhìn một thành hai, đầu ong ong từ 3 – 10 ngày, thính lực cũng suy giảm trầm trọng.
- Tổn thương thần kinh.
Một số lưu ý
Để tránh nguy cơ biến chứng do gây tê tủy sống gây ra, bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau đây:
- Để cải thiện hoạt động của phổi và tim, bệnh nhân cần bỏ hút thuốc lá khoảng 6 tuần trước khi phẫu thuật
- Liệt kê tất cả các loại thuốc đang sử dụng cho bác sĩ và cần được bác sĩ gây mê kiểm tra, nhất là các thuốc chống đông máu, thuốc tim mạch. Nếu có xảy ra tình trạng dị ứng với thuốc hoặc phản ứng phụ nào đó, cần báo ngay cho bác sĩ gây mê
- Tác dụng của thuốc gây tê sẽ giảm nếu bạn uống rượu. Trong vòng 24h trước phẫu thuật, tuyệt đối không được uống rượu
- Nhịn ăn trước khi phẫu thuật 6 – 8 tiếng để tránh tình trạng nôn mửa khi gây tê tủy sống. Nếu người bệnh ăn trong vòng 6 giờ trước phẫu thuật, cuộc phẫu thuật có thể bị trì hoãn hoặc đình chỉ tránh tình trạng người bệnh bị sặc hít trong quá trình gây mê, tắc nghẽn đường hô hấp do thức ăn từ dạ dày trào ngược vào khí quản
- Gây tê tủy sống cần được thực hiện tại cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ trang thiết bị theo dõi và hồi sức và đảm bảo vô trùng tuyệt đối.
Nguồn tổng hợp
Xem thêm
- Liên tiếp 5 trẻ bị sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine 5 trong 1, trong đó 1 cháu đã tử vong ở tỉnh Sơn La
- Bé gái 2 tháng tuổi ở Sơn La tử vong sau khi tiêm vaccine 5 trong 1
- Rủi ro và biến chứng của phương pháp gây tê ngoài màng cứng mẹ nên cân nhắc
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!