Tối 15-9, ông Phan Huy Anh Vũ – giám đốc Sở Y tế Đồng Nai – xác nhận trường hợp bé gái 1 tuổi tử vong sau tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản.
Bé gái 1 tuổi chết vì sốc phản vệ sau tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản
Theo thông tin ghi nhận, vào khoảng 8h sáng cùng ngày, bé N.T.B.T. (1 tuổi, quê An Giang, tạm trú huyện Nhơn Trạch) được người thân đưa đến Trạm y tế thị trấn Hiệp Phước để tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi thứ 2.
Trước tiêm, trẻ được khám sàng lọc, tình trạng sức khỏe tốt và không phát hiện bất thường.
Sau tiêm, trẻ tiếp tục được theo dõi tại chỗ 30 phút nhưng không có biểu hiện bất thường nên được cho về nhà.
Tuy nhiên, đến khoảng 11h, người nhà đưa trẻ đến trạm y tế khám trong tình trạng người bé bị tím tái, không bắt được mạch. Sau đó, trẻ được chuyển lên Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch tiếp tục điều trị trong tình trạng không mạch, không nhịp tim. không huyết áp.
Tiếp đó, trẻ được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị và qua đời sau đó.
Nguyên nhân tử vong sau tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản được Sở Y tế nhận định do sốc phản vệ sau tiêm.
Sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng pháp y đã phẫu thuật để điều tra nguyên nhân tử vong. Hiện kết quả pháp y vẫn chưa có.
Cũng theo thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai, có 10 trẻ tiêm cùng lọ vắc xin với bé T. và 57 trẻ tiêm cùng lô vắcxin với bệnh nhi tử vong. Lô vắc xin có hạn sử dụng đến tháng 2-2021. Ở các trẻ khác cùng đợt tiêm không ghi nhận bất thường về sức khỏe.
Cũng theo ông Vũ, vắc xin viêm não Nhật Bản đã đưa vào tiêm chủng và an toàn từ nhiều năm nay nên việc tiêm chủng vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định. Trước sự việc đau lòng này, trước mắt Sở đã chỉ đạo tạm đình tiêm lô vắc xin trên, đồng thời điều tra toàn diện công tác tiêm chủng liên quan và sẽ họp hội đồng chuyên môn để kết luận vụ việc.
Cách phòng ngừa virus viêm não Nhật Bản
Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, người dân cần thực hiện các biện pháp này để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh:
- Vệ sinh môi trường sạch sẽ, thường xuyên dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em, loại bỏ các ổ lăng quăng, bãi nước tồn đọng quanh nhà
- Nên cho trẻ ngủ mùng để tránh muỗi đốt, sử dụng các biện pháp để phòng chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình.
- Thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch cho bé. Việc tiêm chủng vắcxin được áp dụng cho người lớn và trẻ em đủ tuổi (từ 12 tháng tuổi trở lên).
- Tiêm chủng cần đủ 3 liều cơ bản: Mũi đầu tiên khi trẻ vừa đủ tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1-2 tuần, mũi thứ 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Ba mẹ cần cho trẻ tiêm nhắc lại mỗi ba năm một lần cho đến 15 tuổi.
- Trong trường hợp đã mắc bệnh, việc điều trị chủ yếu chỉ tập trung vào việc giảm triệu chứng viêm não Nhật Bản. Vì vậy việc chủ động cho trẻ tiêm vắc xin và tuân thủ theo lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo là biện pháp phòng ngừa bệnh này hiệu quả nhất.
Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh. Lưu ý, nếu bé chỉ được tiêm 1 mũi vắc xin thì không đủ hiệu lực bảo vệ, tiêm 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ 90% – 95% trong khoảng 3 năm.
Chủ động tiêm ngừa
Trong số 200 ca mắc viêm não Nhật Bản năm 2019, có đến 33,5% các cháu 5-9 tuổi, theo các chuyên gia, đây là nhóm có số cháu mắc bệnh nhiều nhất trong 200 bệnh nhân viêm não Nhật Bản được xác nhận. Về tiền sử tiêm chủng, có 8,8% các cháu mắc bệnh đã tiêm chủng đầy đủ, gần 34% không tiêm, trên 42% không rõ lịch sử tiêm ngừa và trên 15% là tiêm chủng chưa đầy đủ.
Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết sẽ dành 3,8 triệu liều vắc xin viêm não Nhật Bản để tiêm chủng cho trẻ, thực hiện trong các chiến dịch tiêm vét, tiêm tại điểm tiêm chủng cố định.
Cụ thể, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng viêm não Nhật Bản B cho trẻ 6-15 tuổi tại các vùng nguy cơ cao (28 huyện thuộc 16 tỉnh) nhằm mục tiêu đảm bảo trên 90% trẻ trong độ tuổi này được tiêm chủng ngừa bệnh đầy đủ.
Mùa dịch viêm não Nhật Bản thông thường bắt đầu khoảng tháng 5-6 hằng năm, kéo dài tới khoảng tháng 8.
Theo tuoitre, vnvc
Xem thêm
- Cha mẹ cần lưu ý tiêm vaccine viêm não Nhật Bản phải đủ liều
- Lào Cai: Bé 3 tháng tuổi tử vong vì tiêm vắc xin ComBE Five
- Bé trai chết ngay sau khi tiêm chủng ngừa sốt xuất huyết, 362 trường hợp phản ứng phụ
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!