Trước khi tiêm phòng cho trẻ mẹ nên ăn gì? Các bác sĩ nhi khuyên mẹ đang cho bé bú nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D, sắt, kẽm, … giúp mẹ có nguồn sữa dồi dào và giúp bé có một sức đề kháng tốt.
Vì sao mẹ nên chú ý về chế độ dinh dưỡng khi cho bé bú mẹ trước khi đi tiêm phòng?
Khi được tiêm chủng, trẻ em sẽ phát triển khỏe mạnh, không bị các biến chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường. Do đó việc đưa trẻ đi khám và tiêm phòng đúng lịch, đầy đủ các mũi tiêm là nhiệm vụ quan trọng của các bậc cha mẹ.
Thông thường, tiêm vắc xin sẽ khiến trẻ có các phản ứng nhẹ và có thể tự khỏi, thường xảy ra sau khi sử dụng vắc xin, bao gồm: Các triệu chứng tại chỗ như: ngứa, đau, sưng, hoặc đỏ hoặc vừa sưng vừa đỏ tại chỗ tiêm.
Các triệu chứng toàn thân: như sốt, dưới 39 độ C và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn).
Để cải thiện tình trạng này, với các mẹ đang cho con bú, mẹ có thể giúp bé tăng cường sức đề kháng và chuẩn bị cho bé một thể trạng tốt hơn trước khi đi tiêm bằng chế độ dinh dưỡng của chính người mẹ.
Khi người mẹ cho bé bú đủ, kết hợp với chất lượng sữa tốt, trẻ sẽ luôn khỏe mạnh và ít bị mệt mỏi hơn.
Trước khi tiêm phòng cho trẻ mẹ nên ăn gì để bé tăng sức đề kháng?
1. Mẹ cần tăng cường nguồn thực phẩm giàu kẽm nhằm hỗ trợ hệ miễn dịch cho cả mẹ và con
Người mẹ trong thời gian cho con bú không cần phải bổ sung quá nhiều kẽm, chỉ cần 12 miligram mỗi ngày cũng đủ để cả mẹ và con có được hệ miễn dịch khỏe mạnh. Bổ sung thực phẩm giàu kẽm mỗi ngày cũng sẽ giúp nguồn sữa dồi dào và đạt chất lượng tốt.
Thực phẩm giàu kẽm bao gồm:
- Hải sản: Tôm và hàu là hai loại thực phẩm rất giàu kẽm.
- Các loại thịt: Thịt bò, lợn, gà.
- Trứng cũng rất giàu kẽm.
- Các loại hạt: Đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu trắng, đậu nành, hạt bí, hạt vừng, gạo lứt…
- Các loại rau: Cải xoăn, súp lơ xanh, rau chân vịt.
- Sữa và sữa chua.
- Nấm giàu kẽm.
2. Bổ sung sắt giúp nguồn sữa dồi dào
Thiếu hụt sắt sẽ gây nên tình trạng mệt mỏi, choáng váng, chóng mặt, suy nhược, rối loạn đường ruột, cộng với việc phải thức khuya cho bé bú đêm sẽ có nguy cơ làm cho bạn bị kiệt sức trầm trọng.
Nếu bổ sung đủ sắt, cơ thể mẹ sẽ luôn tràn đầy năng lượng, nhờ đó tuyến sữa cũng hoạt động tốt hơn, đảm bảo bé được bú đủ sữa trước khi đi tiêm vắc xin.
Mẹ nên ăn:
- gan
- thịt bò
- thịt nạc
- thịt gà
- cá
- hải sản có vỏ cứng
- trứng
- các loại rau có màu xanh đậm
3. Vitamin D – cũng có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch
Là vitamin tan trong chất béo và hoạt động như 1 nội tiết tố trong cơ thể, vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc tạo tâm trạng thư thái hơn, hỗ trợ chức năng cơ bắp và tăng cường hệ miễn dịch cho các mẹ tránh khỏi bệnh cảm cúm, cảm lạnh, bên cạnh tác dụng phổ biến là giúp xương và răng chắc khỏe.
Theo 1 nghiên cứu ở Mỹ được thực hiện trên 19.000 mẫu xét nghiệm máu cho thấy, những người có mức vitamin D dưới 10 nanogram/ml có nguy cơ bị sốt, cúm cao hơn 40% những ai có mức vitamin D trên 30 nanogram.
Vậy nên nếu mẹ sắp cho bé đi tiêm vắc xin thì nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin D trong bữa ăn của mình nhé.
Mẹ nên ăn:
- sữa
- dầu gan cá tuyết
- cá béo
- lòng đỏ trứng
- sữa đậu nành
- sữa gạo
- nước cam
4. Mẹ nên uống nhiều nước
Uống nước thường xuyên và đúng cách là phương pháp hiệu quả giúp cơ thể người mẹ sản xuất và cung cấp đủ lượng sữa cho nhu cầu của bé yêu.
Để có lượng sữa dồi dào, mẹ đừng quên uống đủ nước mỗi ngày và nên uống kết hợp với các loại đồ uống lợi sữa nhằm đảo bảo mẹ hấp thu được nguồn dinh dưỡng tốt nhất.
Trước khi tiêm vắc xin cho trẻ, mẹ nên lưu ý những gì?
Nhằm phòng tránh các biến chứng sau khi tiêm và cũng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bé sơ sinh bú mẹ khi tiêm phòng, mẹ cần lưu ý rằng:
- Không nên cho bé tiêm vắc-xin khi đang bệnh hay sốt cao.Việc tiêm vắc-xin có thể dời lại vài ngày cho đến khi bé khỏe mạnh.
- Không nên cho trẻ ăn/bú quá no hoặc quá đói để tránh trường hợp bé bị hạ đường huyết sau khi tiêm.
- Nên cho bé vệ sinh thân thể sạch sẽ để hạn chế nhiễm trùng
Ngoài ra, mẹ cần trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bé (tiền sử bệnh tật, dị ứng…) để kiểm soát và làm giảm những phản ứng phụ có thể xảy ra với bé khi tiêm.
Xem thêm:
- Các mốc thời gian tiêm phòng cho trẻ sơ sinh quan trọng
- Học ngay cách hạ sốt cho trẻ sau khi tiêm phòng để con hết khó chịu
- Nên tiêm phòng cho con bạn trước khi quá trễ – Lời kêu gọi của bà mẹ có con bị ung thư
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!