Trời nồm có nên bật điều hòa hay không và nên sử dụng chế độ nào để có một không gian thoải mái và an toàn cho sức khỏe là câu hỏi được rất nhiều gia đình quan tâm. Nếu gia đình bạn không có máy hút ẩm để giải quyết những hôm thời tiết nồm khó chịu, vậy hãy cùng theAsianparent tìm hiểu xem liệu máy điều hòa có thể thay thế cho máy hút ẩm hay không bạn nhé!
Trời nồm ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta như thế nào?
Ảnh hưởng đến sức khỏe con người
Thời tiết miền Bắc vào những ngày cuối xuân trở nên nồm ẩm và ngột ngạt khiến cơ thể chúng ta cảm thấy rất bết rít khó chịu. Việc bài tiết qua da từ đó cũng bị hạn chế, các lỗ chân bí bách không thoát hơi nên dễ sinh ra nhiều căn bệnh như khớp, tim mạch, đau đầu, những căn bệnh mãn tính kinh niên của người cao tuổi.
Ngoài ra, trẻ em hay những người có sức đề kháng yếu sẽ dễ bị nhiễm lạnh và mắc bệnh về đường hô hấp như ho, hen suyễn,…
Tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc, các loại côn trùng phát triển
Không khí ẩm ướt là cơ hội cho vi khuẩn, nấm mốc, ruồi muỗi và sâu bọ phát triển. Nấm mốc ngoài khả năng sinh bệnh cho con người, nhất là người già và trẻ nhỏ thì còn gây nguy hại cho nhiều ngành nghề như xây dựng hay trang trí nội thất,…
Vì vậy, để bảo vệ trang thiết bị nhà xưởng, đồ điện gia dụng và hơn thế nữa là sức khỏe con người, máy hút ẩm từ đó được tạo ra giúp chúng ta có một không gian dễ chịu hơn trong những ngày trời nồm. Tuy nhiên, đối với những gia đình không có máy hút ẩm thì có thể thay thế bằng điều hòa được không? Trời nồm có nên bật điều hòa hay không chắc hẳn là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm.
Trời nồm có nên bật điều hòa không?
Nếu nhà bạn không có máy hút ẩm trong những ngày trời nồm lên đến đỉnh điểm, bạn hoàn toàn có thể bật điều hòa để thay thế bởi tuy cách hoạt động khác nhau nhưng điều hòa không khí cũng có chức năng làm khô không khí tựa như máy hút ẩm vậy.
Có rất nhiều gia đình đã chọn cách bật điều hòa để làm mát cơ thể và tránh cảm giác bí ẩm đó. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng chế độ này trong vòng 1-2 giờ thôi. Độ ẩm quá thấp cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ra những triệu chứng như khô mắt, kích ứng da,…
Ngoài ra, với thiết kế kèm theo tính năng hút ẩm của điều hòa nhiệt độ thì hiệu quả tiết kiệm điện năng sẽ không được như máy hút ẩm, bạn sẽ phải “cắn răng” thanh toán tiền điện cuối tháng vì lượng điện tiêu thụ là khá lớn.
Cơ chế hút ẩm của máy điều hòa như thế nào?
Hoạt động ở chế độ làm khô không khí của máy điều hòa cũng gần tương tự với máy hút ẩm. Khi bật chế độ này, quạt và các bộ phận bên trong máy vẫn chạy. Tuy nhiên, giàn lạnh sẽ không thổi ra không khí lạnh như chế độ “Cool” bình thường và không khí kèm hơi nước trong phòng đi qua máy điều hòa sẽ được ngưng tụ lại.
Việc bật điều hoà ở chế độ Dry (chế độ hút ẩm) có tác dụng làm khô nhẹ không khí, hạn chế độ ẩm trong nhà, giúp không khí được lưu thông tốt hơn, từ đó bảo đảm sức khỏe cho các thành viên, đặc biệt là trong những ngôi nhà có trẻ nhỏ.
Cách chọn nhiệt độ và chế độ điều hòa phù hợp khi trời nồm
- Bấm vào phần Mode, chọn chế độ Dry (biểu tượng giọt nước).
- Ở chế độ này, chương trình đã cài sẵn máy chạy khoảng 3 đến 5 phút lại nghỉ để tiết kiệm điện.
- Bạn sẽ không cảm thấy lạnh vì ở chế độ này tốc độ gió thổi ra không quá lớn.
Ngoài ra, đối với một số loại điều hòa không có chế độ “dry”, bạn có thể để điều hòa ở chế độ làm lạnh với nhiệt độ 25 – 27 độ C cũng là cách hiệu quả để hút ẩm cho căn phòng. Không nên tăng giảm quá chênh lệch so với nhiệt độ bên ngoài hoặc bật tắt liên tục vì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của máy, đồng thời sẽ khiến chúng ta dễ bị sốc nhiệt.
Nếu được, bạn nên trang bị thêm đồng hồ theo dõi độ ẩm trong phòng. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng chế độ “dry” của điều hòa mà không lo ảnh hưởng sức khỏe nếu độ ẩm cao trên 70%. Trường hợp độ ẩm dưới 60%, bạn không nên sử dụng chế độ này vì có thể làm khô da.