Giải mã tiếng khóc của trẻ sơ sinh khi đi ngoài

Trẻ sơ sinh quấy khóc khi đi ngoài luôn khiến mẹ phải lo lắng, nhất là các chị em lần đầu trong vai trò mới. Vì con còn quá bé nên tiếng khóc là tín hiệu duy nhất để con trao đổi cùng bố mẹ

Trẻ sơ sinh quấy khóc khi đi ngoài có thể do nhiều nguyên nhân như táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, viêm đường tiết niệu. Ba mẹ cần chú ý quan sát các biểu hiện của bé để có hướng xử trí thích hợp.

Nội dung bài viết:

  • Tại sao trẻ quấy khóc khi đi ngoài?
  • 1 số bệnh lý đường tiêu hóa mẹ cần nhận biết
  • Dấu hiệu đi kèm khi con quấy khóc
  • Cách xử lý

Tại sao trẻ sơ sinh quấy khóc khi đi ngoài?

Trẻ sơ sinh quấy khóc khi đi ngoài thường sẽ rất khó dỗ dành. Nếu cha mẹ để ý sẽ thấy rằng, nếu là tiếng khóc hờn thì con chỉ khóc khoảng 3 giờ/ngày sau khi được 6 tuần tuổi và sau đó giảm dần khi con lớn lên. Sau thời gian khóc hờn con sẽ nín và chơi ngoan cả ngày.

Tuy nhiên khi con khóc nhiều hơn bình thường đặc biệt là mỗi khi đi ngoài tức là con đang gặp vấn đề tổn thương bệnh lý nào đó mà phổ biến nhất là bé đang bị đau bụng. Có khoảng 25% trẻ sơ sinh bị đau bụng thường vào giữa tuần thứ 2 và tuần thứ 4 sau khi sinh.

Trẻ sơ sinh quấy khóc khi đi ngoài vì đâu? (Nguồn ảnh: istockphoto)

Ngoài dấu hiệu của bệnh lý mà bé đang mắc phải, cũng có thể bé khóc khi đi ngoài để thể hiện sự khó chịu của mình. Có rất nhiều trẻ sơ sinh không quen với sự ẩm ướt khi đi vệ sinh trong bỉm nên con sẽ khóc ngay lập tức khi đi xong để thông báo cho mẹ biết và thay bỉm mới.

Cũng có bé lại không muốn đi vệ sinh trong bỉm nên khóc để được bỏ bỉm ra và ị tè một cách thoải mái hơn. Nhờ tiếng khóc của các em bé sơ sinh mà mẹ sẽ có thêm kinh nghiệm để kiểm tra các vấn đề vệ sinh của con và quan sát bé nhiều hơn cũng như căn thời gian sinh hoạt để kiểm tra bỉm của bé khi cần.

Bạn có thể chưa biết:

Trẻ sơ sinh đi ngoài 10 lần một ngày có phải là hiện tượng bất thường?

Quấy khóc cảnh báo một số bệnh lý về đường tiêu hóa ở trẻ sơ sinh

Chính vì tiếng khóc là tín hiệu rõ ràng nhất của trẻ về các vấn đề mà con đang gặp phải nên cha mẹ cũng cần nhớ rằng trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa còn non yếu, cấu trúc và chức năng của các bộ phận cơ thể chưa hoàn chỉnh. Nếu trẻ sơ sinh quấy khóc khi đi ngoài, hãy nghĩ ngay đến trường hợp có thể là bé khó tiêu, nóng trong người dẫn đến đi vệ sinh khó khăn khiến cho con có cảm giác khó chịu đến phát khóc. Một số tình trạng bệnh lý liên quan khiến trẻ sơ sinh quấy khóc khi đi ngoài là:

  • Táo bón

Táo bón ở trẻ sơ sinh là một loại rối loạn tiêu hóa thường gặp, biểu hiện bằng việc bé chậm đi ngoài, khoảng 3 – 5 ngày mới đi 1 lần và phân cứng, bón cục. Bé đi ngoài khó khăn, mất thời gian và hay quấy khóc. 

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long cho biết thêm, nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh có thể kể đến là:

  • Nhu động ruột của trẻ còn yếu kém
  • Bé chưa được cho uống đủ nước
  • Chế độ ăn uống của bé thay đổi
  • Trẻ bị dị ứng sữa
  • 1 số loại thuốc cũng có thể gây ra tình trạng này.

Mặc dù vậy, táo bón phổ biến ở trẻ bắt đầu ăn thức ăn đặc hơn. Cách tốt nhất để cải thiện tình trạng này là thay đổi chế độ ăn uống của bé. Nếu tình trạng không được cải thiện thì ba mẹ nên cho trẻ đến gặp bác sĩ.

Táo bón làm bé khó chịu, quấy khóc (Nguồn ảnh: vinmec)

  • Tiêu chảy

Tương tự như táo bón, tiêu chảy là một dạng rối loạn hoặc nhiễm trùng đường tiêu hóa khi trẻ đi ngoài quá nhiều. Phân của trẻ ở dạng lỏng hoặc rất lỏng so với thông thường, thậm chí toàn nước và màu sắc thay đổi, mùi tanh, nghiêm trọng có thể lẫn cả máu trong phân. Do hệ thống miễn dịch còn non yếu nên trẻ sơ sinh rất dễ bị vi khuẩn hoặc virus tấn công qua đường tiêu hóa, gây nhiễm trùng đường ruột dẫn đến tiêu chảy.

  • Đầy hơi

Đầy hơi hay còn gọi là khó tiêu – chướng bụng là hiện tượng ứ hơi trong ruột gây căng chướng bụng khiến cho bé cảm thấy khó chịu và quấy khóc hơn bình thường nhất là khi con muốn đi ngoài. Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện về cấu trúc lẫn chức năng hoặc động tác bú chưa đúng làm trẻ nuốt nhiều hơn, kém dung nạp đường lactose, dị ứng đạm sữa bò là 4 nguyên nhân chính gây ra hiện tượng đầy hơi ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này kéo dài có thể sẽ làm trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng và chậm lớn.

  • Hẹp bao quy đầu

Trẻ sơ sinh quấy khóc khi đi ngoài còn có thể do bé trai bị hẹp bao quy đầu. Khi đi ngoài, bé có thể vừa ị vừa tè nên nếu do phần chít hẹp làm lỗ tiểu của bé nhỏ, bao quy đầu dương vật không thể kéo xuống được, cản trở bài xuất nước tiểu sẽ làm cho các bé trai quấy khóc, khó chịu.

  • Viêm đường tiết niệu

Một bệnh lý khác thường gặp khiến trẻ sơ sinh quấy khóc khi đi ngoài là con bị viêm đường tiết niệu. Không chỉ khóc khi đi tiểu, bé cũng trở nên mệt mỏi, chán ăn, không lên cân và thường xuyên cảm thấy khó chịu.

  • Lồng ruột

Dù tỷ lệ không nhiều nhưng cũng không loại trừ khả năng trẻ sơ sinh bị lồng ruột nên khóc rất dữ dội khi đi ngoài. Trường hợp này sẽ khiến trẻ khóc không dỗ được hay khóc thét lên, tiếng khóc bất thường, ưỡn người, bỏ bú, nôn và đi ngoài ra máu. Đây là 1 biến chứng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh mà cha mẹ cần hết sức lưu ý.

Bạn có thể chưa biết:

Trẻ đi ngoài có chất nhầy và máu cảnh báo bệnh nguy hiểm, bố mẹ không nên chủ quan

Những dấu hiệu đi kèm khi con quấy khóc

Cha mẹ nếu để ý những dấu hiệu bên cạnh quấy khóc sẽ có thể nhận biết tương đối chính xác bệnh lý mà con đang gặp phải.

  • Nếu trẻ bị táo bón, mẹ sẽ thấy mỗi lần đi ngoài của con sẽ rất khó khăn, bé phải rặn và gồng mình. Con cũng sẽ biếng ăn hơn nên số lần đi ngoài ít hơn bình thường so với số lần của một em bé sơ sinh. Con bị đau hậu môn khi đi ngoài nên càng quấy khóc, khó chiu. Phân cứng, vón cục, đi không đẫy chỗ, có mùi khó chịu, thậm chí có máu lẫn trong phân.
  • Khi trẻ tiêu chảy, phân của bé có bọt, tóe nước, có nhầy, máu hoặc mùi tanh. Tiêu chảy khiến con mất nước và có thể sốt, nôn hơn 12 tiếng, khóc không có nước mắt, vật vã, khó chịu vô cùng, thậm chí khóc xong con mệt lả đi.
  • Khi đầy hơi, bụng trẻ sẽ chướng, biếng bú, ợ hơi, dễ nôn trớ và xì hơi, sờ bụng cứng và vỗ lên nghe bồm bộp.
  • Đối với trẻ sơ sinh bị hẹp bao quy đầu hay viêm đường tiết niệu, mỗi khi đi ngoài con sẽ khóc ré lên, mặt đỏ tía tai, nước tiểu có màu đục, mùi hôi, nhìn thấy kẽn bã màu trắng đục ở vùng quy đầu hoặc vòng xơ của bao quy đầu ngay lỗ tiểu.

Xử lý như thế nào nếu trẻ quấy khóc khi đi ngoài?

Khi đã biết được nguyên nhân vì sao trẻ sơ sinh quấy khóc khi đi ngoài, việc đầu tiên là cha mẹ nên bình tĩnh vỗ về con. Sự căng thẳng của người thân cũng có thể khiến bé cảm nhận được và càng khóc to, cha mẹ càng bối rối khiến tình trạng càng trở nên rối loạn hơn. Một số bệnh lý khiến trẻ sơ sinh quấy khóc khi đi ngoài có thể được xử lý ban đầu như sau:

Massage bụng là cách giúp bé thoải mái hơn (Nguồn ảnh: istockphoto)

  • Nếu nghi ngờ con bị đầy hơi, táo bón mẹ hãy thử các biện pháp đơn giản như chườm ấm vùng bụng, đặt bé nằm ngửa, massage bụng sau đó nắm 2 chân con và cho bé cử động như đang đi xe đạp hoặc vuốt lưng giúp bé xì hơi dễ dàng, đẩy hơi thừa ra ngoài sẽ giảm tình trạng quấy khóc.
  • Điều chỉnh đúng tư thế cho con bú mẹ hoặc bú bình để bé không nuốt không khí quá nhiều và vỗ ợ hơi cho bé.
  • Cho con tắm hoặc ngâm hậu môn trong nước ấm để tuần hoàn máu lưu thông tốt hơn giúp con dễ chịu.
  • Bế bé trên tay hoặc địu ở phía trước và di chuyển nhẹ nhàng để xoa dịu cơn đau. Cũng có thể cho bé nằm sấp trên đầu gội một lát và xoa lưng nhẹ nhàng. Chuyển động và tiếp xúc cơ thể nhẹ nhàng sẽ trấn an bé ngay cả khi cơn đau còn dai dẳng và bé vẫn khóc rên rỉ.
  • Mẹ chú ý đến thành phần sữa nếu con bú sữa ngoài cũng như điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, bổ sung trái cây, rau xanh sẽ tốt hơn cho hệ tiêu hóa của bé.

Lời kết

Đi ngoài là một quá trình có sự phối hợp của nhiều cơ quan cùng một lúc như co thắt cơ bụng, co bóp của đại tràng, mở cơ vòng hậu môn. Ở trẻ sơ sinh, sự phối hợp này đôi khi diễn ra chưa ăn ý, nhuần nhuyễn nên làm bé bị đau, quấy khóc. Khi bé càng lớn, hiện tượng này càng giảm và khỏi hẳn. Nếu bé vẫn ăn ngoan, ngủ yên và phát triển bình thường, cha mẹ có thể yên tâm.

Tuy nhiên, trong các trường hợp bệnh lý trở nên nghiêm trọng và bé bị hẹp bao quy đầu hay viêm đường tiết niệu, hãy nhanh chóng đưa bé đến thăm khám tại các cơ sở ý tế để được bác sĩ tư vấn và can thiệp kịp thời. Riêng trường hợp trẻ sơ sinh bị lồng ruột cần đưa con đi cấp cứu ngay. Cha mẹ hãy nhận biết đúng tín hiệu quấy khóc của trẻ sơ sinh khi đi ngoài để chăm sóc và bảo vệ con an toàn và mạnh khỏe nhé!

Nguồn tham khảo: Nhận biết cơn đau bụng ở trẻ sơ sinh - Vinmec

Xem thêm

Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

ZinVi