Sự phát triển của trẻ gắn liền với chất lượng giấc ngủ. Giấc ngủ sâu mang lại nhiều lợi ích cho hệ thần kinh và cảm xúc từ những tuần đầu tiên chào đời. Ngược lại, giấc ngủ không tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Vậy cha mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc?
Nhu cầu ngủ của trẻ sơ sinh
Thông thường, trẻ từ lúc mới sinh cho đến 1 tháng tuổi ngủ gần như cả ngày, chỉ thức dậy khi bú mà thôi. Trong khoảng 4 đến 6 tuần đầu tiên, bé sẽ chưa thể phân biệt được giấc ngủ ban đêm với ban ngày. Sau khoảng thời gian này, giấc ngủ ban đêm của bé sẽ dài hơn và bé sẽ thức nhiều hơn vào ban ngày.
Khi trẻ lớn hơn một chút, ở giai đoạn từ 3 tháng tuổi bé sẽ ngủ ngoan gần như cả đêm.
Cụ thể, nhu cầu ngủ của bé sơ sinh như sau:
- Từ khi sinh ra tới khi được 4 tuần tuổi, bé cần ngủ tối thiểu 8 tiếng ban ngày (chia làm 3 giấc) và khoảng 8 tiếng rưỡi mỗi đêm.
- 1 tháng tuổi: 6-7 tiếng ban ngày (chia làm 3 giấc) và khoảng 8-9 tiếng vào ban đêm.
- 3 tháng tuổi: bé cần ngủ 4-5 tiếng ban ngày (3 giấc) và khoảng 10-11 tiếng ban đêm.
- 6 tháng tuổi: ban ngày 3 giấc ngủ ngắn mỗi giấc khoảng 1 tiếng đồng hồ, ban đêm bé cần ngủ khoảng 11 tiếng.
- 9 tháng tuổi: Ban ngày bé sẽ ngủ khoảng 2 giấc ngủ ngắn với tổng thời gian khoảng 2 tiếng rưỡi trong khi vẫn duy trì nhu cầu ngủ 11 tiếng mỗi đêm.
- Bé 1 tuổi: Nhu cầu ngủ của bé sẽ giống bé 9 tháng tuổi, 2 tiếng rưỡi ban ngày với 2 giấc ngủ ngắn và khoảng 11 tiếng ban đêm.
Các giai đoạn trong giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Giống như người lớn, giấc ngủ của trẻ sơ sinh cũng được chia làm 2 chu kỳ: Giấc ngủ chậm (NREM- Non Rapid Eye Movement) và giấc ngủ nhanh (REM- Rapid Eye Movement)
Giấc ngủ chậm: Chu kỳ của giấc ngủ chậm được chia làm 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1 – buồn ngủ: Chỉ kéo dài khoảng 5-10 phút, bé buồn ngủ, mí mắt sụp xuống hoặc chớp liên tục, ngủ gà ngủ gật. Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa ngủ và thức nên giấc ngủ tương đối nông.
Giai đoan 2 – lơ mơ: Kéo dài khoảng 20 phút, nhiêt độ cơ thể bắt đầu giảm trong khi nhịp tim dần chậm lại. Bé vẫn có một số cử động, vặn mình hoặc giật mình.
Giai đoạn 3 – ngủ sâu: Bé nằm im lặng và không cử động. Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa giấc ngủ nông và giấc ngủ sâu.
Giai đoạn 4 – ngủ rất sâu: Đây là giai đoạn bé ngủ ngon nhất. Thường sẽ có ít hoặc thậm chí không có phản ứng với tiếng động bên ngoài.
Giấc ngủ nhanh
Xảy ra ngay sau khi kết thúc giấc ngủ chậm, là giai đoạn của giấc ngủ khi não hoạt động tích cực và xuất hiện giấc mơ, giấc ngủ của bé thường nông, bé ngủ không sâu, nằm mơ và mắt cử động nhanh.
Một giấc ngủ của bé có thể xảy ra vài chu kỳ ngủ trên.
Vì sao trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc?
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc, trong đó có thể kể đến những nguyên nhân chính sau:
Bé bị đói hoặc ăn quá no
Dạ dày của bé rất nhỏ nên thường không chứa được nhiều thức ăn và nhanh cảm thấy đói. Nhưng không phải vì suy nghĩ đó mà mẹ cho bé ăn quá no. Quá đói hay quá no đều ảnh hưởng đến bé, khiến bé cảm thấy khó chịu và bí bách dẫn đến việc ngủ không sâu giấc.
Tiếng ồn
Tiếng ồn là nguyên nhân quen thuộc ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. Khi còn trong bụng mẹ, được che chở nên bé không phải tiếp xúc với những tiếng ồn khó chịu. Khi ra ngoài, bé có thể dễ dàng bị đánh thức bởi các loại tiếng ồn. Đặc biệt, trong không gian tĩnh lặng vào ban đêm thì chỉ cần tiếng động nhẹ hoặc âm thanh phát ra từ điện thoại, ti vi… cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc.
Phòng ngủ không phù hợp
Giấc ngủ của bé có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các điều kiện ánh sáng hay vệ sinh không phù hợp. Đèn quá sáng hoặc quá tối hay chiếc tã bị ẩm ướt sẽ khiến bé không thể ngủ sâu giấc.
Trẻ cảm thấy không an toàn
Vốn đã quen trong môi trường an toàn trong bụng mẹ, nay bé phải ở trong một môi trường hoàn toàn xa lạ khiến cho bé cảm thấy bất an. Điều này sẽ làm bé cảm thấy khó thích nghi và khó ngủ.
Các biện pháp giúp trẻ ngủ ngon hơn
Khi thấy bé ngủ không sâu thì cha mẹ cần áp dụng các biện pháp sau để đảm bảo chất lượng giấc ngủ cho bé:
- Cho bé ăn đủ no trước khi đi ngủ.
- Tạo không khí bình yên để trẻ có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ.
- Đảm bảo không gian nơi bé ngủ thoáng mát, độ sáng vừa phải.
- Giường ngủ của bé có chăn và gối thật êm.
- Tạo thói quen ngủ đúng giờ cho bé.
- Dạy bé phân biệt giữa ngày và đêm bằng cách cho bé chơi và thức nhiều hơn vào ban ngày.
- Trước khi bé ngủ, đặt bé lên giường hoặc cũi để bé dần quen đó là môi trường ngủ của bé.
- Không nhìn sâu vào mắt trẻ đang còn thức khiến bé hiểu lầm đây là thời điểm vui chơi của bé.
- Hát ru hoặc mở nhạc nhẹ nhàng cho bé nghe. Dần dần, những âm thanh nhẹ nhàng quen thuộc này sẽ trở thành công cụ đưa bé vào giấc ngủ nhanh chóng.
- Có thể mở nhạc nhẹ nhàng trong suốt giấc ngủ của bé. Các chuyên gia nói rằng cho bé nghe nhạc lúc ngủ không chỉ giúp bé ngủ ngon hơn mà còn giúp bé kích thích khả năng ngôn ngữ hiệu quả.
- Đảm bảo tã của bé trước khi bé ngủ không bị ướt.
- Bổ sung vitamin D đầy đủ cho bé thông qua nguồn sữa mẹ.
Theo: The Asianparent Việt Nam
Xem thêm các bài viết khác:
- Mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh ngủ ít khiến con hay cáu gắt, chậm phát triển?
- Trẻ sơ sinh ngủ ngáy, thở khò khè có nguy hiểm không?
- Trẻ sơ sinh ngủ cùng bố mẹ – Nên hay không nên? Có lợi hay có hại?