Mẹ đừng hoảng hốt khi thấy bé sơ sinh có hiện tượng bất thường này

Trẻ sơ sinh chảy sữa đầu ti sau những ngày đầu tiên chào đời khiến không ít bố mẹ lo sợ. Hiện tượng này có phải là điều bất thường?

Đầu ti con có sữa khiến nhiều mẹ sợ hãi

Hiện tượng trẻ sơ sinh chảy sữa đầu ti thường gặp ở trẻ sơ sinh trong tuần lễ đầu tiên, nhưng ít khi gặp ở trẻ đẻ thiếu tháng. Đúng là vài ngày sau đẻ, ở cả bé trai và bé gái, thường thấy hai vú bị cương, nếu nắn sẽ thấy chảy ra một ít “sữa non”. Ở bé gái, có thể còn thấy sưng âm hộ và một ít chất nhày trắng ở cửa mình tựa khí hư ở người lớn. Cũng xin nói luôn là, chất nhày trắng đó không phải do nhiễm khuẩn mà là chất dịch do các tuyến ở âm đạo, âm hộ tiết ra.

Căn nguyên của những hiện tượng trên là tác động của một số chất nội tiết như folliculin và prolactin mà người mẹ đã truyền sang cho con qua rau thai từ ít ngày trước khi chuyển dạ. Chính chất folliculin đã làm cương vú và xung huyết niêm mạc tử cung, gây ra hiện tượng “hành kinh” giả; còn chất prolactin – một hoóc môn của tuyến yên, đã kích thích tuyến vú bài tiết sữa.

Những hiện tượng nói trên chỉ tồn tại trong vòng một tuần lễ sau đẻ. Khi các hoóc môn được đào thải hết thì những hiện tượng nói trên cũng mất mà không cần phải điều trị. Bạn chỉ cần nhắc các bà mẹ năng vệ sinh cho bé, nhất là vùng âm hộ, và cũng đừng nắn bóp cho sữa chảy ra để tránh bị nhiễm khuẩn.

Trẻ sơ sinh chảy sữa đầu ti có phải là hiện tượng bất bình thường?

Theo các bác sĩ nhi khoa cho biết, đây là tình trạng có thể xảy ra với bé sơ sinh từ 2-3 ngày tuổi trở đi. Hiện tượng này xuất hiện ở cả bé trai và bé gái.

Điều này hoàn toàn bình thường với trẻ sơ sinh. Chúng sẽ tự biến mất trong vòng 1-2 tuần.

Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do nội tiết giới tính (hoóc môn Prolactin và Growth Hormone – hoóc môn tăng trưởng) trẻ được tiếp nhận từ người mẹ thông qua dây rốn.

Vì vậy nếu các mẹ thấy bé gái có một chút máu hồng ở âm đạo hay vùng ti của con hơi sưng và chảy sữa thì không cần phải quá lo lắng cũng như tìm cách chữa trị.

Trẻ sơ sinh chảy sữa đầu ti

Nặn sữa ở đầu ti bé gái là hoàn toàn sai lầm

Chia sẻ về vấn đề này, Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung cho biết: “Các mẹ không nên nặn sữa ở đầu ti cho con mà chỉ cần bôi một ít kem, các vẩy sẽ bong ra. Quan niệm nặn sữa ở đầu ti bé gái để sau này lớn lên sẽ có bộ ngực đẹp là hoàn toàn sai lầm. Khi cố tình can thiệp vào đầu ti bé gái khi vừa mới sinh có thể sẽ gây viêm, tổn thương cho các bé”.

Bác sĩ cho biết thêm, sở dĩ các bé có hiện tượng này là do tác dụng nhất thời của một số nội tiết từ máu người mẹ hoặc nhau thai truyền sang trẻ làm cương tuyến vú và bộ phận sinh dục. Đó là hiện tượng sinh lý bình thường, sau vài ngày hiện tượng này sẽ biến mất. Trẻ lớn lên có bộ ngực đẹp hay xấu là do cấu tạo của cơ thể, hoàn toàn không phải do việc nặn đầu vú quyết định.

Mẹ cần lưu ý cách chăm sóc khi trẻ sơ sinh chảy sữa đầu ti

Nội tiết tố mà bé nhận từ mẹ thông qua dây rốn sẽ kích thích tuyến sữa của trẻ làm việc. Sau một thời gian, khi mức độ nội tiết giảm dần thì vùng đầu ti của trẻ cũng sẽ xẹp xuống như bình thường mà không cần phải bôi hay uống thuốc gì.

Do đó, nếu thấy trẻ sơ sinh có hiện tượng này thì mẹ chỉ cần chú ý rằng:

Tuyệt đối không nặn, bóp đầu ti con để lấy sữa ra. Điều này có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng (một số ít trường hợp đã phải phẫu thuật vì mẹ cố nặn).

Không sử dụng các loại lá thảo dược hơ nóng đắp lên đầu ti con vì có thể khiến trẻ bị bỏng hoặc dị ứng.

Nếu trẻ có triệu chứng sốt kèm theo thì mẹ cần đưa bé đi khám càng sớm càng tốt.

Chăm sóc trẻ sơ sinh đòi hỏi mẹ phải có kiến thức khoa học vững vàng. Các quan niệm dân gian cần được xem xét kĩ lưỡng để tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là trường hợp nặn sữa từ đầu ti của bé sơ sinh.

Theo The Asianparent Thái Lan 

Xem thêm

Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

Minh Hương