Những dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy có thể nhận biết rõ rệt thông qua số lần con đi ngoài, hình dạng và màu sắc, mùi phân của trẻ.
Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy – Những dấu hiệu ba mẹ chớ coi thường
Theo thống kê của WHO cho thấy, tiêu chảy được xem là nguyên nhân gây ra tử vong ở trẻ sơ sinh đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp. Chính vì vậy hiểu rõ tình trạng bệnh và biết được chính xác khi nào con đang bị tiêu chảy là một trong những kĩ năng ba mẹ cần nắm vững trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh.
Thông thường số lần đi ngoài của trẻ sẽ thay đổi theo từng tháng tuổi. Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi có thể đi ngoài từ 4-8 lần mỗi ngày là hoàn toàn bình thường. Còn với những trẻ trên 6 tháng sẽ đi ngoài 2 – 3 lần/ngày cũng là điều hết sức bình thường.
Tuy nhiên, nếu thấy con có các dấu hiệu bất thường như dưới đây thì ba mẹ cần hết sức để tâm vì rất có thể bé đang bị tiêu chảy:
- Trẻ sơ sinh đi ngoài nhiều với tần suất nhiều hơn so với mọi khi.
- Phân của trẻ ở dạng lỏng hơn hoặc rất lỏng, loãng, thậm chí chỉ toàn nước và màu sắc thay đổi, mùi tanh hoặc nhợn hơn.
- Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy nặng do nhiễm trùng đường tiêu hóa thì phân còn có thể lẫn cả máu. Kèm theo đó trẻ có biểu hiện khó chịu, hay quấy khóc, bú kém, có thể sốt hoặc không, nôn ói.
Cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy dành cho ba mẹ
Ngay khi xác định được rằng trẻ sơ sinh có dấu hiệu bị tiêu chảy thì ba mẹ nên đưa bé đi khám ngay ở các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị chứ đừng tự tiện cho trẻ uống thuốc mà nguy hiểm đến sức khỏe của con.
PGS.TS.BS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, sau khi đã được khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, ba mẹ cần chăm sóc bé theo các bước sau:
Đầu tiên để tránh mất nước, mẹ cần cho bé bú nhiều hơn để bù vào lượng nước đã mất.
– Uống thêm khoảng 50-100ml nước Oresol sau mỗi lần đi ngoài theo chỉ định của bác sĩ.
– Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi cho bé bú và sau khi thay tã.
Bí quyết chăm sóc bé để phòng tránh tiêu chảy một cách tốt nhất trong năm đầu đời
Trong năm đầu đời, hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của trẻ còn rất non nớt. Cách chăm sóc con khoa học, đảm bảo an toàn vệ sinh chính là yếu tố quan trọng để giúp bé sơ sinh có thể phòng tránh được bệnh tật, đặc biệt là bệnh tiêu chảy.
Tuân thủ nghiêm ngặt các cách dưới đây sẽ giúp ba mẹ ngừa tiêu chảy cho con một cách hiệu quả như:
– Đảm bảo con được bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời.
– Cung cấp cho bé một chế độ dinh dưỡng hợp lý theo từng tháng tuổi.
– Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm trước khi đụng vào trẻ.
– Luôn luôn vệ sinh bình bú, dụng cụ ăn uống , đồ chơi của bé sạch sẽ.
– Nếu bé đang trong giai đoạn thích mút tay thì cần thường xuyên vệ sinh tay cho con.
Khi nào cần phải đi khám bác sỹ?
Bố mẹ cần đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất nếu trẻ có những dấu hiệu:
- Trẻ đi tiêu chảy quá 3 ngày, nghi ngờ tả.
- Nôn ói nhiều.
- Đau bụng hoặc quấy khóc nhiều.
- Các triệu chứng mất nước.
- Sốt cao liên tục trên 38,5 độ C.
- Tiêu đàm máu.
Tiêu chảy là một trong những căn bệnh không khó chữa nhưng lại có diễn tiến bệnh nhanh và nguy hiểm. Chính vì vậy ba mẹ cần hiểu rõ các dấu hiệu như trên cũng như cách phòng tránh để đảm bảo bé yêu luôn được khỏe mạnh.
Xem thêm:
- Trẻ bị đi kiết khác gì với trẻ bị tiêu chảy và lời khuyên hữu ích cho bố mẹ
- Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị tiêu chảy tốt nhất dành cho ba mẹ
- Dấu hiệu trẻ bị rối loạn tiêu hóa – 4 biểu hiện ba mẹ chớ bỏ qua