Trẻ sơ sinh bị sôi bụng và đi ngoài có bọt khiến mẹ lo lắng và rối bời. Tình trạng này là gì và mẹ có thể xử lý như thế nào để bớt sốt ruột? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Hiện tượng trẻ bị sôi bụng
Khi trẻ sơ sinh bú và tiếp thụ thức ăn, ruột non và ruột già sẽ liên tục phải hoạt động để tiêu hoá và đào thải chất bẩn nên sẽ tạo ra những tiếng ồn ùng ục trong bụng trẻ. Tiếng động này được gọi là tiếng sôi bụng.
Thêm vào đó, ruột của bé có khá nhiều những nếp gấp nên một phần lớn lượng khí sẽ bị giữ lại cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị sôi bụng.
Đây là hiện tượng khá phổ biến, nhưng nếu kéo dài và khí trong ruột bị giữ lại nhiều sẽ khiến trẻ khó chịu và quấy khóc.
Tình trạng bé đi ngoài có bọt
Những tháng đầu tiên của cuộc đời, bé thường đi ngoài sau mỗi cử bú và thường từ 5-10 lần trong ngày. Tuỳ vào chế độ dinh dưỡng thì phân của bé sẽ khác nhau.
Với trẻ bú sữa mẹ thì phân màu vàng sáng, vàng tươi, có kết cấu lỏng. Một số trẻ có thể thải ra phân hơi sần hoặc vón cục. Còn trẻ có bú sữa công thức thì phân có màu vàng nâu hoặc nhạt, không sáng như phân của trẻ bú sữa mẹ và có mùi hơi nồng. Một điểm chung là phân bình thường sẽ không có bọt.
Nếu trẻ sơ sinh bị sôi bụng và đi ngoài có bọt thì là dấu hiệu hệ tiêu hoá của bé đang có tý “trục trặc”. Mẹ nên quan tâm và theo dõi thêm bé.
Các trường hợp khi trẻ sơ sinh bị sôi bụng và đi ngoài có bọt
Trẻ sơ sinh bị sôi bụng và đi ngoài có bọt nhưng vẫn sinh hoạt bình thường
Mẹ chắc hẳn sẽ rất lo lắng khi phát hiện con bị sôi bụng và đi ngoài có bọt. Nhưng nếu trẻ vẫn bú mẹ và ngủ ngon bình thường, vẫn tăng cân đều thì hoàn toàn bình thường và không có gì đáng ngại.
Điều duy nhất mẹ nên làm là lưu ý quan sát trẻ hơn cũng như thay đổi chế độ ăn của mẹ (nuôi con bằng sữa mẹ) để giúp bé thoát khỏi tình trạng này.
Khi bé quấy khóc nhiều
Nếu ngoài dấu hiệu sôi bụng và đi ngoài có bọt mà còn kèm theo những triệu chứng như quấy khóc, bỏ hay bú ít, chậm hay không lên cân; thì có khả năng trẻ sơ sinh bị:
- Nhiễm trùng đường ruột
- Dị ứng sữa ngoài và các chế phẩm từ sữa
- Có hội chứng kém hấp thu
- Ảnh hưởng bởi thuốc xổ hay các loại thức ăn nhuận tràng mà mẹ tiêu thụ
- Lạnh bụng
Biện pháp xử lý trường hợp này là mẹ hãy đưa bé đến cơ sở y tế hay bệnh viện để được bác sĩ điều trị. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc cho trẻ sơ sinh uống.
Trẻ sôi bụng, đi ngoài có bọt và chất nhầy
Như phân tích ở trên, phân bình thường của trẻ sơ sinh không có chất nhầy. Vì thế, nếu bé sôi bụng, đi ngoài có bọt và xuất hiện chất nhầy thì có thể có những trường hợp sau:
- Phân ít, có màu xanh sẫm và chất nhầy. Ở trường hợp này bé hay khóc trước và sau khi bú. Để giải quyết, mẹ hãy cho trẻ bú đủ sữa, hay tăng lượng sữa để bé bú no và đủ.
- Bé đi ngoài phân cứng, có nhầy, và thậm chí có cả máu. Lúc này là bé bị táo bón.
- Phân bé như bã đậu, màu xanh có kèm chất nhầy. Lúc này mẹ nên đưa bé đến bệnh viện vì nguy cơ bị viêm nhiễm ở đường ruột cao.
Những cách khắc phục tình trạng bé sôi bụng và đi ngoài có bọt
Hầu hết những trường hợp này đều bình thường và không cần quá lo lắng. Dưới đây là những cách mẹ có thể áp dụng để cải thiện tình trạng này.
Thay đổi chế độ dinh dưỡng của mẹ
Đây là biện pháp khi bé bú hoàn toàn hay có bú sữa mẹ. Vì chế độ dinh dưỡng của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con. Hãy bổ sung nhiều loại thực phẩm tốt cho sức khoẻ và tiêu hoá. Đồng thời loại bỏ các thức ăn dầu mỡ, chiên xào có hại cho sức khoẻ.
Đổi sữa công thức cho bé
Nếu bé bú sữa công thức thì mẹ có thể đổi loại sữa khác. Mẹ có thể chọn các loại sữa không có lactose để bé dễ tiêu hóa.
Cho bé bú nhiều
Điều quan trọng khi trẻ sơ sinh bị sôi bụng và đi ngoài có bọt thì mẹ phải bổ sung thêm nước cho con. Tức là hãy cho bé bú đủ và no.
Bé mới chào đời sẽ có nhiều thay đổi trong nếp sinh hoạt và nhiều tình trạng khiến mẹ bối rối. Mẹ hãy luôn nhớ đến theAsianparent và sau đó tham vấn ý kiến chuyên môn khi cần để nuôi bé tốt khoẻ nhé.
Xem thêm:
- Trẻ sơ sinh hay lè lưỡi có phải là biểu hiện của bệnh Down?
- Bé hay gồng cứng người – Trẻ bị vấn đề gì và mẹ nên làm thế nào?
- Đồ chơi cho trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi: Ba mẹ cần lưu ý điều gì?