Trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều là tình trạng mà hầu như bé nào cũng từng gặp phải, nhiều mẹ sinh con lần đầu hẳn không khỏi lo lắng và đau đầu tìm cách xử lý. Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu về hiện tượng này nhé.
Giải thích về chứng ọc sữa ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị ọc sữa là tình trạng thường gặp ở các bé dưới 1 tuổi. Khi bé hay bị ọc sữa, thậm chí ọc lên mũi thì cũng đừng quá lo lắng vì theo các bác sĩ, đa số bé sơ sinh gặp hiện tượng này vẫn phát triển khỏe mạnh mà không gặp bất kỳ vấn đề nào.
Bé sơ sinh có hệ tiêu hóa còn khá non yếu, van trong dạ dày hoạt động chưa đồng bộ nên bé dễ nuốt hơi vào dạ dày. Lượng hơi dư thừa không chỉ làm bé dễ no và ợ hơi mà còn khiến bé bị ọc sữa.
Ọc sữa không phải là vấn đề quá nghiêm trọng và sẽ dần hết khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên nếu trẻ thường xuyên ọc sữa, nôn trớ trong thời gian kéo dài thì mẹ nên cho bé đi khám để xác định nguyên nhân.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều
Nhìn chung, có thể tạm chia làm 2 nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh hay bị ọc sữa là do sinh lý và nguyên nhân bệnh lý:
Trẻ bị ọc sữa do sinh lý
Đây là hiện tượng thường thấy ở khoảng 60% các bé nhỏ khỏe mạnh. Bé hay bị ọc sữa vẫn vui vẻ, phát triển thể chất và tinh thần hoàn toàn bình thường.
Hiện tượng trẻ sơ sinh bị ọc sữa lên mũi là do các cơ quan của bé chưa hoàn toàn trưởng thành. Khi mới chào đời, dạ dày của bé vẫn còn nằm ngang, cơ thắt dưới thực quản thường xuyên mở, thể tích dạ dày nhỏ… Vì vậy, trẻ sơ sinh hay bị ọc sữa mỗi khi bé ho, vặn mình hoặc bú quá no.
Bé sẽ tự động hết hiện tượng ọc sữa khi được 6 – 12 tháng. Nếu như bé nào thường xuyên ọc sữa đến sau 18 tháng thì cha mẹ cần theo dõi vì rất có thể đó là do yếu tố bệnh lý chứ không phải sinh lý nữa.
Trẻ bị ọc sữa do bệnh lý
- Trẻ bị lồng ruột: Bé ọc sữa nhiều kèm theo hay khóc thét từng cơn dữ dội, da tái xanh. Đây là hiện tượng gặp nhiều nhất ở trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi
- Bé bị hẹp môn vị phì đại: Lúc mới bị bé ọc ít, càng về sau càng nhiều và ọc hết toàn bộ số sữa đã bú vào. Bé chỉ ọc hết số sữa mới bú chứ không lẫn mật xanh vàng hay máu. 1 biểu hiện khác là trẻ bị sụt cân, táo bón và đặc biệt rất háo bú
- Trẻ bị thiếu canxi: Biểu hiện là trẻ sơ sinh bị ọc sữa lên mũi kèm theo vặn mình, giật mình hay co giật, quấy khóc nhiều vào ban đêm
- Trẻ có cơ địa dị ứng: Điều này gây tăng tiết và ứ đọng đờm ở vùng vòm họng gây triệu chứng khò khè, làm bé bị ngạt mũi, khô niêm mạc vùng họng nên dễ bị kích thích phản xạ nôn khiến bé bị ọc sữa
- Trào ngược dạ dày thực quản cũng là yếu tố làm trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều.
Nếu con có 1 trong các biểu hiện trên thì mẹ nên kịp thời đưa con đến bác sĩ điều trị.
Biện pháp xử lý tức thời khi trẻ sơ sinh hay bị ọc sữa
Khi trẻ sơ sinh bị ọc sữa lên lên mũi, các mẹ có thể xử lý theo các bước dưới đây:
- Bước 1: Cho bé ngồi thẳng để tránh bị nôn trớ. Nếu bé bị ho thì có nghĩa là đường hô hấp chỉ bị tắc 1 phần. Các mẹ dùng khăn mềm lau sạch sữa ở mũi của bé, đợi một lúc rồi mới cho bé bú tiếp
- Bước 2: Nếu trẻ thở khó khăn, mặt mũi tím tái thì các mẹ cần hút sữa khỏi miệng và mũi của con để làm thông đường thở cho bé. Đồng thời đưa con đến cơ sở y tế ngay lập tức
- Bước 3: Mẹ hãy đặt con nằm úp lên cánh tay, đầu cúi xuống đất nếu bé vẫn khó thở. Sau đó vỗ nhẹ 5 cái liên tiếp vào lưng bé rồi lật bé lại để xem đường thở đã thông thoáng và bé đã trở lại bình thường chưa
- Bước 4: Nếu bé vẫn chưa thể thở bình thường, các mẹ cần lập tức thực hiện hô hấp nhân tạo cho bé.
Một số biện pháp khắc phục tình trạng ọc sữa
- Nên cho trẻ bú mẹ trực tiếp. Thời gian bé bú mẹ trực tiếp vừa đủ để dạ dày trẻ giãn ra đúng mức để chứa lượng sữa bú vào. Sữa trong vú mẹ chỉ chảy khi trẻ có tác động mút vú nên trẻ sẽ dễ dàng nuốt sữa hơn và ít bị rối loạn động thực quản. Bên cạnh đó, khi mẹ vắt sữa ra bình thì sữa có thể bị giảm dinh dưỡng và nhiễm trùng
- Chia liều lượng nhỏ khi cho trẻ ăn: Liều lượng sữa được chia nhỏ sẽ giúp hệ tiêu hóa của bé làm việc dễ dàng và nhanh chóng hơn, khắc phục tình trạng trẻ bị ọc sữa
- Giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng khi ăn: nguyên tắc cơ bản là cần giữ dạ dày của trẻ hướng xuống, đặt bé ngồi trên đùi và đầu dựa vào ngực mẹ khi bé ăn
- Bổ sung canxi, vitamin D cho bé: ọc sữa đi kèm vặn mình, khó ngủ mỗi đêm có thể là dấu hiệu cho thấy bé không có đủ lượng canxi cần thiết và các mẹ cần bổ sung canxi đầy đủ và hợp lý cho bé
- Tránh xa khói thuốc lá: khói thuốc kích thích dạ dày tiết acid dịch vị và làm chứng nôn trớ ở trẻ ngày càng trầm trọng hơn
- Điều chỉnh tư thế ngủ của bé: nâng đầu của bé lên cao một góc 30 độ để giúp thực phẩm trong dạ dày không trào ngược lên trong lúc bé ngủ cũng như giúp bé ngủ ngon hơn
- Có thể kết hợp massage bụng trẻ trước mỗi bữa ăn.
Lời kết
Bài viết trên đã cung cấp một số thông tin cho các mẹ về hiện tượng trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều. Các mẹ có thể áp dụng và giữ cho con tình trạng sức khỏe tốt nhất.
Xem thêm:
- Làm gì để cải thiện tình trạng bé bú bình hay ọc sữa?
- Trẻ sơ sinh bị ọc sữa mẹ cần làm gì? Có nên cho trẻ bú lại không?
- Làm thế nào để hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh bị ọc sữa?