Trong 2 năm đầu sau kỳ hành kinh đầu tiên, bạn gái sẽ thường xuyên gặp tình trạng trễ kinh ở tuổi dậy thì. Điều này có ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe sinh sản của bạn hay không? Cách nào để “điều tiết” chu kỳ hiệu quả nhất?
Hiện tượng trễ kinh ở tuổi dậy thì
Cách tính chu kỳ kinh nguyệt
Kinh nguyệt thường “ghé thăm” khi bạn gái ở khoảng 10 đến 16 tuổi. Đây là lần hành kinh đầu tiên (menarche). Mỗi tháng bạn gái sẽ bị hành kinh một lần, gọi là chu kỳ kinh nguyệt.
Một chu kỳ kinh nguyệt sẽ được tính từ khi ngày đầu tiên của chu kỳ này đến ngày đầu tiên của chu kỳ kế tiếp. Thông thường, một chu kỳ trung bình kéo dài 28 ngày. Đôi khi, chu kỳ có thể chênh lệch, kéo dài từ 24 đến 34 ngày.
Một chu kỳ kinh nguyệt gồm 2 giai đoạn:
- Chu kỳ buồng trứng: Tuyến yên sẽ ra lệnh cho buồng trứng chuẩn bị xuất ra một trong số trứng đang có. Đây là trứng sẽ phát triển toàn diện. Song song đó, vành dạ con sẽ dày lên để làm tổ cho trứng được thụ tinh nếu bạn gái đó có thai. Kế tiếp, khoảng ngày thứ 14, trứng sẽ rời ra. Hiện tượng này gọi là việc rụng trứng. Trứng sẽ đi xuống ống dẫn trứng rồi vào tử cung. Trong trường hợp không được thụ tinh bởi tinh trùng, trứng sẽ rơi xuống.
- Chu kỳ tử cung: Khoảng 2 tuần sau, mô ngoài thành tử cung và trứng ra khỏi cơ thể khi kinh nguyệt diễn ra. Toàn bộ quá trình này sẽ lặp đi lặp lại. Vì đặc điểm này, chúng ta gọi đó là chu kỳ.
Tuy nhiên, cơ thể người không phải là một cỗ máy. Do đó, chu kỳ có thể diễn ra không đều đặn dẫn đến hiện tượng trễ kinh ở tuổi dậy thì.
Nguyên nhân khiến trễ kinh ở tuổi dậy thì
Ảnh hưởng của quá trình dậy thì
Khoảng 70% bạn gái bị trễ kinh ở tuổi dậy thì. Thời gian trễ thường khoảng 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, …Phụ nữ trưởng thành thường có số ngày hành kinh từ 3-5 ngày. Bạn gái tuổi dậy thì có ngày hành kinh khá chênh lệch, dao động từ 3-7 ngày. Lượng máu kinh cũng không đều.
Những tín hiệu đi từ não đến buồng trứng cần có thời gian luyện tập mỗi tháng một lần để tạo thành thói quen. Giai đoạn luyện tập này có thể kéo dài đến vài năm. Do đó, bạn đừng quá lo lắng vì lúc này, cơ quan sinh dục chưa có tính ổn định dẫn đến hiện tượng trễ kinh.
Tính sai chu kỳ
Thông thường, ngày đầu tiên của chu kỳ này cách ngày đầu tiên của chu kỳ kia từ 21 – 40 ngày. Đôi khi bạn tính sai chu kỳ hoặc theo dõi sai cách nên lầm tưởng mình bị trễ kinh.
Thiếu cân
Một phần của não sẽ tác động trực tiếp đến việc điều chỉnh chu kỳ. Nếu bạn thiếu cân trầm trọng, hoặc ăn uống không đủ calories, não sẽ cho rằng bạn đang đói, suy nhược, không nên sinh sản. Điều này dẫn đến việc trễ kinh hoặc kinh nguyệt không đều.
Dấu hiệu các bệnh phụ khoa nguy hiểm
Viêm lộ tuyến cổ tử cung, u xơ tử cung, viêm âm đạo, viêm phần phụ, viêm tiểu khung,… có thể khiến bạn trễ kinh. Các bệnh này nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn tới vô sinh hiếm muộn.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Đây là rối loạn gây ra do buồng trứng không thể sản xuất các hormone theo đúng tỉ lệ bình thường. Những dấu hiệu đi kèm ngầm báo với bạn về hội chứng này sẽ là tăng cân, da nhờn hoặc mụn trứng cá, trầm cảm hoặc thay đổi tâm trạng. Ngoài ra, khi có dấu hiệu bất thường về kinh nguyệt, bạn nên báo bác sĩ để kịp thời khắc phục.
Mang thai
Trễ kinh là dấu hiệu dự báo khá chính xác bạn đã mang thai. Nhanh chóng mua que thử thai hoặc đến bệnh viện kiểm tra nếu trước đó bạn đã “vượt rào” nhé!
Nguyên nhân khác
Tác dụng của thuốc, vận động quá sức, stress, bệnh, rối loạn hóc môn, … cũng có thể khiến bạn gái trễ kinh ở tuổi dậy thì.
Hạn chế trễ kinh ở tuổi dậy thì như thế nào?
Ăn uống khoa học
Cơ thể tuổi dậy thì cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất để phát triển toàn diện. Bạn gái nên xây dựng một chế độ dinh dưỡng đủ chất. Đừng quên tăng cường bổ sung rau củ quả để cung cấp vitamin A, C và vitamin E cho cơ thể.
Nên hạn chế tối đa thức ăn cay nóng, đồ uống kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
Xây dựng một nếp sống khoa học
Tuổi dậy thì là lứa tuổi vẫn còn đang cắp sách đến trường. Bạn gái nên chú ý sắp xếp theo thời gian học tập hiệu quả, nghỉ ngơi hợp lý. Tránh để tâm trạng căng thẳng, stress và đừng thức khuya quá nhé.
Tập luyện thể dục thể thao tăng cường trao đổi chất trong cơ thể mỗi sáng cũng rất tốt với sức khỏe tuổi dậy thì.
Vệ sinh thân thể sạch sẽ
Giai đoạn dậy thì là bước “chuyển mình” là cơ thể một bé gái sang một cô gái trưởng thành. Học cách vệ sinh thân thể sạch sẽ, an toàn, đúng cách sẽ giúp bạn thoải mái hơn. Đặc biệt, bạn nên lưu ý vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ, tránh một số tình trạng viêm sinh dục.
Trễ kinh ở tuổi dậy thì là tình trạng phổ biến ở các bạn gái mới lớn. Hiểu rõ nguyên nhân và biết cách chăm sóc cơ thể, bạn sẽ “dậy thì thành công”. Chúc bạn sống vui khỏe nhé!
Xem thêm:
- Trở chứng tuổi teen – tuổi nổi loạn mà trẻ nào cũng phải đi qua!
- 7 Điều quan trọng ba mẹ cần nhớ khi dạy con gái tuổi dậy thì
- Bị trễ kinh 2 tháng ở tuổi dậy thì, có vấn đề gì với cơ thể bạn nữ?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!