Trẻ bị ngạt thở là một tai nạn rất phổ biến, đặc biệt với trẻ dưới 3 tuổi. Cuối tháng 10 vừa qua, một bé gái 2 tuổi đã tử vong vì bị ngạt thở tại nhà. Cô bé ra đi chỉ sáu tuần sau khi vừa bước qua sinh nhật của mình.
Bé gái 2 tuổi qua đời vì ngạt thở
Ca sĩ nhạc đồng quê Ned LeDoux và vợ, Morgan, thông báo họ đã nói lời chia tay với con gái mình. Cô bé Haven, hai tuổi, đã qua đời vào cuối tháng 10 vì một tai nạn nghẹt thở trong nhà. Cô bé ra đi chỉ sáu tuần sau sinh nhật thứ hai.
Trang Facebook của ca sĩ viết: “Ned & Morgan vô cùng thương tiếc phải báo với bạn bè và người hâm mộ rằng con gái của họ, Haven, đã qua đời vào ngày 20/10 vì một tai nạn ngạt thở tại nhà. Gia đình LeDoux trân trọng tình yêu, sự ủng hộ của các bạn và mong được có một khoảng thời gian riêng tư.”
Theo báo Taste of Country, các nhân viên y tế đã nhanh chóng đến gia đình này vào ngày 20/10. Họ đã cố gắng cấp cứu cho Haven. Nhưng cuối cùng những nỗ lực của họ đã không thành công.
Mới tháng 9, Ned đã chia sẻ một bức ảnh cô con gái đáng yêu tạo dáng trước bàn đầy bánh cupcake trong ngày sinh nhật. Anh viết: “Bé vừa được 2 tuổi hôm nay! Tôi rất vui vì được trở về nhà cho ngày đặc biệt này. Cô bé là người đặc biệt nhất”.
Cách sơ cứu khi trẻ bị ngạt thở theo từng lứa tuổi
Nguyên nhân và triệu chứng trẻ bị ngạt thở
Ngạt thở là tình trạng trẻ không thở được do có vật cản trở không khí không qua được mũi và miệng. Chỉ sau 3 phút ngạt thở, trẻ sẽ bị di chứng não suốt đời. Sau 5 phút, trẻ có nguy cơ cao bị tử vong.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị ngạt thở. Có thể trẻ bị hóc, nghẹn thức ăn hoặc dị vật nhỏ. Cũng có thể do sặc nước, sữa trong khi khóc, chạy nhảy, cười đùa. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi còn có thể bị ngạt do nằm úp trên gối, nệm.
Khi ngạt thở, trẻ tím tái, ho sặc sụa, trào nước mắt nước mũi. Trẻ sẽ không nói hay khóc được vì vật gây ngạt đã chèn đường thở. Môi và lưỡi trẻ sẽ dần tím tái. Cổ và mặt nổi mạch máu.
Trước tiên, bố mẹ cần nhớ bình tĩnh khi trẻ bị hóc nghẹn. Tuyệt đối không thò tay vào móc dị vật hay thức ăn bị nghẹn.
Sơ cứu bé dưới 1 tuổi:
- Đặt bé nằm trên cánh tay mẹ, đỡ chắc bé.
- Dùng gót bàn tay vỗ nhẹ vào giữa xương bả vai bé khoảng 5 lần. Sau mỗi lần nên kiểm tra vật gây nghẹn đã rơi ra chưa. Nếu đã rơi ra khỏi họng bé thì mẹ nên dùng ngón út lấy vật gây nghẹn ra.
- Nếu bé chưa hết nghẹn, mẹ tiếp tục đặt bé nằm ngửa. Dùng 2 ngón tay đặt giữa ngực, ép ngực bé khoảng 5 lần. Sau mỗi lần ép cũng kiểm tra xem bé còn nghẹn không.
- Nếu bé vẫn còn nghẹn, mẹ nên nhanh chóng gọi cấp cứu. Trong thời gian chờ xe cứu thương tới, tiếp tục thực hiện lần lượt vỗ lưng và ép ngực.
- Nếu trẻ bất tỉnh, cần thực hiện hà hơi thổi ngạt bằng miệng-mũi hoặc miệng-miệng.
Tuyệt đối không được vỗ quá mạnh để tránh gây tổn thương cho trẻ. Nếu bị ngạt thở do sặc nước, sữa, bột, bố mẹ cần ngậm miệng vào mũi trẻ và hút thật mạnh.
Sơ cứu bé trên 1 tuổi
- Cho bé ngồi trên ghế, người gập về phía trước để đầu thấp hơn vai. Dùng gót bàn tay vỗ mạnh giữa xương bả vai bé. Sau mỗi lần vỗ kiểm tra xem bé đã hết nghẹn chưa.
- Nếu bé vẫn chưa hết nghẹn, chuyển qua ép ngực cho bé. Đặt 1 tay vào giữa lưng bé, 1 tay giữa ngực bé. Dùng tay ép vào ngực bé chậm. Sau mỗi lần ép cũng kiểm tra bé đã hết nghẹn chưa.
- Nếu bé chưa hết nghẹn, mẹ cần gọi cấp cứu. Sau đó tiếp tục vỗ lưng và ép ngực.
Đề phòng trẻ bị ngạt thở
Đề phòng ngạt thở là cách tốt nhất để trẻ không gặp những tai nạn đáng tiếc. Với trẻ nhỏ, phải cho trẻ nằm nghiêng hoặc nằm ngửa. Các vật nhỏ phải đặt xa tầm tay để trẻ không với lấy.
Khi cho trẻ ăn nên tập trung, không đùa giỡn khiến thức ăn lọt vào đường thở. Cha mẹ cũng nên theo dõi trẻ mọi lúc mọi nơi để kịp xử lý những tình huống đáng tiếc.
Tai nạn của bé gái 2 tuổi Haven là bài học cho mọi bố mẹ. Không ai muốn phải trải qua nỗi đau như ca sĩ Ned LeDoux. Vì thế bố mẹ hãy luôn chú ý đến bé và tự trang bị những kiến thức sơ cứu cho mình.
Xem thêm:
- Trẻ sơ sinh bị viêm da – Học cách nhận biết sớm để điều trị dứt điểm cho con
- Viêm phế quản cấp ở trẻ em, nguyên nhân và cách phòng ngừa
- Bé 3 tuổi bị viêm amidan có nguy hiểm không? Nên xử lý thế nào?