Người có bệnh tiểu đường thai kỳ bị sụt cân lại tốt hơn là tăng cân quá nhiều. Đó là kết luận của một cuộc nghiên cứu về cân nặng bà bầu bị tiểu đường thai kỳ.
Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến mẹ và em bé như thế nào?
Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng tới cả mẹ và thai nhi. Mặc dù tình trạng này không đi kèm với những dị tật bẩm sinh như bà bầu tiểu đường trước khi mang thai, em bé vẫn có thể bị tăng đường huyết và mắc bệnh macrosomia (em bé mập mập).
Các nhà khoa học đã đặt ra câu hỏi rằng béo phì khiến tiểu đường thai kì trầm trọng hơn, vậy giảm cân có giúp sức khỏe mẹ và em bé tốt hơn không?
Câu trả lời chưa quá rõ ràng, dựa theo nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Magee-Women và Khoa Phụ sản tại Đại học Pittsburgh, Đại học Oklahoma.
Nghiên cứu về bà bầu tiểu đường thai kỳ bị sụt cân
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra một nhóm 614 phụ nữ béo phì (chỉ số khối cơ thể trước khi mang thai (BMI) ít nhất 30 kg/m2) bị bệnh tiểu đường thai kỳ.
Người tham gia trung bình 31 tuổi với chỉ số BMI trước khi mang thai là 37 kg/m2. Tổng cộng có 484 phụ nữ (78,8%) là người da trắng và 111 phụ nữ (~ 18%) là người Mỹ gốc Phi.
151 phụ nữ (24,6%) đã giảm cân sau khi chẩn đoán bệnh tiểu đường thai kỳ và 463 phụ nữ (75,4%) tăng cân. Kết quả cho thấy giảm cân cho giá trị glucose sau khi ăn thấp hơn.
Tỷ lệ em bé mắc bệnh macrosomia vẫn tương đương nhau. Tuy nhiên những người giảm cân sinh con có cân nặng khi sinh thấp hơn. Ngoài ra, những phụ nữ giảm cân ít phải sinh mổ.
Tuy nhiên, không có sự khác biệt nào về rối loạn tăng huyết áp của thai kỳ, bé sơ sinh có bệnh tật hay phải chăm sóc đặc biệt.
Vậy nghiên cứu này cho thấy giảm cân sau khi bị tiểu đường thai kì giúp bà bầu kiểm soát đường huyết tốt hơn, giảm nguy cơ phải sinh mổ. Giảm cân không tạo ra yếu tố nguy cơ nào cho thai nhi.
Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ nên kiểm soát cân nặng như thế nào?
Bạn nên ăn chế độ ăn ít đường, duy trì tập luyện thế thao 30 phút mỗi ngày. Đừng tin vào những lời đồn “ăn cho hai người”.
Em bé vẫn phát triển tốt trong hai tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ mà bạn không cần ăn thêm quá nhiều. Trong ba tháng cuối của thai kỳ, bạn có thể cần thêm tới 200 calo mỗi ngày – tương đương với một nửa cái bánh sandwich.
Cách tiêu chuẩn để đánh giá bạn có bị thừa cân, hay thiếu cân là sử dụng chỉ số khối cơ thể (BMI). Bạn nên tính BMI trước khi mang thai hoặc khi mới mang thai.
Nếu chỉ số BMI của bạn từ 30 trở lên, bạn cần kiểm soát cân nặng trong thai kỳ vì bạn có nguy cơ mắc một số bệnh như huyết áp cao.
Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ nên tăng bao nhiêu cân?
Hầu hết phụ nữ mang thai đều tăng cân trong thai kỳ. Nhưng sẽ không có con số chính xác bạn cần tăng bao nhiêu cân.
Trọng lượng tăng thêm sẽ lượng máu tăng thêm, nhau thai, em bé đang phát triển và tử cung. Đừng cố gắng giảm cân bằng cách ‘ăn kiêng’ vì điều này có thể không an toàn cho em bé của bạn.
Bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn cân nặng phù hợp. Nếu cân nặng đang gây vấn đề cho mẹ và em bé, bạn có thể cần thay đổi chế độ ăn.
Bạn nên nhớ điều quan trọng để kiểm soát cân nặng khi bị tiểu đường thai kỳ là những gì bạn ăn. Thay đổi chế độ ăn khi đang mang thai là điều không phải dễ dàng, nhất là khi bạn ốm nghén và thèm ăn mọi thứ.
Bạn nên trao đổi với người thân để hỗ trợ bạn. Ví dụ như cả nhà cùng ăn chế độ ăn như bạn và không để đồ ăn vặt trong nhà.
Bà bầu tiểu đường thai kỳ bị sụt cân không phải điều đáng lo. Nhưng cũng đừng vì thế mà bạn ăn kiêng để giảm cân trong thời gian này. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kì chế độ ăn nào.
Xem thêm:
- Gợi ý chế độ ăn uống khoa học cho mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường thai kỳ
- Đối phó với tiểu đường thai kỳ, 5 việc mẹ bầu cần làm ngay lập tức
- Bà bầu ăn măng cụt khi bị tiểu đường thai kỳ được không?