Xu hướng lấy người nước ngoài ngày càng phổ biến, đặc biệt là đối với cô dâu Việt. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra mù mờ về thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Những thông tin mới nhất về các thủ tục cần thiết sau đây sẽ giúp bạn tránh những sai sót không đáng có.
Cơ quan nào có thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài? Cần chuẩn bị giấy tờ gì khi kết hôn với người nước ngoài?… Tất cả sẽ được cung cấp trong bài viết sau đây.
Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký tại Phòng tư pháp thuộc UBND Quận, huyện.
Hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:
- Mẫu tờ khai đăng ký kết hôn với người nước ngoài
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Giấy xác nhận tình trạng sức khỏe do cơ quan có thẩm quyền cấp. Người đăng ký kết hôn được xác nhận không mắc bệnh tâm thần hoặc ảnh hưởng khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
- Giấy tờ chứng minh về nhân thân: CMND, sổ hộ khẩu, hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu.
- Trường hợp đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn:
- Nộp thêm bản sao trích lục hộ tịch, ghi nhận việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn đó. Tham khảo thêm tại khoản 2 điều 36 của nghị định 123/2015/NĐ-CP.
- Trường hợp là công viên chức hoặc đang phục vụ trong ngành lực lượng vũ trang:
- Nộp văn bản của đơn vị quản lý xác nhận việc kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.
Bước 2: Thẩm tra, kiểm định hồ sơ
Trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, phòng Tư pháp sẽ nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ và xác minh nếu thấy cần thiết.
Bước 3: Cấp giấy Chứng nhận kết hôn
Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn, phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
Điều kiện kết hôn được quy định tại điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và điều 33 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Bước 4: Phòng Tư pháp trao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Việc trao giấy này phải có mặt cả 2 bên nam nữ. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.
Lưu ý: Nếu không thể có mặt cùng lúc để nhận Giấy chứng nhận kết hôn, có thể đề nghị Phòng Tư pháp gia hạn thời gian. Tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn.
Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài được thực hiện tại nước ngoài
Nếu kết hôn với người nước ngoài không thuộc lãnh thổ Việt Nam cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam. Văn bản này yêu cầu được cấp không quá 06 tháng tính tới ngày nhận hồ sơ.
- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền tại Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng. Lưu ý thời gian được tính là từ ngày cấp đến ngày nhận hồ sơ. Xác nhận người đăng ký kết hôn không mắc bệnh tâm thần.
- Bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân, như Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu.
- Nộp hồ sơ ký kết hôn tại nước ngoài thông qua cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước sở tại.
Lệ phí thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn
(Chỉ áp dụng cho trường hợp đăng ký kết hôn tại Việt Nam)
Một điểm quan trọng khi đăng ký kết hôn chính là quy định về phí, lệ phí. Mức phí cụ thể tùy thuộc UBND nơi nhận hồ sơ đăng ký kết hôn nhưng không vượt quá 1.500.000 đồng.
Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài với nhiều bước thực hiện. Đây là quy định bắt buộc và bị nhiều chị em cho là khá phức tạp. Tuy nhiên bạn chỉ cần nắm được các nguyên tắc trên đây là có thể thực hiện theo dễ dàng. Hãy ghi nhớ và áp dụng thật chính xác để tránh làm chậm trễ ngày vui Bạn nhé!
Xem thêm
- 4 cách “kích thích” có thể thắt chặt hôn nhân của bạn
- Hôn nhân mệt mỏi – làm sao để đối phó
- 7 lời khuyên cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!