Giải đáp mọi thắc mắc để giúp mẹ biết thêm những điều này về thủ thuật rạch tầng sinh môn trong quá trình sinh thường. Hãy theo dõi nhé!
Chỉ còn không bao lâu nữa là mẹ phải chuẩn bị cho hành trình vượt cạn của mình. Bao lo lắng, chờ đợi ngày gặp mặt con yêu giờ cũng đã gần kề. Ngoài việc chuẩn bị thật kĩ lưỡng các vật dụng cho ngày đi sinh, mẹ cũng đừng quên tìm hiểu về các bước cơ bản của một ca sinh thường. Điều này sẽ giúp mẹ vững vàng về tâm lý cũng như chuẩn bị tinh thần cho những điều sẽ xảy ra trong quá trình sinh.
Rạch (cắt) tầng sinh môn là một trong các thủ thuật phổ biến nhằm giúp cho mẹ sinh nở được dễ dàng hơn. Nhưng mẹ có biết những điều này về rạch tầng sinh môn trong quá trình sinh thường sắp tới của mình?
Thủ thuật rạch tầng sinh môn – Mẹ sẽ không quá đau khi bác sĩ thực hiện thủ thuật này
Chỉ cần nghe thấy cắt hay rạch là mẹ bầu nào cũng rùng mình vì hình dung ra khoảnh khắc cực đau đớn của thủ thuật này. Theo một điều tra, 90% mẹ khi được hỏi đều thừa nhận là mình khá sợ khi nghe đến việc phải rạch tầng sinh môn.
Nhưng các mẹ hãy yên tâm. Trong quá trình sinh thường, thủ thuật này được thực hiện rất nhanh chóng. Bác sĩ sẽ tiêm một liều thuốc tê trước khi thực hiện vết cắt. Thêm vào đó, khi mẹ đau đẻ, các cơ đã được co giãn hoàn toàn. Đây chính là một hình thức giúp mẹ giảm đau một cách tự nhiên.
Do đó mẹ sẽ chỉ thấy đau nhói một chút khi bác sĩ rạch tầng sinh môn.
Thủ thuật rạch tầng sinh môn đã ra đời cách đây gần 300 năm
Việc rạch tầng sinh môn thực sự đã có một lịch sử khá lâu đời. Theo các bằng chứng cho thấy, ca rạch tầng sinh môn đầu tiên xuất hiện trong văn bản cổ A Treatise of Midwifery (Sách dành cho mụ đỡ) của bác sĩ Fielding Ould người Ireland xưa vào năm 1742.
Vào thời bấy giờ, chưa có thuốc tê, không kháng sinh hay găng tay. Các sản phụ sẽ được cắt tầng sinh môn bằng dao hoặc kéo. Chính vì vậy mà nó thường kéo theo các hệ quả như nhiễm trùng, băng huyết, … Ở thời điểm ấy người ta chỉ thực hiện thủ thuật này khi không còn sự lựa chọn nào khác để cứu lấy sinh mạng cho cả người mẹ lẫn thai nhi.
Sản phụ Mỹ không hề tự tin với việc rạch tầng sinh môn
Vào những năm 1920-1980, hầu hết các bác sĩ đều tin rằng rạch tầng sinh môn sẽ giúp thai phụ sinh nở dễ dàng hơn. Vết thương khâu vừa nhanh gọn lại giúp giảm bớt thời gian sinh nở. Chính vì thế mà 80% mẹ bầu sinh thường ở Mỹ đều có một vết rạch tầng sinh môn khi vượt cạn.
Nhưng từ sau thập kỷ 80 của thế kỷ 20 trở đi, nhiều bác sĩ sản khoa đã lên tiếng cho rằng rạch tầng sinh môn mang lại nhiều đau đớn và biến chứng cho mẹ bầu sau sinh như băng huyết, viêm nhiễm đường âm đạo, gây đau đớn cho thai phụ, … Do đó mà ngày nay, chỉ còn 10% thai phụ được sử dụng thủ thuật này trong khi sinh với các điều kiện như:
- Mẹ sinh con đầu lòng.
- Thai nhi đầu to và cân nặng lớn.
- Mẹ khó sinh và đau đẻ quá lâu.
- Bé bị kẹt vai trong quá trình chui ra khỏi bụng mẹ.
Thủ thuật rạch tầng sinh môn- Bác sĩ dùng kéo hay dùng dao để cắt?
Thời xa xưa, các mụ đỡ thường dùng dao để thực hiện thủ thuật này. Nhưng ngày nay, với y học hiện đại. các bác sĩ sẽ sử dụng kéo chuyên dụng để thao tác nhanh gọn và an toàn cho thai phụ.
Sau khi sinh con, mẹ nhớ lưu ý chăm sóc vết khâu tầng sinh môn
- Rửa sạch vùng kín sau khi đi tiểu tiện. Lau khô để tránh vết thương bị nhiễm trùng.
- Rửa tay kĩ càng, sạch sẽ trước khi thay băng vệ sinh.
- Nếu mẹ bầu cảm thấy đau có thể sử dụng túi chườm để giảm đau cho vết thương.
- Tăng cường ăn các món nhiều chất xơ để tránh tình trạng táo bón, gây đau đớn vùng vết thương mỗi khi đi vệ sinh.
Tầm 2-3 tuần sau sinh, hầu hết các mẹ sẽ cảm thấy đau tức ở vết rạch. Mẹ hãy cố gắng giữ gìn vệ sinh vết thương thường xuyên. Nếu có các hiện tượng như sốt, sưng tấy và đau nhức thì mẹ nên đi khám để được chữa trị càng sớm càng tốt.
Nguồn ảnh: www.amarinbabyandkids.com
Xem thêm
- Khi nào cần rạch tầng sinh môn khi sanh thường?
- Biến chứng khi sinh thường: Mẹ có thể phải đối mặt với các nguy cơ này trong quá trình vượt cạn
- Có nên may thẩm mỹ sau sinh? Những lưu ý chăm sóc sau sinh để tầng sinh môn nhanh lành