Trường học là môi trường tuyệt vời để khám phá học hỏi nhiều điều mới lạ. Tuy nhiên, trẻ đang trong giai đoạn này cũng rất dễ bị ảnh hưởng bới các thói quen xấu học ở trường.
Tất nhiên những thói quen này đều nằm ngoài mong muốn của cha mẹ. Nhưng đừng lo lắng, đây là hiện tượng không thể tránh khỏi. Các chuyên gia đã giúp liệt kê 7 thói quen xấu con bạn có thể học ở trường, kèm theo đó là những lời khuyên để bạn có thể hướng dẫn bé thay đổi tốt hơn:
1. Sử dụng từ ngữ không hay
Bạn chắc chắn sẽ ngạc nhiên và hoảng hốt nếu nghe bé nhỏ ngoan ngoãn nhà mình phát ra từ ngữ không hay, hay thậm chí nói tục.
Tất nhiên ở nhà phụ huynh luôn cố gắng uốn nắn con nói lời hay ý đẹp, nhưng không phải phụ huynh nào cũng nghiêm khắc được trong việc này. Khi đến lớp và nghe một người bạn nói những từ ngữ mới lạ, lại đang trong giai đoạn tiếp thu nhanh, cũng không lạ nếu bé nhanh chóng học theo.
Giải pháp: Vài lần đầu tiên, nếu bé không nói quá nhiều từ ngữ này, cách tốt nhất bố mẹ nên làm là giả vờ chưa nghe và lơ đi. Bởi trẻ con ở độ tuổi đi học, nếu chúng ta phản ứng mạnh vào hành động của bé, bé sẽ càng làm nhiều hơn để gây sự chú ý.
Nếu tần suất tăng lên, đây là lúc bạn cần ngồi xuống, phát huy bản lĩnh phụ huynh. Hãy cố giải thích cho bé hiểu đó là những từ ngữ không hay, không nên, đồng thời tỏ rõ quan điểm của bạn rằng ngôn ngữ này không được phép sử dụng trong gia đình.
2. Cãi tay đôi với bố mẹ
Có thể bạn đã nghĩ đến những năm con đến tuổi dậy thì khó khăn để uốn nắn. Nhưng nếu bé chỉ mới vừa đi học đã bắt đầu có hành động cãi tay đôi và không nghe lời mỗi khi bạn nhắc nhở con? Chắc chắn bạn chỉ muốn dạy dỗ một trận, nhưng hãy cẩn thận hành động.
Giải pháp: Đừng nổi giận hay có xu hướng đánh để dạy bé. Nhưng chuyên gia cũng khuyên bạn nên giữ sự cứng rắn trong lời nói để thể hiện vị thế của một phụ huynh. Hãy hít thở sâu và một cách tôn trọng, hãy hỏi ngược lại con vì sao lại nói như vậy, quan điểm của con như thế nào.
Từ đó bạn sẽ nhìn được gốc rễ nguyên nhân của việc muốn cãi lại này và giải quyết từ gốc. Sau đó cũng nên có buổi nói chuyện nhẹ nhàng để gắn kết tình cảm thay vì răn đe con.
3. Nói dối
Luôn có hàng trăm lý do để một đứa bé chọn che giấu sự thật. Đôi khi bé sợ bố mẹ sẽ nổi giận vì hành động sai của bé, hay đơn giản chỉ muốn “khoe mẽ” một chút trí tưởng tượng không có thật với bạn bè. Tuy nhiên, thói quen xấu học ở trường này để lâu dài sẽ hình thành tính cách không hề tốt chút nào.
Giải pháp: Khi bắt gặp bé nói dối, đừng vội trừng phạt. Trước hết bố mẹ cần thể hiện rõ quan điểm không chấp nhận bất cứ lời nói dối nào. Đồng thời, chỉ rõ cho bé thấy hậu quả của việc nói dối sẽ nghiêm trọng ra sao, đánh mất uy tín và niềm tin với mọi người, mất bạn bè thế nào.
Đặc biệt, bố mẹ cũng nên hạn chế thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử, để bé tiếp xúc với thế giới một cách chân thật hơn.
4. Quay cóp bài tập của bạn
Ở giai đoạn mới đến trường, bé có thể có chút khó khăn để theo kịp các bài học. Và nhiều bé chọn giải pháp gian lận, chép bài tập của bạn để được điểm cao. Hành động nhỏ này nếu bị bỏ qua sẽ ảnh hưởng đến cách học của bé trong tương lai.
Giải pháp: Nếu bạn phát hiện ra hay bị giáo viên cảnh báo, cũng đừng chối bỏ hay bênh vực con. Hãy đối diện với sự phàn nàn của giáo viên hay phụ huynh khác, nhận lỗi. Và đây là bước quan trọng, hãy có một cuộc nói chuyện nghiêm túc với bé.
Diễn giải những hậu quả của việc này, như là khả năng bị nêu tên giữa lớp, bị phạt trước cả trường để bé nhận ra tầm quan trọng. Nỗi lo “mất mặt” hay bị bạn bè trêu chọc trong các bé ở giai đoạn này rất lớn, có thể ngăn chặn thói quen xấu này.
5. Có hành động xấu trên bàn ăn
Giả vờ nôn, dùng tay bốc, phát ra âm thanh kỳ lạ khi ăn,… tất cả hành động không đúng mực này khiến bạn phải xấu hổ khi ăn ngoài hay có khách. Nhưng đáng tiếc là bạn không thể cấm cản được. Trẻ con ở một độ tuổi rất thích hành động kỳ quái, vì chúng đơn giản nghĩ rất vui, hài hước, mới lạ, đáng học theo để gây sự chú ý.
Giải pháp: Nói với con về nguyên tắc hành động đúng lúc và đúng chỗ. Hãy cho bé sự lựa chọn, không tiếp tục các hành động này trên bàn ăn, trước mặt người lớn. Còn nếu bé nghĩ hài hước và vui, bé có thể chơi đùa như thế với bạn bè ở sân chơi.
6. Đòi ăn thức ăn nhanh, ăn vặt thay vì cơm
Hầu hết các bé nhỏ đều thèm thuồng gà rán, pizza và hàng loạt thức ăn chế biến sẵn không tốt cho sức khoẻ. Và khi con bạn nhất quyết bỏ bữa, không ăn cơm mà đòi được đổi thành thức ăn nhanh, vấn đề đã nghiêm trọng hơn.
Giải pháp: Đầu tiên là bố mẹ phải làm gương cho con trước, dành thêm thời gian nấu ăn tại nhà dù bận rộn đến mấy. Kế tiếp là hãy kéo bé vào cùng nấu nướng, chuẩn bị bữa ăn, tạo cho bé niềm hứng thú với đồ ăn nóng sốt.
7. Trang điểm và ăn mặc như người lớn
Trẻ em ngày càng phát triển nhanh, và môi trường xung quanh các em cũng vậy. Bố mẹ có thể bị sốc nếu thấy bé ăn mặc như một cô nàng trên 18 hay luôn muốn đánh son, trang điểm mới chịu ra đường.
Giải pháp: Không chỉ các bé, mà chúng ta cũng mặc những trang phục thể hiện ý kiến và quan điểm của mình về cuộc sống. Hãy kiên nhẫn tìm hiểu lý do vì sao bé thích ăn mặc không phù hợp lứa tuổi như vậy? Vì bạn bè xung quanh cũng thế? Hay có ai chê bai bề ngoài của bé? Khi đã có câu trả lời, bạn sẽ biết cách giải thích cho con điều gì là phù hợp, đặc biệt hãy nhớ tôn trọng sở thích của con.
Mỗi giai đoạn nuôi dạy con đều có rất nhiều khó khăn. Nhất là khi xã hội và môi trường cũng thay đổi. Nhưng đừng quá căng thẳng, hãy tìm hiểu lời khuyên từ các chuyên gia, và bình tĩnh giải quyết, bạn sẽ trở thành một phụ huynh hoàn toàn ổn thôi.
Xem thêm:
- Làm thế nào để giúp trẻ vượt qua hội chứng lo lắng xa cách?
- Dạy con đánh răng và chăm sóc răng miệng đúng cách ngay từ nhỏ
- 5 Kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ mầm non ba mẹ nên dạy con càng sớm càng tốt