4 điều khuyên răn bổ ích trong nuôi dạy con cái của Đại Đức Thích Pháp Hòa

Trong nuôi dạy con cái, Đại Đức Thích Pháp Hòa cho rằng cần nương theo tính tình và bản chất của người con ấy để có được cách giáo dục phù hợp nhất.

Thầy Thích Pháp Hòa sinh năm 1974 tại Cần Thơ, Việt Nam. Thầy định cư tại Canada năm 12 tuổi và xuất gia năm 15 tuổi. Sau đó thọ Tỳ-kheo tại Pháp Quốc năm 20 tuổi. Thầy tiếp nhận trách vụ trụ trì Tu viện Trúc Lâm (Canada) năm 2006 và Tu viện Tây Thiên (Canada) năm 2007. Thầy Thích Pháp Hòa tụng kinh sám hối và tụng Chú Đại Bi, nguyện đem công đức hướng về khắp tất cả Đệ tử và chúng sanh Đều trọn thành Phật đạo

Trong một buổi sinh hoạt Phật Pháp tại San Jose, California (Hoa Kỳ), thầy Thích Pháp Hòa có giảng giải cho các Phật tử về những lời khuyên bổ ích trong nuôi dạy con cái. The Asianparent Việt Nam xin tóm tắt lại bài giảng của thầy để các bậc cha mẹ có thể áp dụng phù hợp trong việc giáo dục các con của mình

1. Coi trọng sự bình đẳng giữa con trai và con gái

Danh từ “con cái” của tiếng Việt được gọi theo tiếng Hán (tử nữ). Tử là con trai-nữ là con gái. Dù là con trai hay con gái thì cũng đều là con. Quan niệm người xưa cho rằng Nhất nam nhất hữu, thập nữ nhất vô. Câu này nghĩa là sinh ra 11 người con trai kể như là có nhưng sinh 10 người con gái kể như không. Câu nói này mang nặng tư tưởng nếu nhà có con trai là tốt, có người lo lắng.

Nhưng trên thực tế ông bà cũng có câu “Muôn sự là tại nam, thành sự là tại nữ”. Muốn thành việc gì thì phải có bàn tay của người phụ nữ. Trong tiếng Hán, chữ An, trên có nóc nhà, dưới là chữ nữ. Do đó mà người ta cũng quan niệm rằng, nhà mà có người con gái thì nhà đó mới bình an và được chu toàn trong mọi việc.

Bởi vậy, thầy Thích Pháp Hòa khuyên các bậc cha mẹ hãy có sự công tâm và công bằng trong việc sinh con và nuôi dạy con cái. Trai hay gái, nếu cha mẹ biết cách dạy dỗ con nên người thì cũng coi như cha mẹ đó đã có phước.

2. Đừng “cưng con cái quá” mà từ “con” thành “nợ”

Sinh con ra, cha mẹ nào cũng coi đó là phúc đức của mình. Nhưng thực sự điều đó có đúng hay không? Chưa chắc! Thầy Thích Pháp Hòa cho rằng, con cái chỉ mang lại cho cha mẹ 25 phần phước, còn 75 phần lại là duyên nợ giữa con cái và cha mẹ. Hồi nhỏ con được xem là “cục cưng” của cha mẹ nhưng rồi lớn lên mà con không ra gì thì cũng dễ thành “cục nợ”.

Vậy nên, khi nuôi dạy con, cha mẹ cần chú trọng “giáo dục” trẻ vì càng cưng chiều nhiều, đứa trẻ càng dễ đem lại “nợ” (những điều không hay) cho cha mẹ.

3. Mỗi người con lại có một phúc, nghiệp khác nhau

Cha mẹ sinh con, trời sinh tính chỉ là một câu nói an ủi mà thôi. Nhưng trên thực tế cha mẹ có được con cái thì đó là duyên của cha mẹ. Còn con cái được như thế nào là phải dựa vào nghiệp của con và phước của cha mẹ. Chẳng hạn con sinh ra bị bệnh tật, thì đó là nghiệp của con. Cha mẹ chỉ là người chăm sóc chứ không thể gánh cái khổ và nghiệp “bệnh tật” cho con được. Bởi vậy, nếu con sinh ra không được trọn vẹn thì đó là nghiệp của con và là nợ của cha mẹ. Còn nếu con sinh ra mà thông minh, giỏi giang, tài năng thì đó là phúc đức của con và nghiệp của cha mẹ (nghiệp ở đây được xem là nghiệp lành).

Trong một gia đình, không có người con nào giống người con nào. Bởi vì phúc nghiệp của mỗi đứa con là không giống nhau. Thông minh, tài trí, nghèo khổ, bệnh tật, v.v. thì đó là biệt nghiệp của con. Cha mẹ nên nương theo biệt nghiệp của từng đứa con mà có cách dạy dỗ cho phù hợp chứ không nên so sánh giữa các con, khiến con cảm thấy không vui.

4. Phật dạy trên đời có 3 dạng con, cha mẹ cần nương vào đó mà có cách dạy dỗ con cái

Thầy Thích Pháp Hòa cũng giảng giải rằng, Phật nói trên đời có 3 dạng người con. Đó là ưu sanh, tùy sanh và liệt sinh. Điều quan trọng nhất khi nuôi dạy con cái là phải nhận ra được con mình ở dạng nào. Từ đó lựa chọn cách dạy con sao cho phù hợp nhất. Đây là cốt lõi trong nuôi dạy con. Nhờ đó mà con mới trở thành người tốt, biết làm điều hay, điều thiện và mang lại hạnh phúc cho chính bản thân người con đó.

Với dạng con ưu sanh hay còn gọi là ưu sinh. Đây là những người con khi sinh ra có những điều ưu việt hơn hẳn cha mẹ. Chẳng hạn như cha mẹ tính tình dữ dằn mà con cái thì hiền lành. Cha mẹ không làm điều tốt nhưng con thích giúp đỡ, bố thí cho người khác. Cha mẹ không quan tâm tới tu nhân, tích đức nhưng con lại thích tu, v.v. Thầy Thích Pháp Hòa khuyên với những ai có được dạng con ưu sanh, xin hãy lấy đó làm mừng. Nên khuyến khích và ủng hộ, giúp đỡ để con ngày càng tốt hơn và tấn tới, thành công trong cuộc sống sau này.

Dạng con thứ 2, Đức Phật gọi là dạng tùy sanh. Nghĩa là cha mẹ như thế nào thì con cái sẽ nhìn vào đó mà học theo. Cha mẹ làm điều tốt con sẽ làm theo, cha mẹ thiện con thiện theo. Và ngược lại cha mẹ sống không có tâm, không quan tâm việc học hành, không chú trọng làm điều thiện, nói năng cục cằn, đánh chửi người khác thì con cũng sẽ sống y như thế.

Với những ai có con dạng tùy sanh thì cần phải biết điều chỉnh hành vi và cách sống của bản thân để trở thành tấm gương tốt nhất cho con cái. Cũng giống như Đức Phật, người đi tu vì thấy chúng sanh bị khổ ải. Cha mẹ cũng vậy. Vì con cái, muốn con trở thành người tốt, học hành tấn tới thì cha mẹ chỉ việc làm những điều đấy để con noi theo được là tốt nhất.

Dạng con thứ 3 được gọi là liệt sanh. Nghĩa là cha mẹ tu hành, làm điều thiện, điều tốt đẹp nhưng con thì ngược lại. Chẳng hạn cha mẹ muốn cho đi mà con thì bủn sỉn. Cha mẹ ham mê đọc sách mà con cái thì không quan tâm lấy một chữ. Cha mẹ hiền lành mà con thì dữ dằn. Thầy Thích Pháp Hòa cho rằng, trong đời dạng con ưu sanh và tùy sanh ít hơn so với liệt sanh.

Đời vốn là như vậy. Đây cũng xem như một thử thách trong việc nuôi dạy con cái của cha mẹ. Vậy nên nếu con chưa bằng cha mẹ, có những điều khiến cha mẹ buồn phiền thì xin cũng đừng quá đau khổ và lo lắng. Tốt nhất là nên dành thời gian đó để nghĩ cách giáo dục con. Mưa dầm thấm lâu, những lời khuyên răn, tấm gương của cha mẹ sẽ là cách tốt nhất để con thay đổi tâm tính mà nên người.

Những lời giảng của thầy Thích Pháp Hòa vô cùng có ý nghĩa trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Việc nhận dạng ra bản chất của con cái như thầy đã nói sẽ là định hướng kim chỉ nam cho cha mẹ xác định được mình cần nuôi dạy các con như thế nào cho phù hợp và tốt nhất với hoàn cảnh của từng gia đình.

Độc giả có thể tham khảo thêm bài giảng của thầy Thích Pháp Hòa tại nguồn dưới đây

Xem thêm

Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

Minh Hương