Thai máy nhiều có tốt không? Mẹ bầu cần chú ý gì khi thai máy nhiều?

Thai máy nhiều có tốt không? Mẹ bầu cần chú ý gì khi thai máy nhiều?

Cử động được xem là một tiêu chí phản ánh sức khỏe của thai nhi rõ rệt nhất. Mẹ bầu cần theo dõi cử động thai mỗi ngày và kịp thời phát hiện những bất thường nếu có. Một trong số đó chính là tình trạng thai máy nhiều hơn bình thường.

Thai máy nhiều có tốt không? Thai máy nhiều có thể do mẹ lỡ ăn quá no hoặc ăn những thực phẩm nặng mùi như mắm tôm…Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn mẹ nên thăm khám khi cảm thấy bất thường trong cơ thể.

  • Giải thích hiện tượng thai máy
  • Cử động thai nhi qua các giai đoạn
  • Thai máy nhiều có tốt không?

Giải thích hiện tượng thai máy

Thai máy là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng thai nhi cử động trong bụng mẹ, cụ thể là khi thai nhi xoay trở mình, cử động tay chân, đấm, đá, nhào lộn trong môi trường toàn nước ối. Từ tuần thứ 8 thai máy đã bắt đầu xuất hiện nhưng mẹ chỉ có thể cảm nhận bé yêu cử động từ tuần thứ 16 trở đi.

thai-may-nhieu-co-tot-khong

Theo dõi cử động thai là một cách để mẹ bầu kiểm tra sức khỏe thai nhi (Nguồn ảnh: Vnexpress)

Đôi khi thai máy sẽ là cách bé phản ứng với các tác nhân bên ngoài bụng mẹ như ánh sáng, âm thanh hay mùi vị…

Lúc mới xuất hiện, các cử động của thai nhi diễn ra với tần suất không cao và cường độ cũng khá nhỏ nên đôi khi mẹ không thể cảm nhận được. Càng về các tháng cuối, mẹ sẽ cảm nhận thai máy nhiều và tạo ra một chu kỳ riêng. Vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày, mẹ sẽ cảm giác bé hay đạp và cử động nhiều hơn những lúc khác.

Mẹ có thể quan tâm:

Dấu hiệu thai máy như thế nào là bình thường và bất thường?

Cử động thai nhi qua các giai đoạn

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên – Khoa Sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park cho biết “Đếm thai máy là việc các mẹ nên làm vào giai đoạn cuối thai kỳ, qua số lần thai máy mẹ có thể theo dõi được tình trạng phát triển của thai nhi. Thời gian thích hợp nhất để đếm thai máy là sau các bữa ăn trong ngày của mẹ. Mẹ nên nằm nghỉ ngơi trên giường, đặt tay lên bụng và cảm nhận từng thai máy của thai nhi, vì thế trước khi đếm mẹ nên đi vệ sinh để tránh gián đoạn việc đếm”.

Mỗi mẹ bầu sẽ có thời điểm phát hiện thai máy khác nhau. Thai máy xuất hiện vào giai đoạn nào phụ thuộc và việc mẹ mang thai con thứ mấy, lượng nước ối ra sao, lớp mỡ ở thành bụng dày mỏng như thế nào,… Cụ thể các cử động của thai nhi trong từng thời điểm như sau:

Tam cá nguyệt thứ hai

Đa số mẹ bầu sẽ cảm nhận được thai máy lần đầu tiên vào tháng thứ 5 của thai kỳ. Có thể nói đây là khoảnh khắc kì diệu khi mẹ cảm nhận rõ ràng sự hiện diện của một sinh linh trong cơ thể mình.

thai-may-nhieu-co-tot-khong

Mẹ bầu thường không cảm nhận được thai máy xuất hiện trong 4 tháng đầu (Nguồn ảnh: Vnexpress)

Tháng 7

Bé cưng sẽ đá và xoay trở liên tục trong bụng mẹ. Mẹ nên dành thời gian đếm số lần thai máy tầm 2 lần một ngày. Nếu đếm được ít nhất 10 cử động thai trong vòng 1 giờ thì mẹ có thể an tâm. Xem thêm cách đếm số cử động thai nhi tại đây. Trường hợp trong 2 giờ liên tục bé cử động ít hơn 10 lần, mẹ nên trình bày cùng bác sĩ.

Tháng 8

Bé đã khá lớn và không gian trong bụng mẹ không còn thoải mái cho bé xoay trở, nhiều lúc cử động thai nhi sẽ gây ra khó chịu cho mẹ. Mẹ có thể cảm nhận được lúc bé cưng đang ngủ hay đang thức giấc. Tuy việc cảm nhận các cú đạp của thai nhi không còn rõ ràng nhưng mẹ hãy kiên trì đếm cử động mỗi ngày. Giai đoạn này bé sẽ thường có chuyển động lăn lộn trong bụng mẹ.

Tháng 9

Tháng cuối của thai kỳ là khoảng thời gian thực sự vất vả khi em bé cử động rất nhiều và mẹ bầu cần tìm vị trí nằm thoải mái nhất có thể. Rất có thể mẹ sẽ có cảm giác như có một bàn chân đá vào xương sườn của mình hoặc chèn ép thận của bạn. Mẹ cần cực kỳ chú ý đến thay máy và tần suất thai máy trong ngày để kịp thời thông báo cho bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường.

Việc chú ý đến cử động thai nhi có thể giúp mẹ lập ra biểu đồ thời gian ngủ và thức của bé, từ đó điều chỉnh thời gian nghỉ ngơi của mình hợp lý để có thể ngủ sâu giấc hơn.

Thai máy nhiều có tốt không?

Nhiều mẹ bầu cảm thấy hài lòng khi thai máy nhiều. Mẹ cho rằng thai nhi đang phát triển khỏe mạnh, hơn nữa đứa con tương lai của mình sẽ hoạt bát và nhanh nhẹn. Tuy nhiên điều này không chính xác hoàn toàn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thai nhi cử động nhiều và không phải tất cả nguyên nhân đều tốt.

Mẹ có thể quan tâm:

Mẹ đã biết cách nhận biết thai nhi bị nấc để phòng tránh các bất thường cho bé?

Bé cảm nhận được nhiều điều hơn mẹ nghĩ

Đa phần sau khi mẹ ăn no, bé sẽ đạp nhiều hơn. Như đã nói ở trên, đây chính là cách bé phản ứng lại với các kích thích bên ngoài. Nếu mẹ vừa ăn các loại thực phẩm nặng mùi như mắm tôm, mắm nêm thì bé có thể phản ứng bằng cách đạp nhiều hơn.

Ngoài ra, bé cưng có thể cảm nhận các tâm trạng vui buồn của mẹ. Những lúc mẹ căng thẳng, lo lắng sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến thai nhi, cụ thể là làm cho thay máy nhiều hơn 20 lần/giờ. Nếu rơi vào tình huống này, mẹ cần nghỉ ngơi và thư giãn bằng cách nghe một bản nhạc nhẹ nhàng hoặc xem phim, đọc sách để thả lỏng. Tiếp đến mẹ nên đếm số lần thay máy và nếu kết quả trở lại như bình thường, mẹ có thể an tâm. Ngược lại, số cử động thai vẫn lớn hơn 20 lần thì có khả năng thai nhi đang gặp nguy hiểm.

thai-may-nhieu-co-tot-khong

Nghỉ ngơi thư giãn có thể giúp mẹ bớt căng thẳng và thai nhi ổn định hơn (Nguồn ảnh: TAP)

Nguyên nhân làm thai máy nhiều

Thai máy nhiều có thể do dây rốn quấn cổ gây ngạt thở, thai bị thiếu oxy (suy thai). Đây đều là các trường hợp vô cùng nguy hiểm và là nguy cơ làm thai chết lưu nếu không can thiệp kịp thời. Mẹ nên lập tức đến bệnh viện để thăm khám và nghe lời khuyên từ bác sĩ.

Ngược lại, khi thai cử động ít hoặc hoàn toàn không cảm nhận được thai máy thì mẹ cũng nên lưu ý vì đây cũng là dấu hiệu bất thường. Có thể thai bị thiếu oxy, thiếu ối hoặc bị động thai, xem thêm tại đây. Nếu tình trạng này kéo dài, mẹ cần nhờ tới sự trợ giúp của bác sĩ để giúp thai nhi ổn định.

Nguồn tham khảo: Thai máy như thế nào là bình thường, thế nào là bất thường? – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!