Thai lưu có bị đau bụng ra máu không? Những điều bạn cần biết về thai lưu
Thai lưu là tên gọi của tình trạng thai chết trước thời điểm sinh. Vậy thai lưu có bị đau bụng ra máu không? Và các biến chứng của thai lưu là gì?
Trong bài viết sau, chúng ta sẽ cùng giải đáp các thắc mắc phổ biến về tình trạng thai lưu.
Thai lưu là gì và có biểu hiện ra sao?
Thai lưu là cách gọi phổ biến của tình trạng thai bị chết trước khi được ra đời. Biến chứng này luôn là nỗi ám ảnh lớn của các chị em. Và ở mỗi giai đoạn của thai kỳ, biểu hiện của nó sẽ có đôi chút khác biệt.
Ở giai đoạn đầu của thai kỳ, dấu hiệu thai lưu không rõ ràng. Đôi khi các mẹ sẽ thấy xuất huyết âm đạo bất thường, màu máu hồng, nâu nhạt hoặc nâu sẫm. Bên cạnh đó thì các triệu chứng ốm nghén cũng giảm… Đây là một số biểu hiện tiềm năng của tình trạng thai lưu mà mẹ cần lưu ý.
Ở giai đoạn sau của thai kỳ, việc nhận biết thai lưu rõ ràng hơn. Bởi vì các mẹ sẽ không cảm nhận được thai đạp hay chuyển động. Các mẹ sẽ xuất hiện những cơn co thắt, đau bụng (có khi dữ dội, có khi âm ỉ) khi thai lưu. Đôi khi âm đạo xuất huyết, có khi máu có màu đen.
Thai lưu có bị đau bụng ra máu không?
Với câu hỏi đau bụng ra máu không thì câu trả lời là CÓ. Khi thai lưu, ở các mẹ sẽ có tình trạng ra máu âm đạo tự nhiên. Thông thường máu sẽ ra từng ít một và có màu nâu đen hoặc đỏ sẫm. Đi kèm theo đó là hiện tượng đau bụng trong trường hợp dọa sẩy hoặc đang sẩy thai lưu.
Thai lưu không đau bụng không ra máu
Thông thường, khi bị thai lưu, các mẹ sẽ thấy đau bụng và ra máu vùng kín. Tuy nhiên có những trường hợp không đau bụng và không ra máu khi thai lưu. Nhất là trường hợp bị thai lưu ở giai đoạn sớm của thai kỳ. Những trường hợp này chỉ phát hiện khi đi khám định kỳ. Việc này để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ.
Vì thế bạn cần để ý đến những thay đổi hay biểu hiện bất thường của khi mang thai. Từ tuần 9-14 thường là giai đoạn ốm nghén, nếu đang ốm nghén nặng mà mất dần cảm giác ốm nghén thì các mẹ cần đề phòng. Từ tuần 8-12 thai đã bắt đầu máy nhưng cảm nhận rõ nhất là từ tuần 16-22. Nếu mẹ đang cảm nhận được thai máy nhưng rồi không thấy nữa thì cũng nên đi thăm khám.
Khi thăm khám, thai nhi sẽ được kiểm tra tim thai. Nếu không thấy tim thai thì khả năng cao là thai mẹ đã chết lưu. Khi thai chết lưu, bụng mẹ sẽ không to lên do thai không phát triển, thai không phát triển thì tử cung không phát triển.
Mẹ sẽ bị vỡ nước ối khi thai lưu. Từ đó, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào buồng ối và dạ con. Điều này có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy mẹ bầu cần hết sức cẩn trọng và lưu ý các thay đổi của cơ thể.
Biến chứng thai lưu
Thai lưu được chia thành hai nhóm: nhóm thai lưu dưới 20 tuần tuổi và sau 20 tuần tuổi.
Thai lưu gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người mẹ. Đầu tiên là chứng rối loạn đông máu. Thời gian thai lưu trong tử cung càng lâu thì nguy cơ rối loạn đông máu càng cao. Sau đó là các biến chứng nhiễm trùng sau khi vỡ ối. Điển hình là nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng đặc biệt do vi khuẩn Gram âm.
Rối loạn đông máu
Rối loạn đông máu là một biến chứng nặng của thai chết lưu. Trong nước ối, bánh nhau và màng có nhiều thromboplastin. Khi thai lưu chúng sẽ bị rụng và đi vào tuần hoàn người mẹ. Từ đó gây ra đông máu rải rác trong lòng mạch và tiêu sợi huyết. Quá trình tiêu sinh sợi huyết thứ phát chiếm ưu thế sẽ dẫn đến biểu hiện lâm sàng là chảy máu.
Lúc này lượng fibrinogen trong máu tụt thấp hay thậm chí không có. Quá trình đông máu rải rác trong lòng mạch có thể diễn ra từ từ. Hoặc nó thể diễn ra cấp tính vì lúc này, các chất gây rối loạn đông máu có điều kiện ồ ạt tràn vào tuần hoàn người mẹ. Do vậy, ở người mẹ sẽ xuất hiện tình trạng chảy máu từ tử cung, máu không đông.
Nhiễm khuẩn khi ối vỡ lâu
Khi đã vỡ ối, nhiễm khuẩn sẽ rất nhanh và nặng. Ngoài các vi khuẩn hay gặp như: tụ cầu, trực khuẩn, proteus…, còn có thể gặp vi khuẩn yếm khí như Clostridium perfringens. Nhiễm khuẩn nặng, lan rộng có thể làm cho người mẹ bị choáng nội độc tố. Đây cũng là một biến chứng hết sức nguy hiểm mà mẹ bầu cần đặc biệt đề phòng.
Thay lời kết
Thai chết lưu là sự cố không mong muốn của bất kỳ sản phụ nào. Vì thế, để có thể xử trí kịp thời, các mẹ nên đi khám ngay khi thấy hiện tượng đau bụng và ra máu bất thường khi mang thai. Vì nếu không được phát hiện kịp thời, thai lưu sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người mẹ.
Xem thêm
Thai lưu thường ở tháng thứ mấy? Mẹ nên làm gì khi bị thai lưu?
Thai lưu bao lâu thì biết? Mẹ cần làm gì khi thai lưu?
Có thai lại sau thai lưu – Những vấn đề mẹ bầu cần biết
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!