Thai 6 tuần có túi noãn hoàng chưa có tim thai: mẹ đừng vội hoảng!

Khi thai kỳ bước sang tuần thứ 5, mẹ bầu đặc biệt quan tâm đến kết quả siêu âm để kiểm soát được tình trạng phát triển của bé. Thật không may nếu mẹ nhận được thông tin thai 6 tuần có túi noãn hoàng chưa có tim thai. Mẹ đừng quá lo lắng hay vội hoảng loạn ảnh hưởng đến thai nhi. Hãy cùng theAsianparent tìm hiểu về tình trạng này, mẹ nhé!

Hiện tượng thai 6 tuần có túi noãn hoàng chưa có tim thai 

Thai 6 tuần phát triển như thế nào?

Khi đến tuần thứ 6, thai nhi sẽ có kích thước bằng một hạt đậu. Phôi có kích thước trung bình khoảng 0,6 cm, cỡ một hạt đậu. Những đường nét trên gương mặt bé sẽ rõ nét hơn. Mẹ sẽ quan sát được mắt, mũi, khuôn miệng của con mình. Bàn tay và bàn chân bé cũng nhô ra từ cánh tay và cẳng chân. Song song với sự phát triển thể chất bên ngoài, hai bán cầu não, gan, tủy xương và tuyết tụy, dây rốn cũng được hình thành.

Trái tim của bé, đặc biệt là van tim cũng dần thực hiện chức năng của mình. Khi đi siêu âm, mẹ đã có thể cảm nhận được nhịp đập của tim thai nhi.

Túi noãn hoàng là gì?

Từ tuần thứ 4 của thai kỳ, khi siêu âm, mẹ bầu đã có thể nhìn thấy túi noãn hoàng. Đây là một cấu trúc dạng hình tròn gắn với phôi, nằm ngoài buồng ối. Túi noãn hoàng được hình thành từ các tế bào nội bì bên cạnh đĩa phôi, kích thước bình thường 2-8 mm. 

Yolksac là tên gọi khác của túi noãn hoàng. Chiếc túi này được ví von như “túi thần kỳ” của nhân vật Đô-rê-mon: là túi thức ăn khổng lồ và duy nhất cho phôi thai trong giai đoạn đầu. Nếu không có túi noãn hoàng, phôi thai sẽ không phát triển được.

Túi noãn hoàng sẽ phát huy hết tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho đến khi nhau thai và dây rốn hình thành. Sau khoảng 8 tuần đầu tiên, khi đã hoàn thành nhiệm vụ tạo huyết và tạo mạch, túi noãn hoàng sẽ thoái hóa và tiêu biến đi. 

Tim thai là gì?

Sau khi thụ tinh khoảng 5 ngày, hợp tử sẽ phát triển thành phôi bào. Kế tiếp, phôi sẽ đến tử cung và chọn lớp niêm mạc làm tổ. Ba tuần sau khi thụ thai, ống tim nguyên thủy sẽ bắt đầu những nhịp đập đầu tiên. Ống tim sẽ phát triển, uốn cong, hình thành những vách ngăn, buồng và tách thành hai được riêng biệt. Quá trình hình thành của trái tim sẽ được hoàn thiện vào khoảng tuần thứ 8 sau khi thụ thai. 

Thông thường, bắt đầu từ tuần thứ 6, mẹ bầu có thể siêu âm và nhìn thấy tim thai của bé. 

Nhịp tim thai bình thường dao động từ 110 – 160 lần/phút. Trong 3 tháng đầu, nhịp tim thai có thể đập dưới 120 hoặc vượt quá 170–180 lần/phút. Đó là do thai nhi bị thiếu oxy. Sau giai đoạn này, nhịp tim thai ổn định hơn, khoảng 130–140 lần/phút.

Tuy nhiên, khá nhiều mẹ bầu nhìn thấy túi noãn hoàng nhưng chưa thấy tim thai dù thai nhi đã bước sang tuần thứ 6. Tình trạng này xảy ra do khá nhiều nguyên nhân khác nhau. 

Tại sao thai 6 tuần có túi noãn hoàng chưa có tim thai?

Mẹ tính sai tuổi thai

Nếu chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, mẹ dễ dàng biết được chính xác tuổi thai của mình. Nhưng nếu như chu kỳ của mẹ thất thường, hoặc mẹ vô tình không để ý, mẹ sẽ không nhớ chính xác được ngày rụng trứng. Đây lại là yếu tố quan trọng để mẹ và bác sĩ tính tuổi thai. Vì vậy, mẹ tính sai tuổi thai 1-2 tuần là điều có thể xảy ra.

Hình thức siêu âm chưa phù hợp

Thông thường, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ hai phương pháp siêu âm. 

Một là siêu âm thành bụng. Bác sĩ sẽ áp dụng cụ siêu âm lên thành bụng để quan sát thai nhi. Nếu thai nhi còn quá nhỏ, nhịp đập không rõ, mẹ sẽ không thấy được tim thai vì phương pháp này không nhạy. 

Hai là phương pháp siêu âm đầu dò. Khi dụng cụ siêu âm được đưa vào trong âm đạo, bác sĩ và mẹ sẽ nhìn thấy rõ được bên trong tử cung, thấy được chuyển động của thai nhi. Kết quả siêu âm sẽ chính xác hơn.

Thai nhi bị rối loạn nhịp tim

Đây là trường hợp ít gặp. Rối loạn nhịp tim thường chỉ xuất hiện trong một thời điểm nào đó chứ không xuyên suốt thời kỳ mang thai. Có thể mẹ siêu âm trùng thời điểm bé bị rối loạn nhịp tim. Vì vậy, mẹ và bác sĩ không cảm nhận được nhịp tim của bé.

Tình trạng rối loạn này chỉ diễn ra tạm thời, lành tính. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp thai nhi tử vong.

Mẹ bị sảy thai, thai chết lưu

Nếu mẹ thực hiện siêu âm đầu dò nhưng vẫn không thấy tim thai, khả năng rất cao là mẹ đã bị sảy thai hoặc thai chết lưu. Mẹ có thể đo lại mức HCG của mình xem có bị giảm hay không. Trường hợp mẹ thấy mức HCG giảm đáng kể hoặc không còn cảm nhận được nhịp tim thai như lần kiểm tra gần nhất, mẹ có nguy cơ đã sảy thai.

Ngoài ra, sức khỏe mẹ không tốt cũng có thể dẫn đến sảy thai. Lý do là vì mẹ có buồng trứng đa nang, mắc hội chứng rối loạn đông máu, từng có tiền sử hoặc đang mắc bệnh tuyến giáp hay bị chấn thương vùng bụng, …

Mẹ bầu nên làm gì cho thai kỳ khỏe mạnh?

Khám thai định kỳ

Đây là quyền lợi cũng là trách nhiệm quan trọng của mẹ bầu. Khám thai đúng định kỳ sẽ giúp mẹ theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn mẹ điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt sao cho thai nhi phát triển tốt nhất. 

Các mốc khám thai định kỳ mẹ cần nhớ là khi thai 3 tuần, 10-12 tuần, 16 tuần, 21-22 tuần, 26 tuần, 31-32 tuần, 36 tuần.

Bên cạnh đó, mẹ cũng nên tiêm phòng đầy đủ, chủ động theo dõi cân nặng để kiểm soát sức khỏe của mình.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để thai nhi có thể phát triển toàn diện. Để hạn chế tình trạng nghén, mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn.

Chất sắt, chất đạm, canxi, magie, photpho, rau xanh, trái cây và chất xơ nên được cân đối trong thực đơn hàng ngày. Uống đủ nước mỗi ngày từ 1,5 đến 2 lít nước/ngày sẽ rất tốt cho sự phát triển của thai nhi. Tuyệt đối không uống rượu, bia, thức uống có cồn và các chất kích thích trong suốt thai kỳ.

Chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý

Nếu thích vận động, mẹ có thể chọn những môn thể thao nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, … Tuyệt đối nên tránh làm việc quá sức, lao động nặng, thức khuya dậy sớm. Do cơ thể đang phát triển để “cùng con khôn lớn” nên vòng 1 của mẹ cũng sẽ căng hơn. Mẹ chú ý chọn chất liệu vải thoáng, rộng rãi, đừng gò bó quá nhé!

Mẹ nên tăng cường nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ đủ giấc để tinh thần thoải mái. Tâm tình mẹ vui vẻ thì thai nhi cũng sẽ được vui lây!

Thai 6 tuần có túi noãn hoàng chưa có tim thai không phải là tình trạng xấu. Mẹ nên đến gặp bác sĩ và khám thai định kỳ để theo dõi chính xác tình hình thai nhi nhé! Chúc mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh. 

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

Nhi Le