Liên quan đến vụ việc anh Nguyễn Văn Quí, người nhà sản phụ, tố Bệnh viện Từ Dũ tắc trách, chậm can thiệp khiến thai 40 tuần chết trong bụng mẹ, sáng 7/1, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đã có thông tin chính thức kết luận nguyên nhân sự việc.
Đây là sự cố y khoa hiếm gặp
BSCKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết trưa 28/12, đơn vị này tiếp nhận sản phụ Trần Thị Kiều Diễm trong tình trạng thai 40 tuần, con so, có dấu hiệu báo chuyển dạ.
Sản phụ được khám cấp cứu và nhập viện theo dõi tại khoa Sản A. Theo bác sĩ Mỹ Nhi, tại đây, các bác sĩ tiếp nhận thai phụ và thăm khám ban đầu.
Từ 17h đến khoảng 22h, cách mỗi giờ và sau khi được người nhà thông báo, nhân viên trực phòng khám đều có động thái nghe tim thai và không ghi nhận các dấu hiệu bất thường.
Đến khoảng 22h30, sau khi phát hiện tim thai khó nghe. Sản phụ được đưa đi siêu âm ngay lập tức. Kết quả siêu âm ghi nhận không có tim thai, cổ tử cung đã mở khoảng 2-3 cm.
“Bệnh viện luôn mong muốn cho sản phụ tránh cuộc mổ không đáng có. Tuy nhiên, thời điểm này, khoảng 23h27 phút, bác sĩ ghi nhận có dấu hiệu nhau bong non, nếu không xử lý kịp có thể dẫn đến băng huyết tử cung. Do đó, sản phụ được chỉ định mổ lấy thai, đưa em bé ra ngoài”, bác sĩ Mỹ Nhi nói.
Ca diễn ra lúc 0h55 phút ngày 29/12, em bé được đưa ra khỏi bụng mẹ trong tình trạng tử vong. Trong quá trình mổ lấy thai, kíp mổ ghi nhận dây rốn thắt nút và quấn chặt cổ hai vòng, nhau bong non. Thời điểm này, anh Quí được mời vào phòng sinh để chứng kiến toàn bộ sự việc.
Thai nhi mất do dây rốn thắt nút
Theo kết luận họp đồng chuyên môn lần trước ba, lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ cho biết hiện tượng dẫn đến cái chết của thai nhi 40 tuần là dây rốn thắt nút và quấn hai vòng cổ.
Dây rốn thắt nút là nỗi ám ảnh sản khoa, y văn ghi nhận trường hợp này thường gặp với tỷ lệ 0,3-2%. Tình trạng này rất hiếm, không có triệu chứng lâm sàng, khó có thể phát hiện và chẩn đoán trước sinh qua siêu âm.
Dây rốn siết càng chặt cổ em bé, đến thời điểm nào đó sẽ chặn hoàn toàn tuần hoàn giữa mẹ và thai nhi, nhất là khi chuyển dạ.
“Khi dây rốn thắt nút, nguy cơ tử vong của thai tăng gấp 4 lần so với thai nhi bình thường. Tuy nhiên, hiện không có tài liệu nào cho thấy trên siêu âm có thể ghi nhận tình trạng dây rốn thắt nút, do đó không thể tầm soát trước bằng siêu âm.
Nếu phát hiện, bác sĩ sẽ mổ lấy thai ngay lập tức để bảo toàn tính mạng cho thai nhi”, bác sĩ Mỹ Nhi nói. Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ khẳng định nguyên nhân tử vong của thai nhi đúng theo y văn mô tả, dây rốn quấn 2 vòng quanh cổ và xiết rất chặt khi cơn co tử cung của người mẹ tăng dần.
Chính vì vậy, hiện tượng mất tim thai trở nên rất đột ngột vì suốt 9 giờ theo dõi, các nhân viên trực phòng khám đều phát hiện có tim thai.
Diễn biến của vụ bệnh viện Từ Dũ bị tố tắt trách
Trước đó, theo phản ánh của anh Quý chồng thai phụ mất con, khoảng 13h30 phút trưa 28/12, gia đình anh đưa vợ là chị Trần Thị Kiều Diễm đến Bệnh viện Từ Dũ vì có dấu hiệu ra dịch hồng. Lúc này, sản phụ mang thai 40 tuần 1 ngày, thai nặng 3,2 kg, tim thai 151 lần/phút, không ghi nhận bất thường trong những lần siêu âm trước đó.
Từ 17h đến 20h30, sản phụ nhiều lần than đau bụng, ra máu âm đạo. Nhân viên y tế trực phòng khám đo tim thai cho thấy kết quả bình thường, chỉ định chờ tử cung mở thêm vì lúc này chỉ mở 2 cm.
Đến khoảng 22h, thấy vợ đau bụng dữ dội, anh Quý dẫn lại vợ lại phòng đo tim thai thì nhân viên trực cho biết tim thai ngưng đập. Cán bộ trực sau khi hội chẩn thông báo với gia đình phải mổ lấy thai để cứu mẹ vì tim thai đã ngừng đập.
Đến khoảng 1h sáng ngày hôm sau, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoàng – Trưởng ê-kíp trực – thông báo với gia đình thai 40 tuần chết trong bụng mẹ do nhau bong non và dây rốn quấn cổ.
Tuy nhiên, gia đình không đồng ý với kết luận này, cho rằng bệnh viện thờ ơ, tắc trách, không đưa ra giải pháp nào khác để cứu con mà để đến khi tim ngưng đập rồi mới mổ lấy ra.
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi cho biết ngay khi xảy ra sự việc, đại diện bệnh viện đã gửi lời chia buồn đến sản phụ và gia đình.
“Chúng tôi bày tỏ lời chia sẻ đến gia đình anh Quí, chị Diễm vì lúc này thai đã 40 tuần. Nếu không bảo vệ được người mẹ và em bé, dù nguyên nhân khách quan hay chủ quan, chúng tôi vẫn chia sẻ và có lỗi với gia đình người bệnh”, bác sĩ Nhi nói.
Bệnh viện Từ Dũ làm đúng quy trình
Phản hồi về cáo buộc tắc trách, chậm can thiệp khiến thai nhi tử vong trong bụng mẹ, bác sĩ Mỹ Nhi cho biết sau khi điểm lại toàn bộ hồ sơ, tường trình của các cá nhân kíp trực, hầu như quy trình từ lúc nhập viện đến khi mổ lấy thai không ghi nhận sai sót.
Vào các thời điểm anh Quí lên phòng bác sĩ trực thông báo sản phụ đau bụng và ra dịch âm đạo, nhân viên trực cho biết “đây là dấu hiệu bình thường” là đúng.
Nguyên nhân là khi cổ tử cung mở khoảng 3 cm, sản phụ mới được đưa vào phòng sinh. Tuy nhiên, lúc này, cổ tử cung sản phụ chưa mở đủ, không thể khám âm đạo vì có thể gây nhiễm trùng sơ sinh.
Dấu hiệu đau bụng, ra dịch nhầy của sản phụ càng nhiều là do cổ tử cung càng mở, tróc nút nhầy tử cung, các hiện tượng này sẽ càng tăng dần.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, sự việc thai 40 tuần chết trong bụng mẹ là sự cố y khoa hiếm gặp do không ghi nhận dấu hiệu bất thường trước đó.
Xem thêm:
- Chi phí đi sinh tại bệnh viện Từ Dũ với chi tiết bảng giá cho mẹ tham khảo
- Bạn có biết chi phí thụ tinh ống nghiệm tại bệnh viện Từ Dũ là bao nhiêu?
- Khi nào nên đi khám thai? Những mốc khám thai mẹ bầu cần biết!