Thai 36 tuần chưa quay đầu - Mẹ có thể sinh thường được không?

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Bước vào tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ, hầu hết các mẹ bầu đều đang đếm ngược thời gian để được gặp bé yêu. Từ tuần thai thứ 35 trở đi phần lớn thai nhi đều đã quay đầu và cố định ngôi thai. Tuy nhiên có 1 số trường hợp thai 36 tuần chưa quay đầu gây khó khăn cho việc chào đời của em bé nếu mẹ muốn sinh thường. Nguyên nhân nào khiến bé bướng bỉnh làm mẹ lo lắng? Có cách nào để ngôi thai thuận được không?

Đâu là vị trí ngôi thai thuận lợi cho sự ra đời của bé?

Bình thường lúc thai còn nhỏ, tư thế thai trong tử cung chưa ổn định, khá tự do trong buồng nước ối (ngôi bất định) hoặc có xu hướng đầu phía trên, mông phía dưới. Trong 3 tháng cuối, thai lớn nhanh, tỷ lệ kích thước phần đầu mông thay đổi nên thai có xu hướng quay đầu xuống và thường ra đời trong tư thế ngôi đầu.

Đối với những người sinh con so, thời điểm thai nhi quay xuống có thể đến sớm hơn, khoảng từ tuần thứ 28. Ngược lại với những mẹ sinh con rạ, có nhiều bé lại quay đầu muộn hơn vào thời điểm tuần thứ 35-36. Vì vậy, tuần thai thứ 36 được xem là dấu mốc quan trọng để xác định vị trí thai nhi trong bụng mẹ ở ngôi thai nào và đánh giá khả năng sinh nở phù hợp và thuận lợi nhất.

Vị trí ngôi thai chuẩn nhất của bé khi chào đời mà cả bác sĩ và các mẹ bầu đều mong muốn đó là tư thế đầu quay xuống dưới cổ tử cung và gáy xoay về phía bụng mẹ. Tuy nhiên, theo thống kê sản khoa có khoảng 15% thai nhi dù đến tuần thứ 28 vẫn ngôi ngược, 6% số bé đến tuần 36 vẫn chưa chịu quay đầu và 3-4 % các bé ra đời với ngôi thai này. Thai ngôi ngược hay ngôi mông tức là thai không quay đầu do phần mông của em bé hướng về tử cung của mẹ còn phần đầu hướng lên trên.

Thai 36 tuần chưa quay đầu có sao không?

Bước vào tuần thai thứ 36 tức là chỉ còn 1 tháng nữa là em bé sẽ chào đời. Vì vậy, nếu mẹ có 1 quá trình mang thai thuận lợi thì trong tuần thai này em bé đã di chuyển vị trí xuống đường sinh ở âm đạo, đầu hướng xuống phía xương chậu và có tư thế tốt nhất để bé dễ dàng đi qua ống sinh của mẹ.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Tuy nhiên, vì nhiều lý do vẫn có những thai 36 tuần chưa quay đầu gọi là ngôi thai ngược. Có những trường hợp phải nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ thông qua các thao tác gây áp lực lên bụng gọi là ngoại xoay thai nhưng có những trường hợp không thể can thiệp được vì sự an toàn của mẹ và bé.

Ngôi thai ngược sẽ gây khó khăn cho việc sinh thường của mẹ. Ngược với quá trình sinh ở ngôi thuận, đầu của bé sẽ đi ra trước sau đó đến vai và chân đi ra sau thì ở ngôi thai ngược, phần chân hoặc mông sẽ ngoài trước rồi mới đến vai và đầu. Nhiều trường hợp xử lý không khéo nên phần đầu của bé khó có thể đi ra ngoài làm con bị ngạt hoặc gãy tay, chân do không thể ra khỏi cơ thể mẹ theo cách thông thường. Chính vì vậy thai 36 tuần chưa quay đầu cho đến tận lúc chuyển dạ mà mẹ vẫn chọn phương pháp sinh thường sẽ tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Nguyên nhân khiến thai 36 tuần chưa quay đầu

Nếu thông qua các chỉ số theo dõi thai nhi ở tuần 36 mà thấy con chưa quay đầu, các bác sĩ sẽ dựa trên hồ sơ sinh của mẹ cũng như tình trạng của thai nhi để nhận định nguyên nhân khiến ngôi thai ngược.

Nguyên nhân từ thai phụ

  • Nước ối quá nhiều hay còn gọi là đa ối. Tình trạng này phổ biến ở những mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ khiến cho thai nhi có nhiều không gian để chuyển động nên có thể ở vị trí bất kỳ trong những tuần thai cuối
  • Cạn nước ối hay thiểu ối nên thai nhi bị mắc kẹt trong buồng tử cung và không đủ không gian để quay đầu
  • Thai phụ mang đa thai hoặc sinh nở ở độ tuổi ngoài 40
  • Mẹ bầu có bệnh lý nền như u xơ tử cung, u nang buồng trứng hoặc tử cung dị dạng, tử cung có vách ngăn tạo nên sự chèn ép khiến thai nhi không quay đầu được

Nguyên nhân xuất phát từ thai nhi

  • Chu vi vòng đầu của thai nhi quá to
  • Nhau thai bám thấp, dây rốn ngắn, nhau thai quấn cổ cũng gây cản trở sự điều chỉnh thai nhi trong bụng mẹ vào tuần thai này
  • Thai nhi mắc dị tật bẩm sinh

Có cách nào để thai nhi quay đầu ở tuần 36 không?

Thường thì đến tuần 36 trở đi do em bé đã lớn và chiếm gần như toàn bộ diện tích của tử cung người mẹ nên phần lớn ngôi thai sẽ giữ nguyên vị trí và ít xoay hướng. Vì vậy, nếu mẹ đang trong trường hợp thai 36 tuần chưa quay đầu thì sẽ rất khó quay đầu vào các tuần tiếp theo. Các trường hợp ngôi thai ngược cần được theo dõi và thăm khám thường xuyên nhất là ở những tuần cuối của thai kỳ để lựa chọn chính xác phương thức sinh phù hợp đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai.

Ngoài ra, qua thăm khám nếu bác sĩ nhận định vẫn có khả năng ngôi thai thuận thì mẹ bầu có thể áp dụng 1 số mẹo nhỏ để em bé trở về vị trí thuận lợi nhất cho kỳ sinh nở.

  • Không nằm ngửa, chọn tư thế nằm nghiêng tạo điều kiện để em bé xoay chuyển tư thế
  • Hạn chế ngồi xổm, ngồi lâu ở 1 tư thế và giữ đầu gối thấp hơn mông mỗi khi ngồi ghế bằng cách lót thêm gối hoặc đệm để nâng cao vùng hông của mình
  • Thường xuyên tập yoga cho bà bầu và các động tác phối hợp cả tay và chân như tập tư thế bò, quỳ bằng tứ chi sau đó rướn người lên xuống
  • Tác động đến thai nhi bằng cách kích thích nhiệt độ theo phương pháp nóng lạnh, chườm túi ấm ở cuối tử cung, phía trên xương mu đồng thời chườm đá lạnh ở phần đỉnh bụng của mẹ nơi có đầu thai nhi. Mẹ cũng có thể sử dụng âm nhạc ở vị trí bụng dưới để bé di chuyển xuống gần chỗ có âm thanh

Chia sẻ cùng mẹ

Mẹ đừng quá lo lắng nếu thai 36 tuần chưa có ngôi thai thuận. Có thể là do con bướng bỉnh nên quay đầu muộn hơn 1 chút mà thôi. Kể cả cho đến ngày vượt cạn, nếu ngôi thai vẫn ngược thì điều quan trọng nhất là hãy chuẩn bị tâm lý thật tốt vì hiện nay có rất nhiều phương pháp hỗ trợ sinh để giúp mẹ có cuộc sinh nở thành công, mẹ tròn con vuông!

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

ZinVi