Tăng cường sức đề kháng cho trẻ là điều cần thiết và quan trọng nhằm giúp cơ thể bé chóng chọi với những dịch bệnh dễ bùng phát vào thời điểm giao mùa.
- Viêm tiểu phế quản: Cha mẹ hết sức lưu ý khi giao mùa
- Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ từ hoa quả: Mẹ đã làm đúng chưa?
Hệ miễn dịch của trẻ trong năm đầu đời còn rất non nớt. Do đó, cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ để cơ thể con có thể chiến đấu tốt hơn với các vi rút gây bệnh, đặc biệt là cúm và những căn bệnh về đường hô hấp dễ lây lan.
Dưới đây là 7 cách cần thiết và quan trọng giúp bé có một hệ miễn dịch khỏe mạnh trong năm đầu đời.
-
Mẹ nhớ đưa con đi tiêm vắc xin đầy đủ và đúng thời hạn
Tiêm vắc xin là một trong những cách cơ bản có thể giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ sơ sinh hiệu quả. Nhờ vắc xin, cơ thể con sẽ được bảo vệ trước các vi rút gây bệnh. Vì thế mẹ cần kiểm tra kĩ càng càng mũi tiêm vắc xin theo từng tháng tuổi của con, đảm bảo bé được tiêm đầy đủ và đúng mũi vắc xin như yêu cầu.
-
Sữa mẹ – Một trong những nguồn dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng của trẻ
Với các bé sơ sinh, sữa mẹ được xem là một loại thức ăn với đầy đủ dinh dưỡng và các chất đề kháng tự nhiên cho con. Nếu sức khỏe mẹ tốt và không gặp hạn chế về việc cho con bú thì mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian càng lâu càng tốt. Điều này sẽ mang lại những lợi ích tốt nhất để sức đề kháng của con được khỏe mạnh.
Với các mẹ nuôi con bằng sữa ngoài, mẹ có thể giúp bé tăng cường hệ miễn dịch bằng các cách khác như tiêm vắc xin, đảm bảo vệ sinh cho con sạch sẽ, tạo môi trường sống trong lành, giúp bé vận động thường xuyên, …
-
Rửa chân tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với trẻ
Đây là một nguyên tắc quan trọng trong việc chăm sóc trẻ năm đầu đời. Không chỉ có cha mẹ, những người trực tiếp chăm sóc con mà ngay cả những ai muốn bế con thì cũng cần phải thực hiện điều này. Việc rửa tay sạch sẽ giúp hạn chế được rất nhiều các loại vi khuẩn gây bệnh có thể lây lan cho trẻ.
-
Đảm bảo con có một chế độ dinh dưỡng với các thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng
Từ 6 tháng trở đi, khi con bước vào tuổi ăn dặm, mẹ hoàn toàn có thể bổ sung và tăng cường các món ăn ngon, phù hợp với khẩu vị của trẻ mà lại đảm bảo con có được hệ miễn dịch tốt nhất.
Một số loại thực phẩm rất tốt cho hệ miễn dịch của bé như:
- Các món ăn có chứa nhiều chất kẽm như hải sản, thịt bò, đậu Hà Lan, đậu nành, …
- Nhóm thực phẩm giàu chất xơ hòa tan như cà rốt, táo, cam, bưởi, quýt, … Mẹ có thể cho bé uống dưới dạng nước, xay nhuyễn hoặc cho bé mút gặm đều rất tốt. Với bé dưới một tuổi, nếu cho con uống các loại hoa quả chua như cam, quýt thì mẹ nhớ pha loãng sẽ tốt hơn cho dạ dày của con.
- Sữa chua. Bé từ 6 tháng tuổi trở lên đã có thể ăn sữa chua rất tốt. Mẹ chịu khó cho bé ăn hàng ngày để vừa cân bằng hệ vi sinh đường ruột lại giúp con có một hệ miễn dịch khỏe mạnh.
-
Mẹ nhớ cho con ngủ đủ giấc, đủ giờ và chất lượng
Trong năm đầu đời, giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với trẻ. Nếu con có một giấc ngủ chất lượng, trẻ sẽ khỏe mạnh, vui vẻ, cơ thể cũng dễ chống chọi với vi rút gây bệnh hơn.
Vì thế, mẹ cần tìm hiểu kĩ càng các vấn đề về giấc ngủ của trẻ trong năm đầu đời để đảm bảo con có được những giấc ngủ tốt nhất trong năm đầu đời.
-
Tuyệt đối để trẻ tránh xa khói thuốc lá
Thời gian gần đây, có rất nhiều tin tức về việc con bị suy hô hấp vì tiếp xúc với khói thuốc lá. Thậm chí có những bé còn tử vong vì phổi bị phá hủy hoàn toàn bởi khói thuốc lá của những người vô tâm và thiếu hiểu biết.
Do đó, với trẻ sơ sinh, mẹ cần tìm hiểu kĩ về nơi con đi chơi, tiếp xúc. Tuyệt đối không để sức khỏe con bị ảnh hưởng bởi khói thuốc dù là gián tiếp hay trực tiếp.
-
Mẹ cần đảm bảo con được khám sức khỏe định kỳ đầy đủ và bổ sung vitamin hợp lý
Với trẻ sơ sinh, việc khám sức khỏe định kĩ là điều cần thiết để bác sĩ sớm phát hiện ra những bất thường trong quá trình phát triển và sức khỏe của con.
Thêm vào đó, khi đi khám, mẹ có thể tư vấn với bác sĩ để bổ sung các loại vitamin cần thiết cho bé. Lạm dụng thuốc không phải là điều tốt nhưng việc sử dụng vitamin một cách hợp lý sẽ giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ được hiệu quả hơn.