“Tại sao trẻ sơ sinh ngủ hay rặn è è?” là câu hỏi khiến không ít bậc phụ huynh lo ngại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này nhưng 2 trong số đó rất có thể là do trẻ bị trào ngược dạ dày hoặc bị thiếu canxi.
- Tại sao trẻ sơ sinh ngủ hay rặn è è
- Những điều lưu ý khi bé hay rặn
- Làm gì khi bé thực sự mắc bệnh lý?
Tại sao trẻ sơ sinh ngủ hay rặn è è
Rặn è è về đêm thực chất là hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ tầm 2 tháng tuổi. Kèm theo đó là các biểu hiện như vặn mình, cựa mình đến đỏ mặt khoảng mấy phút rồi trở lại bình thường. Ngoài ra, phần nhiều các bé từ lúc sinh đến vài tuần tuổi hay vặn mình vì chưa quen với cuộc sống bên ngoài tử cung của mẹ.
Trả lời cho thắc mắc cụ thể của một phụ huynh: “Lúc bé thức, ngủ hay bú gì cứ một chút là bé rặn đỏ cả mặt, ưỡn cong cả người. Một điều nữa là khi bé bú có lúc nghe khè khè, thở nhanh”, bác sĩ CK1. Nguyễn Thị Từ Anh, khoa Sơ sinh – Bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Em bé dưới 4 tháng tuổi (khi chưa biết lật) thường có động tác vặn người, sẽ tự khỏi. Nếu bé bú nghe khè khè, thở nhanh có thể do nuốt sữa không kịp. Khi đó, ba mẹ nên kẹp bớt đầu vú lại hoặc rút vú ra cho bé thở rồi bú tiếp”. Vậy đây là biểu hiện bình thường của trẻ sơ sinh ở độ tuổi chưa biết lật, cho thấy trẻ đang phát triển từng ngày nên ba mẹ không nên quá lo lắng.
Tuy nhiên, nếu trẻ rặn è è kết hợp với nhiều triệu chứng khác, thì ba mẹ nên cẩn thận quan sát thêm, vì bé có thể đang mắc một trong hai bệnh lý sau:
- Hạ canxi máu: trẻ dễ bị kích thích, ngủ không yên giấc, hay giật mình, trẻ hay vặn mình, gồng mình khi ngủ. đổ mồ hôi trộm, rụng tóc, hay nôn ói, hay nấc, hay quấy khóc và chậm lên cân… muộn hơn có thể xuất hiện các dấu hiệu còi xương ở trẻ.
- Trào ngược dạ dày: Hiện tượng trào ngược thức ăn từ dạ dày vào thực quản sẽ khiến bé rặn è è cùng các dấu hiệu khó chịu như nôn ói, quấy khóc nhiều về đêm. Ngoài ra bé cũng có thể thở khò khè và bị viêm phổi nhiều lần.
Xem thêm:
Mấy tháng bé biết lật, có cách nào giúp bé nhanh biết lật không?
Những điều lưu ý khi bé hay rặn
Như đã nói ở trên, hiện tượng bé vặn mình, rặn è è là hoàn toàn bình thường trong điều kiện không có những triệu chứng bất thường đi kèm. Ba mẹ chỉ cần lưu ý những điều sau khi con có biểu hiện rặn è è:
- Kiểm tra môi trường xung quanh xem có điều gì làm cho bé khó chịu, không an giấc hay không. Ví dụ chỗ ngủ không được thoải mái, nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng, ánh sáng chỗ ngủ quá chói, tiếng động quá ồn ào hay tả bé bị ướt mà ba mẹ chưa kịp thay… Đây là những điều cơ bản đầu tiên mà ba mẹ cần kiểm tra để an tâm.
- Bé có được bú đầy đủ hay không? Dạ dày của trẻ rất nhỏ nên nỗi lần bú chỉ bú được một ít sữa. Vì vậy bé sẽ thường đòi bú liên tục, cách 2 – 3 giờ một lần. Tuy nhiên, một vài trường hợp trẻ sẽ có nhu cầu bất thường và đòi bú bất cứ lúc nào cần. Khi đói bé sẽ bắt đầu cựa quậy, vặn mình, uốn người… nếu vẫn chưa được đáp ứng bé sẽ rên rỉ, khóc.
- Kiểm tra xem có phải do bé rặn để đi ngoài hay không? Khi đi tiểu hay đại tiện, có khả năng trẻ sơ sinh hay vặn mình, gồng mình, đỏ mặt, mẹ chú ý để vệ sinh cho bé.
Xem thêm:
Làm gì khi bé thực sự mắc bệnh lý?
Ngoài ra, nếu trẻ sơ sinh thực sự mắc có bệnh lý về hạ can xi hay trào ngược dạ dày như đã đề cập ở trên, ba mẹ nên đưa bé đến ngay các cơ sở uy tín để được tư vấn thăm khám. Trong cách nuôi dưỡng bé hàng ngày, ba mẹ nên chú ý những điều sau để tránh tình trạng hạ canxi hay trào ngược dạ dày cho bé
Phòng ngừa trào ngược dạ dày ở trẻ, ThS.BS. Nguyễn Thị Anh Tiên – Khoa Sơ sinh, bệnh viện Nhi đồng 1 khuyên rằng:
- Cho trẻ bú số lượng nhỏ và khoảng cách giữa các lần bú ít nhất 2 tiếng rưỡi đồng hồ để cho dạ dày được làm trống.
- Không đè ép lên vùng bụng của trẻ, nhất là sau khi bú.
- Giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng sau bú 30 phút.
- Cho trẻ ợ để làm giảm tình trạng trào ngược.
- Cho trẻ ngủ ở tư thế nằm ngửa và đầu giường nên kê cao hơn một chút.
Phòng ngừa hạ canxi máu ở trẻ:
- Cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu canxi như cá, tôm, thủy hải sản, sản phẩm từ sữa, xương động vật, rau cải, bông cải xanh…
- Cho trẻ tắm nắng mỗi ngày vào buổi sáng sớm cũng như cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời để tăng cường khả năng tổng hợp vitamin D
- Có thể bổ sung canxi và vitamin D bằng các viên uống thực phẩm chức năng, các loại sữa, thuốc bổ…
Với câu hỏi “Tại sao trẻ sơ sinh ngủ hay rặn è è?” nay ba mẹ đã có câu trả lời. Tuy nhiên, quá trình nuôi trẻ sơ sinh cần ba mẹ luôn theo dõi trẻ thường xuyên. Bất cứ triệu chứng bất thường nào xuất hiện, ba mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.
Nguồn thông tin:
Xem thêm:
- Bé sơ sinh khóc – Giải mã 6 tiếng khóc thường xuyên của trẻ sơ sinh
- Trẻ sơ sinh nổi mụn trên mặt, mẹ có nên lo lắng?
- Cho trẻ sơ sinh tắm gì để lông rụng nhanh và an toàn nhất?