Tờ Dailymail (Anh) đã đưa ra lý giải tại sao trẻ em ít nhiễm virus Corona trong tình hình dịch bệnh lan rộng khắp Thế giới hiện nay. Theo đó, tuy các bé dưới 10 tuổi có hệ thống miễn dịch tốt nhưng lại là nguồn lây lan diện rộng và khó kiểm soát nhất.
Tỷ lệ trẻ em nhiễm virus Corona thấp
Theo phân tích từ các thống kê, khi dịch coronavirus lan rộng ra hàng chục nghìn người trên toàn thế giới, rõ ràng có một nhóm người mà tỷ lệ ca mắc bệnh thấp hơn hẳn các nhóm tuổi khác, đó là trẻ em. Báo cáo cho thấy không có trẻ em dưới chín tuổi nào được kê khai là đã chết vì nhiễm virus viêm đường hô hấp cấp chủng mới COVID-19 ở Trung Quốc, và cho đến nay, tỷ lệ trẻ nhỏ chỉ chiếm chưa đến một phần trăm các trường hợp mắc bệnh được xác nhận tại đây.
Vẫn còn quá sớm để nói chính xác lý do tại sao trẻ nhỏ không dễ bị bệnh hoặc chết vì virus đã giết chết hơn 3.000 người trên toàn thế giới, nhưng các chuyên gia đoán rằng hệ thống miễn dịch của các em nhỏ có thể đã quen thuộc hơn với các chủng virus Corona gần đây, giúp cơ thể các em tạo ra một số bảo vệ chống lại mầm bệnh COVID-19.
Trong nghiên cứu lớn nhất được thực hiện trên các bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới từ khi khởi phát dịch cho đến nay ở Trung Quốc, kết quả đã phát hiện ra rằng chỉ có 416 trong số 44.672 người nhiễm bệnh được báo cáo là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Tức tỷ lệ trẻ em mắc bệnh chỉ chiếm 0,9% trong tất cả các trường hợp nhiễm bệnh. Lớn hơn 1 chút, ở độ tuổi từ 10 đến 19 có 549 ca nhiễm bệnh, trong đó chỉ có 1 trẻ bệnh nặng dẫn đến tử vong.
Tại sao trẻ em ít nhiễm virus Corona?
Giống như hầu hết các bệnh về đường hô hấp, tỷ lệ tử vong do virus Corona gia tăng theo tuổi tác. Dailymail dẫn chứng, tỷ lệ tử vong ở dưới 2% đối với những người dưới 40 tuổi. Nhưng trong độ tuổi từ 60 đến 79, rủi ro nhiễm bệnh và chết tăng lên 30%.
Khả năng hô hấp và hệ thống miễn dịch ở người già nhìn chung yếu hơn so với người trẻ là nguyên nhân chính. Nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, thật sự chưa có khẳng định nào đưa ra bằng chứng chứng minh tại sao trẻ em ít nhiễm virus Corona. Hiện tại có giả thuyết được đưa ra là về hệ thống miễn dịch. Chúng ta thực sự có hai loại hệ thống miễn dịch: bẩm sinh và thích nghi.
Miễn dịch bẩm sinh
Là loại miễn dịch “không cá biệt”, có nghĩa là những tế bào bạch cầu này tấn công bất cứ thứ gì lạ xâm nhập vào cơ thể, không kể là loại virus cũ hay mới hay đặc biệt hay không. Con người và các động vật có xương sống khác đều được sinh ra với khả năng miễn dịch bẩm sinh, một hệ thống phòng thủ đa dạng chống lại mầm bệnh.
Miễn dịch thích nghi
Là loại miễn dịch “có thể được rèn luyện”. Hệ thống này được tạo ra khi cơ thể con người tiếp xúc với nhiều virus và vi khuẩn hơn trong môi trường, hình thành kháng thể phù hợp, được “thiết kế riêng” để chống lại từng loại với các mầm bệnh khác nhau.
Khi chúng ta già đi, tiếp xúc với nhiều sự thay đổi của môi trường đã phát triển khả năng miễn dịch thích nghi hơn và cũng mất dần khả năng miễn dịch bẩm sinh. Vì vậy, đối với các hệ thống miễn dịch lâu năm, virus Corona chủng mới hoàn toàn mới lạ và khác biệt, khó ứng phó kịp. Trong khi hệ thống miễn dịch trẻ em thì vẫn còn bẩm sinh, gần như mọi loại virus đều mới, vì vậy cơ thể đang có phản ứng phòng thủ tương tự như những gì nó quen làm và chống lại tốt hơn. Và trong số những mầm bệnh mà trẻ em mắc phải nhiều nhất là những “anh em” của virus Corona, thủ phạm gây ra các bệnh cảm cúm thông thường.
Ít nhiễm nhưng lây lan nhanh
Trẻ em thường nhiễm các loại virus về đường hô hấp ở trường, đó là lý do tại sao các trường học khắp nơi được đề xuất ngừng hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh mới bùng phát. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhiễm trùng được phát hiện thấp ở trẻ em cũng có thể hiểu rằng trẻ nhỏ có khả năng lây lan virus cho người khác nhanh chóng và dễ dàng.
Hơn nữa, khi trẻ em tiếp xúc và dính phải virus Corona chủng mới, cơ chế miễn dịch khiến các em không có biểu hiện bệnh như thông thường, không có triệu chứng nên ít có khả năng được kiểm tra, chẩn đoán hay cách ly như người lớn. Và sau đó lại hoàn toàn có thể lây cho người lớn xung quanh, những người có hệ miễn dịch bẩm sinh kém hơn.
Chuyên gia về virus Corona, tiến sĩ Malik Peiris thuộc Đại học HongKong cũng đã phát biểu rằng: “Dù trẻ không có biểu hiện nhiễm virus thì cũng không có nghĩa là các em không bị bệnh hay hoàn toàn khoẻ mạnh. Nếu trẻ đã tiếp xúc với virus thì vẫn có khả năng lan truyền bệnh rất nhanh. Tuy chưa có con số và nghiên cứu chứng minh điều này, nhưng đây là khả năng cao mà phụ huynh nên lưu ý.”
Dù có nhiều lý giải cho việc tại sao trẻ em ít nhiễm virus Corona chủng mới, thì dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp và cần có biện pháp phòng chống cho các em. Giữ vệ sinh sạch sẽ, đeo khẩu trang và hạn chế nơi đông người là điều cần thiết.
Theo dailymail
Xem thêm:
- Dịch H5N1 chồng dịch Corona – Thai phụ và trẻ em cần làm gì để được bảo vệ tối đa?
- 8 cách giúp bố mẹ giữ trẻ trong tuần nghỉ vì dịch corona và cách phòng dịch tại nhà
- Cách dạy bé chịu đeo khẩu trang phòng dịch Corona