Sức khoẻ tâm thần trẻ em là một vấn đề quan trọng cần được chú ý nhưng đôi khi phụ huynh lại bỏ qua hoặc chăm sóc không đúng cách. Các chuyên gia cho rằng sức khoẻ tinh thần của mỗi người cũng phải được phát triển một cách lành mạnh từ thời thơ ấu, quan trọng không kém sức khoẻ thân thể.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng từng khuyến cáo, sức khỏe tinh thần tốt là điều cần thiết để một người phát huy được tiềm năng đầy đủ, đối phó với những căng thẳng trong cuộc sống và làm việc hiệu quả để có thể đóng góp cho cộng đồng.
Vậy phải làm sao để con trẻ có thể có được một tinh thần tích cực, lành mạnh chuẩn bị cho tương lai? Các chuyên gia đã đưa ra một số nguyên tắc mà phụ huynh có thể chú ý thực hiện trong việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho con ngay từ thuở ấu thơ.
1. Thấu hiểu hành vi, khuyến khích suy nghĩ tích cực và ghi nhớ bài học từ sự tiêu cực
Nhiều phụ huynh thường đánh giá đúng – sai và dạy con làm theo ý mình mà quên đặt câu hỏi về những hành vi của con hay lý do đằng sau những lần “nổi loạn”, vì sao con khóc…
Quả thật là rất khó để có thể tìm được cách giao tiếp dễ dàng và trực tiếp với trẻ em để thấu hiểu hành vi của con, hay con đang nghĩ gì, cảm giác ra sao.
Nhưng không vì thế mà bố mẹ có thể bỏ qua việc tìm hiểu suy nghĩ của bé để có thể hướng dẫn con tìm giải pháp lành mạnh cho sức khoẻ tâm thần.
Tất cả là một quá trình cần được thực hiện dần dần bằng cách khuyến khích bé tập suy nghĩ tích cực trong các vấn đề xung quanh. Bên cạnh đó bố mẹ cũng không nên cấm cản con có suy nghĩ tiêu cực mà phải chấp nhận rồi tìm ra giải pháp, đúc kết bài học từ cảm xúc tiêu cực đó.
Chìa khóa để hiểu tư duy của trẻ em xuất phát từ việc quan sát cách các con phản ứng trong từng tình huống và bối cảnh khác nhau. Từ đó dạy con một số bài tập tăng cường hoặc đối phó với các cảm xúc này.
Bao gồm cách con liên hệ bản thân với người xung quanh hoặc giao tiếp, nói chuyện với người khác, cảm thấy thế nào về bản thân và cách con chọn để xử lý các tình huống khó khăn.
2. Phát triển tư duy tăng trưởng, hạn chế tư duy lối mòn trong sức khoẻ tâm thần trẻ em
Suy nghĩ tích cực thường dẫn đến hành vi tích cực, và cách để làm điều này với trẻ em là khuyến khích con phát triển một tư duy luôn biến đổi và hạn chế việc tư duy theo lối mòn cứng ngắc.
Chuyên gia chỉ ra, tư duy lối mòn là tư duy mà ở đó chúng ta tin rằng những tính cách, khả năng đều, giới hạn của chúng ta là “trời cho” và không thể thay đổi. Trong khi đó, tư duy tăng trưởng là cách con người hiểu bản thân và biết rằng nếu có gắng kiên nhẫn, thành công sẽ đến dù khó khăn đến đâu.
Để có thể phát triển sức khoẻ tâm trần trẻ em một cách tích cực, ngay trước tiên, bản thân bố mẹ phải cố gắng thấm nhuần tư duy này, và khuyến khích con họ làm điều tương tự. Các bậc phụ huynh phải công nhận những nỗ lực của con và cho bé thấy rằng những thành quả của sự cố gắng đều xứng đáng, dù không được như ý.
3. Hình thành sự tin cậy thông qua tình cảm
Bố mẹ nên dành thời gian trò chuyện với con, hiểu được nhu cầu và mong muốn của con, tạo sự tin cậy hay chúng ta hay nói là “làm bạn với con”. Lúc nào phụ huynh cũng phải chú ý rằng sức khoẻ tâm thần trẻ em cũng quan trọng không kém sức khoẻ thể chất để tìm cách đối xử với hành vi của con.
Ví dụ như khi con phạm lỗi, bố mẹ không nên chỉ la hét hay trừng phạt con, ép con xin lỗi mà khuyến khích con suy nghĩ về hành vi vừa rồi. Cùng con tìm ra lý do vì sao lại hành động như thế, phải giải quyết như thế nào.
Bằng cách này, khi bé gặp rắc rối hay phạm lỗi lần sau sẽ không tìm cách che giấu mà có sự tin tưởng, tìm đến bố mẹ cùng nghĩ giải pháp. Bởi ngoài tình yêu thương và sự chăm sóc, điều mà hầu hết trẻ em thường cần là một người có thể lắng nghe mình và hướng dẫn xử lý tình huống, cũng như cảm giác an toàn.
Mỗi trẻ em đều có những đặc điểm tính cách riêng, học theo một cách khác nhau và ở một tốc độ khác nhau. Bằng cách hiểu những yếu tố liên quan đến con trẻ, bố mẹ có thể điều chỉnh môi trường ở nhà để hỗ trợ cho các hoạt động chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em ngay từ bây giờ.
Nguồn: indianexpress
Xem thêm:
- Tại sao chúng ta không nên ép trẻ nhỏ nói lời XIN LỖI?
- Nuôi dạy con kiểu Pháp giúp Mẹ không còn gào thét với con nữa!
- 9 nguyên tắc vàng giúp nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc